Vì sao nơi cao nhất TPHCM lại thành “rốn" ngập?

MINH QUÂN |

Từ đầu mùa mưa đến nay, nhiều khu vực dân cư, tuyến đường phía đông TPHCM thuộc các quận Thủ Đức, 9 - nơi có địa hình cao nhất thành phố trở thành "rốn" ngập mới.

Trời mưa, đường đẹp cũng thành sông

Mùa mưa năm nay, những trận mưa kéo dài 30 phút – 1 tiếng dễ dàng biến đường Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, Phạm Văn Đồng (Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai (quận 9) thành sông.

Trong trận mưa chiều 17.7, nước chảy như thác trên đường Võ Văn Ngân khiến người đi xe trên đường chao đảo. Một số người yếu tay lái đã lảo đảo rồi ngã, bị nước cuốn trôi một đoạn. Người dân bên đường phải chạy ra hỗ trợ đưa nạn nhân và xe vào vỉa hè.

Vì sao nơi cao nhất TPHCM lại thành “rốn ngập? - Ảnh 1.

Mưa lớn, nước chảy xiết cuốn trôi xe máy trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức). Ảnh: Minh Quân

Đáng nói, tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài mang tên Phạm Văn Đồng được đầu tư nhiều và được xem là là con đường nội đô đẹp nhất TPHCM cũng không thoát khỏi cảnh hễ mưa là ngập.

Vì sao nơi cao nhất TPHCM lại thành “rốn ngập? - Ảnh 2.

Nước ngập như sông trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: M.Q

Sau 30 phút mưa lớn chiều 17.7, đường Phạm Văn Đồng (đoạn phường Linh Đông) ở cả hai chiều ngập sâu, cục bộ, có nơi mực nước dâng cao hơn bánh xe máy. Thậm chí những ngôi nhà đã được nâng nền cao nhưng nước ngập vẫn ồ ạt tràn vào.

Vì sao nơi cao nhất TPHCM lại thành “rốn ngập? - Ảnh 3.

Nước ngập lút bánh xe máy trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: M.Q

“Những lần trời đổ mưa lớn, đường Phạm Văn Đồng đoạn qua phường Linh Đông lại ngập sâu, nước tràn vào nhà khiến cuộc sống gia đình tôi bị ảnh hưởng nặng.

 Không chỉ tôi sống ở đây mà nhiều người điều khiển giao thông qua đoạn đường ngập nước này cũng cảm thấy bất ngờ và không thể lý giải vì sao tuyến đường đẹp và hoàn thiện này lại có thể ngập và không thể thoát nước nhanh hơn” – ông Nguyễn Văn Bình nhà trên đường Phạm Văn Đồng – nói.

Tương tự, đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức) và đường Lã Xuân Oai (quận 9) cũng là nỗi ám ảnh nhiều năm qua của người dân do thường ngập hơn nửa mét mỗi khi mưa.

Vì sao nơi cao nhất TPHCM lại thành “rốn ngập? - Ảnh 4.

Cơn mưa lớn chiều 17.7 khiến nước ngập tới yên xe máy trên đường Lã Xuân Oai (quận 9). Ảnh: CTV

Hệ thống thoát nước chưa đồng bộ

Theo lãnh đạo UBND quận 9, dù ở độ cao hơn các nơi khác nhưng quận 9 có nhiều khu vực trũng thấp nên khi mưa lớn, nước dồn về vẫn gây ngập. 

Ngoài ra, quận 9 hiện có hơn 100 tuyến đường chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, 800 hẻm chưa có cống nhỏ đấu nối ra hệ thống cống lớn hoặc ra kênh, rạch. Tình trạng ngập kéo dài chính là do sự đầu tư thiếu đồng bộ này.

Đơn cử, dự án chống ngập cho đường Đỗ Xuân Hợp có hai dự án chống ngập với tổng vốn đầu tư gần 400 tỉ đồng nhưng đường vẫn cứ ngập. Nguyên nhân do đường Đỗ Xuân Hợp vẫn phải chờ các dự án cải tạo hệ thống kênh rạch để đồng bộ mới hết ngập.

Tương tự, tại quận Thủ Đức, hiện việc kết nối thoát nước từ cống ra kênh rạch cũng chưa hoàn thiện. Gần 40% tuyến đường chính trên đại bàn quận chưa có cống thoát nước.

Trung tâm Hạ tầng Đô thị - đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, chống ngập TPHCM cho rằng đường đường Phạm Văn Đồng ngập không phải do hệ thống cống thoát nước yếu mà vì các cổng xả nước chưa được đảm bảo và dự án cải tạo đường thoát nước do UBND quận Thủ Đức làm chủ đầu tư chưa thể triển khai.

Vì sao nơi cao nhất TPHCM lại thành “rốn ngập? - Ảnh 6.

Đường Phạm Văn Đồng được đầu tư hệ thống thoát nước bài bản nhưng chưa đồng bộ với khu vực xung quanh nên mưa vẫn ngập. Ảnh: M.Q

Đứng ở góc độ quy hoạch, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, một vùng đất cao mà ngập thì chỉ có 3 nguyên nhân: cống thoát không kịp, diện tích bê tông hóa quá cao, độ dốc cốt nền không được phân bổ hợp lý. Mưa xuống dồn quá nhanh vào khu trũng (của vùng đất cao).

"Những khu vực đô thị hóa đang nóng như quận 9, Thủ Đức... phát triển ồ ạt không có quy hoạch kỹ lưỡng rất dễ bị tình trạng ngập" - ông Sơn nói.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn hiến kế, cần hạn chế bê tông hóa và tăng cường thoát nước tự nhiên, tăng diện tích mặt cỏ. 

"Việc thoát nước không chỉ do hệ thống kênh rạch hay cống thoát nước mà còn do quy hoạch cốt nền, diện tích bề mặt bê tông hóa mặt đường, công trình", ông Sơn nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại