Dân nhậu Sài Gòn: "Bộ Công an nói CSGT làm nhiệm vụ phải đeo camera, các anh không có tôi không ký"

PV |

Khi bị lực lượng CSGT dừng xe để đo nồng độ cồn, một số người vi phạm có biểu hiện chống đối với các lý do khác nhau...

Nằm trong cao điểm tổng kiểm soát, tuần tra xử lý vi phạm giao thông, đêm qua (24/7), Đội tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM ra quân kiểm tra độ cồn người lái xe.

Theo ghi nhận của báo Tuổi trẻ, vào khoảng 22h, lực lượng chốt chặn tại giao lộ đường số 25 - Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức. Nhiều người đang đi trên đường bị dừng lại kiểm tra đều có nồng độ cồn vượt quá mức quy định. Có trường hợp vừa vi phạm nồng độ cồn vừa đi vào đường cấm.

Trong đó, một số trường hợp người vi phạm chống đối khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý.

Trường hợp đầu tiên là một người điều khiển xe máy có biểu hiện say rượu chạy vào làn ôtô. Khi CSGT đo nồng độ cồn, anh này thổi "lấy lệ" 2 lần sau đó kiên quyết không thổi nữa vì... xung quanh có nhiều người quay phim.

Khi CSGT lập biên bản thì anh này lại xin được thổi. Biên bản lập xong, anh này không rời đi mà nán lại và thắc mắc tại sao CSGT không "bắt" những người khác mà lại "bắt" một thợ hồ như anh. 

Dân nhậu Sài Gòn: Bộ Công an nói CSGT làm nhiệm vụ phải đeo camera, các anh không có tôi không ký - Ảnh 2.

Anh T. đôi co với CSGT rồi bỏ xe lại rồi rời khỏi hiện trường. Ảnh: Vietnamnet

“Mấy ông làm ăn vậy là không được. Mai tôi không bao giờ lấy xe nữa, tôi vứt đi, tôi không cần xe. Làn ô tô đầy xe máy đi các ông giỏi bắt hết đi, vậy tôi mới phục”, anh này lớn tiếng với CSGT sau khi bị lập biên bản.

Một trường hợp khác là ông H. (56 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) điều khiển xe vision dừng đèn đỏ tại giao lộ trên thì CSGT yêu cầu ông tấp xe vào vị trí để kiểm tra nồng độ cồn. Mức cồn trong hơi thở của ông H. là 0,614mg/lit khí thở. Tuy nhiên, ông H. không chịu ký biên bản mà đứng đôi co với CSGT một hồi lâu. Ông khẳng định ông làm trong ngành nên nắm rõ quy định của luật.

Ông H. bắt bẻ CSGT: "Anh không đeo camera thì tôi không ký biên bản. Đâu, đâu, camera đâu? Anh đi tác nghiệp anh phải có camera đeo ở trên ngực. Bộ Công an nói với tôi rằng, CSGT phải đeo camera khi xử lý vi phạm, mà anh không đeo nên tôi không ký".

Sau đó, CSGT liền chỉ tay về camera chuyên dụng của đơn vị, đang được một thanh niên xung phong cầm quay nói: "Hình ảnh nãy giờ chú thổi nồng độ cồn, camera của CSGT đã ghi lại ở đây rồi". Dù vậy, ông H. vẫn viết vào phần lý do không ký biên bản rằng vì CSGT không đeo camera ở ngực nên ông không ký biên bản.

Khoảng nửa tiếng sau, CSGT phải dìu ông H. sang đường để đón xe ôm về nhà, ghi nhận của PV báo Thanh niên.

Trao đổi với Zing.vn về trường hợp trên, trung tá Trương Tiến Sĩ, Phó đội trưởng Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn, cho biết CSGT không đeo camera trên người nhưng có camera cầm tay do phòng PC08 cung cấp nhờ cơ quan chức năng địa phương ghi hình.

Nếu người vi phạm không ký biên bản, đơn vị sẽ nhờ cơ quan chức năng địa phương hoặc người dân khu vực làm chứng ký nhận đã lập biên bản nhưng người vi phạm nhưng không hợp tác.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại