Quan hệ Nga - EU liệu có trở nên nồng ấm?

Nguyễn Nhâm |

Theo giới phân tích, quan hệ giữa Nga và Pháp đang nồng ấm trở lại khi các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai bên ngày càng trở nên thường xuyên hơn.

Ngày 19/8 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã có chuyến thăm Cộng hòa Pháp. Ông Putin và người đồng cấp nước chủ nhà Macron đã thảo luận về các giải pháp cải thiện quan hệ song phương, vốn đang có chiều hướng phát triển tích cực trong thời gian gần đây, khiến dư luận kỳ vọng về mối quan hệ Nga-EU sẽ trở nên nồng ấm hơn.

Từ nội dung bàn thảo…

Trong gần 4 giờ đồng hồ, người đứng đầu 2 nước Pháp-Nga đã trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có việc bảo đảm an ninh tại châu Âu và hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), cuộc khủng hoảng tại Syria, Ukraine, Lybia, chống khủng bố và an ninh mạng…

Phía Nga nhấn mạnh rằng, Moscow luôn sẵn sàng khôi phục đối thoại chính trị với EU, theo đó Tổng thống Putin đã nêu vấn đề triển vọng hợp tác giữa Nga và EU như một nội dung quan trọng với người đồng cấp Pháp, quốc gia cùng với Đức đóng vai trò lãnh đạo châu Âu.

Đây là chuyến thăm chính thức nước Pháp đầu tiên của ông Putin kể từ khi Tổng thống Macron đắc cử. Trong năm nay, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng đã đến thành phố Le Havre, vùng Normandie, miền Tây Bắc nước Pháp, để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Edouard Philippe.

Được biết, cũng nhờ có các cuộc tiếp xúc cấp cao trước đó, nên nhiều cơ chế hợp tác quan trọng giữa 2 nước, vốn bị đóng băng từ sau năm 2014, đã được khai thông, trong đó có vấn đề khá quan trọng là cơ chế “2+2” (Ủy ban hợp tác an ninh với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao và Ủy ban hợp tác kinh tế, tài chính, công nghiệp và thương mại).

Chiều hướng tích cực còn được ghi nhận trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Theo đó, tính đến cuối năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 11%, đạt 17,2 tỷ USD so với năm trước đó, khối lượng vốn của Pháp đầu tư vào nền kinh tế Nga đạt hơn 18 tỷ USD. Hơn 600 doanh nghiệp và liên doanh Pháp đang hoạt động tích cực trên thị trường Nga.

Ngoài ra, các vấn đề nóng trên thế giới cũng được hai nhà lãnh đạo Nga, Pháp cùng nhau thảo luận cho thấy quyết tâm của hai bên trong việc đẩy mạnh phát triển hợp tác song phương, đồng thời phối hợp giải quyết các mối đe dọa, thách thức truyền thống và phi truyền thống, cũng như những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên thế giới hiện nay.

Đến những dấu hiệu lạc quan…

Theo giới phân tích, quan hệ giữa Moscow và Paris đang nồng ấm trở lại khi các cuộc tiếp xúc giữa hai bên, đặc biệt ở cấp cao ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Trước đó, ngày 28/6, hai tổng thống đã gặp nhau Hội nghị thượng đỉnh Các Nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka Nhật Bản. Hai ông còn thường xuyên điện đàm thảo luận nhiều vấn đề trong quan hệ song phương và quốc tế.

Giới quan sát đặc biệt chú ý, chuyến thăm Pháp của Tổng thống Nga Putin diễn ra chỉ ít ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), dự kiến được tổ chức tại thành phố Biarritz (Pháp) từ 24–26/8. Và điều quan trọng hơn là trước cuộc hội đàm, ông Macron đã nhấn mạnh, Nga đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Ông Macron nêu rõ: “Tất cả cuộc khủng hoảng trên thế giới là chủ đề thảo luận của tôi với ông Putin. Bởi vì Pháp đang tiến hành công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7, trong khi Nga đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng. Chính vì vậy, tôi muốn trao đổi ý kiến với ngài V. Putin về những vấn đề này”.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm Pháp lần này của ông chủ Điện Kremlin không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương Nga-Pháp, mà còn giúp tái khởi động quan hệ Nga-EU. Phát biểu với báo giới, ông Yuri Ushakov, Trợ lý Tổng thống Nga nhấn mạnh, Moscow luôn sẵn sàng khôi phục đối thoại chính trị với EU.

Do đó, vấn đề triển vọng hợp tác giữa Nga và EU được Tổng thống V. Putin thảo luận với Tổng thống Pháp, quốc gia đóng vai trò quan trọng tại châu Âu. Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh: “Pháp và Nga sẽ cùng nhau phát triển một cấu trúc an ninh mới và niềm tin giữa Nga-EU. Pháp có vai trò trong việc này”.

Giới phân tích cho rằng, những động thái của Pháp được cho là phù hợp với xu hướng hiện nay của nhiều quốc gia EU trong việc hàn gắn quan hệ với Nga nhằm tránh tổn thất nặng nề từ những đòn trừng phạt lẫn nhau. Việc xứ sở bạch dương và đất nước hình lục lăng tăng cường hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Và vẫn còn những rào cản

Hợp tác chặt chẽ với Nga, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhiều vấn đề quốc tế lớn, là lựa chọn hàng đầu giúp Pháp và “lục địa già” đối phó hiệu quả hơn với những mối đe dọa và thách thức về an ninh. Đối với Nga, những bước tiến trong quan hệ với Pháp giúp mở rộng cánh cửa để Nga cải thiện quan hệ với EU.

Tuy nhiên, trong xu hướng nồng ấm trở lại trong quan hệ Nga–EU, vẫn còn tồn tại những dấu hiệu “ngược dòng”. Được biết, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine ngày 12/8 đã bình luận về chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin tới Bán đảo Crimea. Vị Đại sứ này cho biết, Mỹ ủng hộ quan điểm của Ukraine coi chuyến thăm là “một sự vi phạm không thể chấp nhận được đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Trong khi phía Nga khẳng định, việc sáp nhập Bán đảo Crimea đã tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, dựa trên nguyện vọng của người dân Crimea mặc dù các nước phương Tây không công nhận điều này. Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) V. Dzhabarov cũng khẳng định “Bán đảo Crimea chỉ có thể trở lại Ukraine với một điều kiện: Khi Nga chấm dứt tồn tại”.

Như vậy, sau nhiều năm khủng khoảng, hai bên đều gặp phải những hệ lụy không mong muốn. Với những bước đi chủ động, tích cực của Tổng thống Pháp với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu, đã mở ra thời kỳ mới cho quan hệ tốt đẹp hơn giữa Nga-Pháp và có thể đưa quan hệ Nga–EU trở nên nồng ấm hơn.

Vì thế, giới phân tích cho rằng, tuy chưa có những thỏa thuận mạng tính đột phá giữa Nga và Pháp, nhưng chuyến thăm Pháp lần này của Tổng thống Putin có ý nghĩa quan trọng không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, mà còn tạo ra xung lực mới giúp tái khởi động quan hệ Nga–EU bước sang giai đoạn phát triển mới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại