Trong khi ông Trump ra sức trừng phạt, nông dân Mỹ lại tìm mọi cách cứu Trung Quốc

Minh Khôi |

Các nông dân Mỹ đang tìm cách ngăn cản một viễn cảnh không mấy sáng sủa - mất đi Trung Quốc - khách hàng tốt nhất cho sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất - đậu tương.

Brazil nhanh chân thế chỗ

Vào năm ngoái, Mỹ đã xuất khẩu số đậu tương trị giá 21 tỷ đô la, lớn hơn bất cứ mặt hàng nông sản nào khác.

Tuy nhiên, dưới tác động của cuộc chiến thương mại, kim ngạch xuất khẩu của đậu tương từ Mỹ vào Trung Quốc đã giảm tới 74% về số lượng. Brazil đã nhanh chân chiếm lĩnh khoảng trống mà người Mỹ bỏ lại, đồng thời mức giá đối với sản phẩm đậu tương của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây.

Tình hình này đã thúc đẩy Sutter, hiện là giám đốc điều hành của Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ, có chuyến làm việc đến Trung Quốc vào tháng 4, nhằm nỗ lực đưa mối quan hệ hợp tác về nông nghiệp giữa 2 cường quốc thế giới quay trở lại quỹ đạo ban đầu.

Mục đích chính trong chuyến làm việc của Sutter là đảm bảo với các nhà nhập khẩu Trung Quốc rằng nông dân Mỹ coi trọng sự hợp tác với Trung Quốc và vẫn sẵn sàng nối lại các hợp đồng cung cấp sản lượng lớn nếu cuộc chiến thương mại chấm dứt.

Đáng chú ý, đậu tương cũng là một yếu tố được nhắc đến trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thoả thuận tạm thời vào cuối tuần trước, Washington cho biết Trung Quốc đã mua 544.000 tấn đậu tương của Mỹ trước cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản.

Ông Trump, người luôn tìm kiếm sự ủng hộ từ các nông dân Mỹ, đã gọi họ là những người yêu nước khi sẵn sàng chấp nhận thua thiệt để Mỹ có vị thế tốt hơn trong vấn đề thương mại với Trung Quốc.

"Không thể tìm thấy một Trung Quốc khác"

Thỏa thuận nối lại đàm phán thương mại cũng bao gồm cam kết của Trung Quốc sẽ mua lượng lớn nông sản của Mỹ, ông Trump nói. Tuy nhiên, các mức thuế nhập khẩu của Trung Quốc nhằm vào đậu tương của Mỹ vẫn được duy trì, kéo theo đó là thiệt hại hàng tỷ USD của người dân Mỹ.

"Chúng ta phải tiếp cận được thị trường này", Derek Haigwood, một nông dân ở Arkansas và là chủ tịch hội đồng xuất khẩu, người đã đi cùng Sutter trong chuyến đi đến Bắc Kinh. "Bạn không thể tìm thấy một Trung Quốc khác, ít nhất là trong thời gian ngắn".

Những người nông dân Mỹ, với mong muốn níu kéo thị trường Trung Quốc, đang gây sức ép lên chính phủ nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại, khi cho rằng ngành nông nghiệp Mỹ đã phải trải qua thời gian khó khăn dài, và không thể kéo dài tình trạng mất đi đường vào thị trường nước ngoài quan trọng bậc nhất.

Đồng thời, đại diện giới nông dân Mỹ cũng trực tiếp kết nối với các nhà nhập khẩu Trung quốc và cố gắng giải quyết các yêu sách của họ, bao gồm những vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hoá.

Vào tháng 8 tới, Hội đồng xuất khẩu Đậu tương Mỹ sẽ đón đoàn đại diện các nhà nhập khẩu Trung Quốc trong chuyến thăm kéo dài 1 tuần tại Mỹ. Các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc cùng với đối tác từ các nước sẽ đến thăm trang trại ở Illinois và gặp gỡ các nhà cung cấp đậu nành của Mỹ.

Ngô và đậu tương hiện đang là 2 loại cây trồng chủ yếu tại Mỹ, do đó, việc không tìm được đầu ra cho sản phẩm này sẽ đẩy ngành nông nghiệp nước này vào thế khó. Trong khi việc thay đổi loại cây trồng sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư lớn về trang thiết bị và cơ sở vật chất, chưa kể việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trong khi đó, theo Sutter, các công ty Trung Quốc đang tìm hướng đa dạng nguồn cung sản phẩm đậu tương, bao gồm việc phát triển chuỗi sản xuất ở Nga, nơi đậu tương vẫn chưa trở thành một loại cây trồng chính.

Trước tình thế này, ngành đậu tương Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường mới. Hiện, đối tác nhập khẩu đậu tương lớn thứ 2 của Mỹ, sau Trung Quốc, là Mexico. Các lãnh đạo ngành đậu tương Mỹ đã tổ chức hội thảo với sự tham dự của hơn 80 đại diện từ 10 quốc gia vào tháng 6, trong đó giới thiệu với đoàn về các nông trại sản xuất đậu tương của Mỹ.

Vào năm ngoái, với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại từ thị trường Trung Quốc, Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương cũng tham gia các diễn đàn trao đổi thương mại tại Tây Ban Nha, nhằm tìm cách kết nối nguồn cung từ Mỹ với châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Đại diện của phía Mỹ cũng gặp các quan chức ngành chăn nuôi Nigeria vào tháng 2 và tổ chức nhiều sự kiện ở châu Á để giới thiệu nông sản Mỹ cho các đối tác tiềm năng.

Tuy nhiên, việc nối lại hoạt động thương mại với Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính của Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương. "Chúng ta cần tìm giải pháp để thoát khỏi tình trạng hiện nay", cựu Chủ tịch Hiệp hội Đậu tương Mỹ Adams nói. Trong cuộc chiến thương mại, theo quan điểm của ông, "Mỹ chính là phía cần phải thận trọng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại