Thấy Thủ tướng Australia bị chỉ trích là "trịch thượng, vô lễ", TQ nhanh tay "thêm dầu vào lửa"

Hải Võ |

Lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương kêu gọi loại Australia khỏi tổ chức của khu vực, sau khi Canberra bị chỉ trích là có thái độ "thực dân kiểu mới" trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Australia bị chỉ trích tại Diễn đàn đảo

Japan Times ngày 19/8 đưa tin, vụ khủng hoảng ngoại giao leo thang khi lãnh đạo các đảo quốc cáo buộc Australia tìm cách "bịt miệng" họ, trong khi các nước này muốn thông qua Diễn đàn đảo Thái Bình Dương ở Tuvalu hồi tuần trước để đưa ra lời kêu gọi hành động toàn cầu nhằm ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, trước thềm vòng đối thoại ở New York do Liên hợp quốc bảo trợ vào tháng tới.

Phó thủ tướng Australia Michael McCormack sau đó đã gây thêm giận dữ cho các đảo quốc khi bác bỏ lo ngại của các nước, và nói rằng họ "có thể đến đây (Australia) hái lượm hoa quả" để sinh tồn.

Thủ tướng Tuvalu Enele Sopoaga gọi bình luận của ông McCormack là "nhục mạ và xúc phạm", đồng thời thách thức vai trò của Canberra trong 18 thành viên của Diễn đàn đảo Thái Bình Dương.

"Tinh thần của Thái Bình Dương đã không được những người này hiểu đúng đắn, tôi không cho rằng họ hiểu một chút nào về điều đó," ông Sopoaga nói với Radio New Zealand. "Nếu đã như vậy thì việc họ tiếp tục ở trong nhóm lãnh đạo Diễn đàn đảo còn có ý nghĩa gì?"

Thủ tướng Fiji ông Frank Bainimarama cũng cũng chỉ trích những biểu hiện của người đồng cấp Australia Scott Morrison tại Diễn đàn đảo vừa kết thúc là "trịch thượng", "hết sức vô lễ", "đầy tính xúc phạm".

"Tôi cứ tưởng rằng ông Morrison là một người bạn tốt, nhưng rõ ràng là không phải, " ông Bainimarama trả lời báo Guardian Australia hôm thứ Bảy (17/8).

Bainimarama cho biết "không có sự cạnh tranh" giữa Australia và Trung Quốc về ảnh hưởng tại khu vực, nhưng khi đề cập khả năng các lãnh đạo Thái Bình Dương tìm kiếm những liên hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, ông nói "không gì có thể tệ hơn [Australia]".

Australia có mối quan hệ phức tạp với các đảo quốc láng giềng - những nước nhận khoảng 1.4 tỉ đô la Úc (khoảng 950 triệu USD) viện trợ mỗi năm từ Canberra. Dù vậy, các nước xung quanh tỏ ra bất mãn trước việc giới chức Autralia thường đề cập đến những đảo quốc khu vực như là "sân sau" của họ.

Sopoaga bình luận, vụ lùm xùm ở Diễn đàn đảo tuần trước về vấn đề biến đổi khí hậu khiến ông nhớ lại các cuộc họp của khu vực nhiều thập kỷ trước, khi mà "những ông chủ thực dân" là người thiết lập nghị trình.

"Chúng tôi vẫn nhìn thấy những hình ảnh phản chiếu và biểu hiện của cách tiếp cận chủ nghĩa thực dân kiểu mới [từ Australia] trong vấn đề đề tài đối thoại của các lãnh đạo," thủ tướng Tuvalu nói.

Thấy Thủ tướng Australia bị chỉ trích là trịch thượng, vô lễ, TQ nhanh tay thêm dầu vào lửa - Ảnh 2.

Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Diễn đàn đảo Thái Bình Dương ở Tuvalu, ngày 16/8 (Ảnh: Mick Tsikas/AAP)

Bất đồng về vấn đề chống biến đổi khí hậu

Canberra, nhận thấy cảnh báo trước những động thái ngoại giao của Bắc Kinh trong khu vực, đã phát động một chiến dịch "tấn công quyến rũ" vào năm ngoái với cái tên Bước tiến Thái Bình Dương - nhằm kéo các láng giềng xích lại gần Canberra và ngăn chặn viễn cảnh một căn cứ quân sự Trung Quốc sẽ hiện diện ở khu vực trong tương lai.

Tuy nhiên, những chia rẽ trong vấn đề biến đổi khí hậu được thể hiện ở Tuvalu cho thấy bất đồng giữa các bên sâu sắc hơn so với bề ngoài, và căng thẳng ngoại giao đã gây ra vết nứt trong quan hệ giữa Australia với các đảo quốc.

Lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương nhận định, hiện tượng nóng lên toàn cầu là mối đe dọa sống còn đối với các quốc gia thấp dưới mực nước biển và cần phải có hành động ngay. Trong khi đó, thủ tướng Morrison nói mối đe dọa từ biến đổi khí hậu là có thật, nhưng cho rằng nó có thể được kiểm soát mà không làm tổn hại đến nền kinh tế - bao gồm ngành công nghiệp khai thác than đang sinh lời.

Sau nhiều giờ trao đổi, các lãnh đạo Diễn đàn không đạt được đồng thuận về hành động đối với biến đổi khí hậu, và thay vào đó chỉ ra được một thông cáo "chung chung", sau khi Australia từ chối ủng hộ thông cáo kêu gọi ra lệnh cấm xây dựng các mỏ than mới và làm giảm nhanh lượng khí nhà kính.

Ông Morrison thừa nhận đã có "những cuộc đối thoại khó khăn" với các lãnh đạo Thái Bình Dương, nhưng ông so sánh điều này giống như những khúc mắc trong gia đình, và bác bỏ ý kiến mối quan hệ gặp phải bất kỳ tổn hại dài hạn nào.

Thấy Thủ tướng Australia bị chỉ trích là trịch thượng, vô lễ, TQ nhanh tay thêm dầu vào lửa - Ảnh 3.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng

Trung Quốc nói Australia hãy "tự nhìn lại mình"

Ở một diễn biến khác, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 20/8 đề cập việc thủ tướng Fiji chỉ trích thủ tướng Australia. Ông Cảnh cho rằng đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo các đảo quốc tỏ ra bất bình trước tác phong của Australia.

"Chúng tôi mong rằng Australia sẽ tự nhìn lại mình," ông Cảnh Sảng nói, đồng thời khẳng định các khoản viện trợ mà Trung Quốc cung cấp cho những đảo quốc Thái Bình Dương "tôn trọng đầy đủ mong muốn của nhân dân và chính phủ các đảo, không đi kèm điều kiện chính trị, thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế xã hội".

"Như lời thủ tướng Fiji nói, Trung Quốc chưa từng xúc phạm các đảo quốc, không tuyên truyền khắp thế giới về việc đóng góp cho các đảo bao nhiêu tiền," ông Cảnh phát biểu, và so sánh biểu hiện của Bắc Kinh so với Canberra ở khu vực là "sự chân thành và thân thiết so với 'chỉ tay năm ngón'".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại