Lớp học thinh lặng giữa Sài Gòn: Không tiếng giảng bài không lời phát biểu, nhưng không tắt hy vọng bao giờ

Toàn Nguyễn |

Lớp học chìm trong lặng thinh, không tiếng giảng bài, không lời phát biểu. Cô và trò giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ hình thể nhưng chưa bao giờ thiếu vắng những nụ cười và niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.

"Những đứa trẻ khiếm thính, không nghe, không nói chuyện được thì học cao để làm gì?", "Học rồi có tiếp thu được không, rồi sau này cũng đi làm mấy công việc chân tay thôi!"...

Có rất nhiều những định kiến lâu nay vẫn tồn tại xung quanh vấn đề người khuyết tật theo đuổi học vấn nói chung và trẻ khiếm thính nói riêng, nhưng bạn biết đấy, mỗi con người sinh ra trên cuộc đời đều mang trong mình khả năng và cả những ước mơ rất riêng.

Lớp học thinh lặng giữa Sài Gòn: Không tiếng giảng bài không lời phát biểu, nhưng không tắt hy vọng bao giờ - Ảnh 1.

Cơ hội nào cho những trẻ em khuyết tật?

Ngôi trường nuôi những ước mơ không lời

Nằm sâu trong một con hẻm ở quận 6, trường giáo dục chuyên biệt Hy Vọng từ lâu là địa điểm quen thuộc của những phụ huynh có con em là trẻ khiếm thính, chậm phát triển. Đây cũng là một số ít cơ sở ở thành phố giảng dạy văn hoá cho trẻ em khiếm khuyết.

Không có quá nhiều giáo viên đủ kiên nhẫn và tình yêu thương để gắn bó với công việc có phần đặc biệt này, thế nhưng suốt những năm qua, các thầy cô giáo ở trường vẫn luôn âm thầm đưa những chuyến đò giúp trẻ em có thể tự tin như bạn bè cùng trang lứa.

Lớp học thinh lặng giữa Sài Gòn: Không tiếng giảng bài không lời phát biểu, nhưng không tắt hy vọng bao giờ - Ảnh 2.

Các em học sinh sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong học tập.

Giữa những lớp học đơn sơ, tôi vô cùng ấn tượng với một gian phòng mà tôi gọi đó là lớp học thinh lặng. Ở đó không có tiếng giảng bài, cũng không có lời đọc bài ê a của học trò, đâu đó chỉ vang lên những tiếng cười trong trẻo giữa ánh mắt trong veo của các em nhỏ. Và ở đó cả cô giáo và học trò đều là người khiếm thính.

Lớp học thinh lặng giữa Sài Gòn: Không tiếng giảng bài không lời phát biểu, nhưng không tắt hy vọng bao giờ - Ảnh 3.

Cô Vân dùng ngôn ngữ ký hiệu một cách sinh động để truyền dạy kiến thức cho các em học sinh.

Cô Vân vốn là một người khiếm thính bẩm sinh, vượt qua những mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân, bằng sự nỗ lực của mình, cô gái trẻ ngày nào nay đã trở thành một giáo viên đứng trên bục giảng để truyền dạy kiến thức cho các em học trò, những em nhỏ có cùng hoàn cảnh.

Lớp học thinh lặng giữa Sài Gòn: Không tiếng giảng bài không lời phát biểu, nhưng không tắt hy vọng bao giờ - Ảnh 4.

Lớp học đặc biệt của cô và trò.

Hơn ai hết, cô Vân hiểu được trong mỗi đứa trẻ trong lớp học này đều ấp ôm những ước mơ của riêng mình, dẫu các em không nói chuyện được, không thể ca hát hay lắng nghe âm thanh của cuộc sống nhưng có em vẫn mơ ngày lớn lên sẽ thành diễn viên múa, có đứa thích trở thành nhà khoa học vĩ đại, và cũng có em chỉ ước mơ giản đơn là trở thành một cô giáo để được dạy từng con chữ...

Lớp học thinh lặng giữa Sài Gòn: Không tiếng giảng bài không lời phát biểu, nhưng không tắt hy vọng bao giờ - Ảnh 5.

Để chạm đến những điều đó thì hôm nay cô và trò phải cùng cố gắng, người bình thường cố gắng một thì cô trò phải cố gắng gấp ba, gấp bốn lần như thế.

Hy vọng không bao giờ tắt

Ngoài những lớp dành riêng cho trẻ khiếm thính, trường Hy Vọng còn có những lớp nuôi dạy cho trẻ chậm phát triển. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương rất lớn, bởi học sinh chậm phát triển thường không điều khiển được hành vi của mình.

Lớp học thinh lặng giữa Sài Gòn: Không tiếng giảng bài không lời phát biểu, nhưng không tắt hy vọng bao giờ - Ảnh 6.

Các em chậm phát triển thường có nhiều hành động đánh, phá khiến giáo viên rất vất vả.

Giảng dạy một lớp học bình thường đã vất vả, giảng dạy một lớp học đặc biệt còn gian nan gấp nhiều lần.

Cô Nguyễn Thị Xuân Mai (hiệu trưởng trường Hy Vọng) tâm sự: "Trước đây có rất nhiều thầy cô giáo lẳng lặng bỏ đi mà không nói một lời, không quay lại để nhận lại hồ sơ. Nhưng thật may mắn là vẫn có những thầy cô thương yêu các em học sinh mà gắn bó với trường."

Lớp học thinh lặng giữa Sài Gòn: Không tiếng giảng bài không lời phát biểu, nhưng không tắt hy vọng bao giờ - Ảnh 7.

Một điều rõ ràng là tương lai phía trước của các em học sinh ở trường Hy Vọng còn khá mông lung, bởi ở Việt Nam chuyện để người khuyết tật tìm được công việc tốt, được đóng góp sức lực và trí tuệ của mình cho xã hội còn là bài toán khó.

Tuy nhiên dưới mái trường này, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt, trong mỗi trái tim của thầy cô giáo và trong ánh mắt của những em học sinh.

Lớp học thinh lặng giữa Sài Gòn: Không tiếng giảng bài không lời phát biểu, nhưng không tắt hy vọng bao giờ - Ảnh 8.

Ở đây niềm hy vọng chưa bao giờ tắt.

Cùng bước đi trên con đường vô vàn thử thách, thì tình yêu thương sẽ biến thành động lực để con người ta mạnh mẽ tiến về phía trước. Cô Nguyễn Thị Xuân Mai chia sẻ: “Nuôi dạy 1 đứa trẻ bình thường đã khó trăm bề thế nên tôi hiểu những vất vả mà phụ huynh có con khuyết tật phải trải qua. Các em luôn cần được yêu thương nhiều hơn, để có một tương lai trọn vẹn hơn".

Lớp học thinh lặng giữa Sài Gòn: Không tiếng giảng bài không lời phát biểu, nhưng không tắt hy vọng bao giờ - Ảnh 9.

Tính đến năm 2019 trên cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật (Theo số liệu thống kê của Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật). Phần lớn người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

Hiện tại có khoảng gần 2 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động đang có việc làm. Trong số này chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Họ chủ yếu làm các nghề nông - lâm - ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác.

Đặc biệt là có khoảng 10% số người khuyết tật đã được đào tạo nghề theo các trình độ, nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, vì vậy, số người khuyết tật tìm được việc làm còn ít. Người lao động khuyết tật còn rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại