PGS Vũ Thanh Ca: Trung Quốc sử dụng chiến thuật "tằm ăn lá dâu" - từng bước gặm nhấm Biển Đông

Hoàng Đan |

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, dẫn tới nguy cơ mất an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.

"TRUNG QUỐC VẪN TIẾP TỤC NUÔI DÃ TÂM ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG"

Những ngày qua, nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động thăm dò phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Là một chuyên gia luôn theo dõi kĩ tình hình trên Biển Đông, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, chỉ rõ những hành động phi pháp của Trung Quốc thời gian qua.

PV: Như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Là chuyên gia lâu năm nghiên cứu về vấn đề biển, ông có đánh giá, nhìn nhận thế nào về những hành vi vi phạm chủ quyền biển Việt Nam của Trung Quốc?

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Tôi cho rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục nuôi dã tâm độc chiếm Biển Đông.

Trước khi có phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực vào năm 2016, Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật "tằm ăn lá dâu" - từng bước gặm nhấm Biển Đông; "cây bắp cải" - với nhiều lực lượng phối hợp trên biển theo các lớp khác nhau.

Cùng với đó là chiến thuật "vùng xám" - sử dụng dân binh dưới nhiều hình thức nhằm quấy rối, gây căng thẳng dưới dạng bắt nạt, nhưng không để xung đột vượt quá tầm kiểm soát và từng bước vô hiệu hóa lực lượng chấp pháp của các nước xung quanh Biển Đông. Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là biến Biển Đông thành "ao nhà" của họ.

Có thể nói phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 đã giáng một đòn chí mạng vào chiến thuật "tằm ăn lá dâu" của Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải nghiên cứu thay đổi chiến thuật. Tuy nhiên sau đó, họ vẫn tiếp tục chủ trương biến vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp.

PGS Vũ Thanh Ca: Trung Quốc sử dụng chiến thuật tằm ăn lá dâu - từng bước gặm nhấm Biển Đông - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Thanh Ca.

Trước hết, Trung Quốc âm thầm thay thế "đường lưỡi bò" đã bị Tòa Trọng tài thường trực phán quyết vô hiệu hóa trước kia bằng "Tứ Sa", tức là sử dụng các đảo đá và bãi ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông để tuyên bố về vùng biển mà Trung Quốc có "quyền".

Lần xâm phạm vùng biển Việt Nam này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang cùng ASEAN và Trung Quốc đàm phán để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).

Cụ thể, theo quan sát và đo đạc của tôi trên ảnh vệ tinh có sử dụng các tư liệu của đồng nghiệp, đặc biệt là của Dự án Đại ký sự Biển Đông thì tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc - được hộ tống bởi một số tàu hải cảnh, đã tiến hành khảo sát địa vật lý kết hợp với thăm dò tài nguyên trên một vùng biển rộng lớn nằm ở phía Đông Nam nước ta.

Tàu này di chuyển theo một lộ trình như tất cả các tàu khảo sát biển thông thường khác, khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát đáy đại dương, tức là đi thẳng, quay lại và đi thẳng trên một đường gần đó, tạo thành một mạng lưới dày đặc các điểm đo để lấy tư liệu xây dựng các bản đồ địa vật lý.

Căn cứ vào tọa độ các đường khảo sát và Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa mà Việt Nam trình lên Liên Hợp Quốc vào tháng 5 năm 2009, vùng khảo sát trái phép của tàu Trung Quốc hầu như nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và một phần trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Điểm gần nhất của lộ trình khảo sát nằm rất sâu trong vùng biển Việt Nam, cách bờ biển Bình Thuận một khoảng cách nhỏ hơn 120 hải lý.

Khu vực này nằm cách xa lục địa Trung Quốc khoảng trên 600 hải lý. Vì vậy, theo quy định của Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), khu vực này chỉ liên quan đến hai quốc gia có bờ biển đối diện với Việt Nam là Malaysia và Brunei.

Tại khu vực này Việt Nam và Malaysia đã trình chung hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa và Brunei không phản đối. Trong thực tế, hiện nay Việt Nam đang kiểm soát, khai thác dầu khí tại khu vực này và chỉ có Trung Quốc có các hoạt động thăm dò phi pháp ở đây.

Lý luận của Trung Quốc khi có các hoạt động phi pháp, là khu vực này nằm trong phạm vi "đường lưỡi bò" hoặc là một phần của cái gọi là "vùng nước quần đảo Trường Sa" mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền trái phép.

Tuy vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ hai điểm:

- Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.

- Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.

Chú ý rằng, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực là một phần của luật pháp quốc tế.

Như vậy, theo luật pháp quốc tế, "đường lưỡi bò" là phi pháp và không tồn tại cái gọi là "vùng nước quần đảo Trường Sa", nên Trung Quốc không thể dùng "đường lưỡi bò" hoặc "vùng nước quần đảo Trường Sa" để biện minh rằng vùng biển phía Đông Nam Việt Nam là vùng tranh chấp.

Do vậy, khu vực này thuần túy là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Theo quy định của UNCLOS, nếu Trung Quốc muốn nghiên cứu khoa học và thăm dò, khai thác tài nguyên trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Đông Nam của Việt Nam thì Trung Quốc phải xin phép và được sự cho phép của Việt Nam.

Hành động trái phép của Trung Quốc tại khu vực này là vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

PV: So với hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam năm 2014, hành động lần này của Trung Quốc có điểm giống và khác nhau gì?

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Hành động này về bản chất giống hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan tại vùng biển Việt Nam năm 2014 - cũng là thăm dò tài nguyên.

Lần trước, Trung Quốc dùng phương pháp khoan, còn lần này Trung Quốc dùng phương pháp địa vật lý.

Cách tiến hành của Trung Quốc trong hai lần khá giống nhau. Đi kèm và bảo vệ giàn khoan hay tàu khảo sát địa vật lý là hệ thống tàu dân sự và tàu chấp pháp dân sự.

Điểm khác ở chỗ, lần năm 2014 - Trung Quốc sử dụng phương pháp thăm dò tài nguyên có độ tin cậy cao hơn là khoan. Còn lần này Trung Quốc sử dụng phương pháp thăm dò tài nguyên rẻ tiền hơn và có độ tin cậy thấp hơn là phương pháp địa vật lý.

"HÀNH ĐỘNG CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG CỰC KỲ NGUY HIỂM"

PV: Mặc dù Tòa Trọng tài quốc tế đã ra phán quyết cách đây ba năm, nhưng các hành động đưa tàu Địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nói riêng và các động thái quấy rối, quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc nói chung vẫn tiếp diễn. Trung Quốc có đang cố tình bất chấp luật pháp, cộng đồng quốc tế?

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Phải nói rõ rằng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực là một phần của luật pháp quốc tế, thể hiện ý chí và nguyện vọng của cộng đồng quốc tế.

Việc Trung Quốc không thực hiện phán quyết của Tòa cũng có nghĩa là Trung Quốc đang chống lại cộng đồng quốc tế, tự mình đặt mình ra ngoài vòng pháp luật.

Điều đó sẽ khiến cho Trung Quốc chịu những thiệt hại rất lớn về uy tín, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD nhằm nâng cao uy tín và địa vị chính trị tại khu vực, trên thế giới.

Như tôi đã nói ở trên, phán quyết của Tòa đã giáng một đòn chí mạng vào chiến thuật của Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải nghiên cứu, thay đổi chiến thuật. Mặc dù Trung Quốc tìm cách chống, nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài vẫn luôn còn đó và chờ thực thi.

"Chẳng chóng thì chầy", trước sau rồi Trung Quốc cũng phải thực hiện phán quyết của Tòa vì Trung Quốc không thể một mình chống lại thế giới với những đòi hỏi tham lam, phi lý của mình.

PV: Theo đánh giá của ông, việc Việt Nam và nhiều nước đã lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm của Trung Quốc, nhưng nước này vẫn chây ì, không chịu rút tàu có ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh và vị thế của Trung Quốc?

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là cực kỳ nguy hiểm vì nó làm suy giảm lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, dẫn tới nguy cơ mất an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Hành động này của Trung Quốc cũng phá hoại nỗ lực của các nước nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).

Với hành động này, Trung Quốc đã tự mình phá tan những nỗ lực bấy lâu nay để xây dựng hình ảnh của mình.

Với ý chí, quyết tâm và sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam, Trung Quốc chắc chắn sẽ không đạt được mục đích xâm chiếm vùng biển Việt Nam cũng như các mục đích khác và sẽ chịu thiệt hại rất nhiều.

CÁC GIẢI PHÁP VIỆT NAM THỰC HIỆN PHÙ HỢP VỚI QUY ĐỊNH TRONG LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

PV: Trong bối cảnh như vậy, ông đánh giá như thế nào về các giải pháp được Việt Nam đưa ra nhằm đối phó với tình hình?

PGS.TS Vũ Thanh Ca: Tôi thấy các giải pháp lần này mà Việt Nam thực hiện là phù hợp với các quy định trong luật pháp quốc tế.

Trung Quốc là một nước láng giềng lớn và vì lợi ích của cả hai nước, chúng ta đang thực hiện phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh.

Tuy đấu tranh kiên quyết bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển nhưng ta phải hạn chế thấp nhất những tác động của đấu tranh tới hợp tác.

Ngay từ khi Trung Quốc xâm lấn vùng biển Việt Nam, lực lượng chấp pháp của chúng ta trên biển đã kiên quyết ngăn trở những hoạt động trái phép của Trung Quốc. Đồng thời, qua tất cả các kênh có thể sử dụng được, chúng ta đã sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao như tiếp xúc, gửi công hàm phản đối.

Đối với việc kiện Trung Quốc ra một tòa án quốc tế thích hợp là giải pháp pháp lý cuối cùng. Đây là một giải pháp văn minh bằng biện pháp hòa bình, tuy vậy, chúng ta còn rất nhiều giải pháp khác để đối phó với Trung Quốc trước khi kiện.

Tôi tin rằng Việt Nam đang chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nếu cần sẽ kiện Trung Quốc ra một Tòa án quốc tế thích hợp. Với những hành động ngang ngược, hung hăng của Trung Quốc, có rất nhiều vấn đề Việt Nam có thể kiện và chắc thắng.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại