CEO Asanzo trải lòng về con đường sản xuất tivi bán cho những người bị bỏ quên và khủng hoảng "Made in Vietnam"

Minh Quyên |

Trải lòng về triết lý phát triển Asanzo, ông Phạm Văn Tam đã không kìm được xúc động, nghẹn ngào rơi nước mắt khi nói về những khó khăn trong 2 tháng qua và quyết tâm đấu tranh để tiếp tục phát triển Asanzo.

Sáng 15/8/2019, tại Hà Nội, CLB Cafe Số tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo”, mở đầu buổi Tọa đàm ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo đã trải lòng về con đường phát triển Asanzo từ một người buôn bán hàng điện tử ở chợ Nhật Tảo cho đến khi quyết định đầu tư 500 tỷ đồng để xây dựng được nhà máy ở Khu công nghệ cao Quận 9, TP.HCM.

Trước rất đông các nhà báo và người quan tâm, ông Phạm Văn Tam không kìm được xúc động, nghẹn ngào rơi nước mắt khi nói về những khó khăn trong 2 tháng qua và ông cho biết sẽ quyết tâm đấu tranh để tiếp tục phát triển Asanzo.

Mở đầu bài phát biểu ông Tam nói rằng: “Nhiều bài báo nói tôi chỉ là người đi buôn, tôi rất buồn. Nhưng tôi tự hào đã từng là người đi buôn, đi buôn có gì xấu đâu, tôi là người Quảng Ninh nhưng đã xây dựng thương hiệu Asanzo là cái tên của miền Nam.

Tôi chưa bao giờ giấu chuyện tôi đã trải qua nhiều ngày tháng buôn bán ở chợ Nhật Tảo, thời gian đó giúp cho tôi có cách làm mạnh dạn phát triển thương hiệu Asanzo sau này".

Những chiếc tivi cho những người tiêu dùng bị bỏ quên

"Tôi là người sáng lập Asanzo, tôi đã có sản phẩm tivi đầu tiên nhờ những chuyến đi buôn, cung cấp hàng cho người dân miền Tây, những người sống ở những huyện nghèo, chợ nổi rất nghèo, thiếu điện, thiếu nước sạch.

Khi đó tôi nghĩ mình sẽ làm tivi để phục vụ cho đối tượng khách hàng bị bỏ quên này. 20 tuổi tôi đã vào miền Nam, đã đi nhiều vùng quê ở miền Tây và rất hiểu người dân ở đây, họ sống trên xuồng ghe, bán trái cây, không có nước sạch, chỉ có trời và sông nước.

Tôi không có mơ ước gì nhiều, tôi chỉ muốn làm ra những tivi có thể sử dụng điện ắc quy để phục vụ cho họ. Tôi gọi đó là những người tiêu dùng bị bỏ quên, các hãng tivi toàn cầu chưa có sản phẩm nào dành cho họ", ông Tam chia sẻ.

Ông Tam nói tiếp: "Tôi ra đi từ chợ Nhật Tảo, tôi có 500m2 nhà xưởng, tôi làm ra những chiếc tivi chỉ dùng bình ắc quy là xem được, khi đó không có một hãng tivi lớn nào làm những sản phẩm này. Tôi làm ra những tivi màn hình LED cỡ 18-20inch đầu tiên.

Để có thể sử dụng ắc quy để xem tivi, tôi phải thiết kế lại toàn bộ bo mạch, làm nhỏ gọn lại, nguồn điện cũng làm lại, chỉ cần dùng bình ắc quy 12V có thể dùng 4-5 tiếng xem tivi trên xuồng ghe, bo mạch của tôi không giống bất cứ một hãng nào, không copy của ai hết.

Vào năm 2013, tháng đầu tiên bán được 1.000 tivi, tôi rất hài lòng, tôi không cần nhiều chỉ cần thế là đủ. Mỗi tháng tôi chỉ cần phục vụ vài trăm tivi cho khách hàng ở miền Tây, ở các vùng cao nguyên không có điện lưới, họ phải dùng năng lượng mặt trời, ắc quy để xem được tivi".

"Dần dần tôi tăng chất xám của mình lên, tôi tăng bo mạch cho tivi để có thể dùng điện lưới, ở những nơi điện yếu chỉ tầm 90V, tôi phải thiết kế bo mạch lại tivi cho phù hợp với dòng điện yếu ở các khu vực đó, tivi của tôi vẫn có độ bền vẫn cao, bảo hành 3 năm, giá rẻ.

Tới khi tivi smart ra đời, tôi đã làm những sản phẩm tivi khác biệt với các hãng lớn khác, tivi của Asanzo dùng được cả 3G và Wi-Fi, tôi thiết kế lại toàn bộ giao diện hệ điều hành Android cho tivi.

Hệ điều hành Android là hệ điều hành mở và Asanzo đã thiết kế giao diện đơn giản nhất, dễ sử dụng nhất để người dùng có thể mù chữ, không hiểu công nghệ nhưng bấm 1 nút là xem YouTube, xem phim mà không phải đi quá nhiều tầng lớp.

Tôi cắt bớt các chi tiết, tivi của các hãng toàn cầu có 4-5 cổng USB, 2-3 cổng HDMI, tôi thiết kế tivi chỉ cần 1 cổng USB, 1 cổng HDMI, tôi cải tiến lại nguồn điện phù hợp với các khu vực điện yếu, tivi của tôi chỉ cần nguồn điện 90-100V nhưng vẫn dùng bền, dùng tốt.

Các hãng tivi toàn cầu chỉ thiết kế sản phẩm cho nguồn điện 220V, nếu dùng ở những khu điện yếu sẽ không xem được, tivi nhanh hỏng", ông Tam nói.

CEO Asanzo trải lòng về con đường sản xuất tivi bán cho những người bị bỏ quên và khủng hoảng Made in Vietnam - Ảnh 1.

Rất đông các nhà báo đã tham dự Tọa đàm và đặt câu hỏi cho Asanzo.

“Tivi Asanzo lớn mạnh là do tôi đi ngược với cách mà các hãng khác làm”

“Tôi cung cấp sản phẩm cho những người nghèo ít tiền, giá rẻ, độ bền cao. Tôi chưa bị người dùng đánh giá Asanzo là hàng đểu.

Tôi làm ra những tivi rất khác biệt, không giống ai, tôi không cạnh tranh với các hãng tivi lớn, tôi phục vụ những tầng lớp khách hàng mà các hãng khác bỏ quên họ, chưa có sản phẩm cho họ. Tivi của các hãng lớn đặt ở phòng khách, tôi chỉ cần bán tivi cho phòng bếp, đó là triết lý kinh doanh của tôi”, ông Tam nhấn mạnh.

Theo ông Tam: "Triết lý kinh doanh của Asanzo còn làm ra các sản phẩm thích hợp với thị hiếu của từng vùng miền, đây cũng là điều khác biệt với nhiều hãng tivi khác.

Người miền Tây thích tivi màu vàng đỏ phù hợp với nắng gió vùng sông nước, Tây Nguyên thích tivi màu vàng phù hợp với bụi đất đỏ, miền Bắc thích màu đen sang trọng, tôi đều có những sản phẩm dành cho họ.

Tôi may đo tivi cho từng vùng miền, tôi làm được điều này vì nhà máy dây chuyền đơn giản nên rất linh động".

CEO Asanzo cho hay: "Cách chăm sóc khách hàng của Asanzo cũng khác biệt với các hãng lớn. Tôi không quảng cáo rầm rộ, mà khách hàng mua tivi nhờ vào uy tín của người bán hàng, đại lý tin tôi nên họ giới thiệu với người mua hàng, tôi bán bằng niềm tin, bằng uy tín của chủ cửa hàng. Tôi phát triển được hãng tivi Asanzo lớn mạnh là do tôi đi ngược với cách mà các hãng khác làm.

Ở miền Tây, một người giám đốc nước ngoài đi vào cửa trước để tiếp khách, nhưng tôi không quan trọng điều đó, tôi đi vào cửa bếp nhà khách hàng để nói chuyện với họ, họ thương tôi, họ tin tôi và mua hàng của tôi.

Tôi có 15.000 cửa hàng bán sản phẩm Asanzo, đây là điều mà không có hãng điện tử nào ở Việt Nam có được, các siêu thị cũng rất thích bán hàng Asanzo.

5 năm qua 15.000 điểm bán chưa ai kêu tôi bán sản phẩm không tốt, chưa một khách hàng nào nói sản phẩm Asanzo sản phẩm nhanh hỏng, không được chăm sóc, bảo hành".

"Tôi đã tìm ngõ hẹp để đi, tìm những khách hàng riêng để bán sản phẩm cho họ, tôi không chen nhau ở thành phố. 5 năm tiếp theo tôi đầu tư nhà máy Asanzo ở Khu công nghệ cao quận 9, tôi đã đầu tư 500 tỷ đồng vào nhà máy này và vượt qua được quy trình kiểm tra công nghệ của Ban quản lý Khu công nghệ cao quận 9.

Nhà máy thứ 2 sẽ hiện đại hơn nhà máy bây giờ, tôi còn trẻ và có nhiệt huyết, tôi muốn tạo ra sản phẩm Việt Nam, 100% vốn là của Asanzo không chung đụng cổ phần với nước ngoài.

Tập đoàn Asanzo có 2.000 công nhân, trong đó 600 công nhân đang lắp ráp sản xuất tivi, không lẽ tôi nuôi họ chỉ để bóc tem. Mấy năm trời nhà nước quản lý tôi chưa cơ quan nào phát hiện ra tôi sai", ông Tam khẳng định.

“Cái gì tôi sai tôi sẵn sàng chịu, tôi rất buồn vì những khủng hoảng suốt 2 tháng qua. Tôi khát khao muốn làm ra sản phẩm điện tử Việt Nam, tivi của tôi là hàng của Việt Nam. Tôi phải đấu tranh để cùng mọi người duy trì Asanzo.

Sau sự việc này tôi vẫn phát triển Asanzo, tôi sẽ không ngừng đấu tranh để phát triển Asanzo”, người sáng lập Asanzo đã nghẹn ngào khi kết thúc bài phát biểu của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại