Giành thêm hai đồng minh mới, Nga hướng đòn cuối quyết định cục diện Syria?

Minh Đức |

Newsweek đưa tin, Nga đã giành được sự ủng hộ của thêm hai đồng minh khu vực trong những nỗ lực kết thúc cuộc xung đột 8 năm tại Syria.

Hôm thứ Tứ (19/6), trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, đặc phái viên đặc biệt của Nga tại Syria Alexander Lavrentyev cho biết, các cuộc thảo luận gần đây với Lebanon và Iraq đã diễn ra trong "bầu không khí thân thiện và vui vẻ". Ông chia sẻ, cả hai nước trên đều "ca ngợi những cố gắng của Nga trong những năm gần đây để duy trì sự thống nhất của Syria", đồng thời "tái khẳng định lợi ích của họ trong việc Nga tiếp tục triển khai các hoạt động của mình tại Syria".

"Thái đội của giới lãnh đạo hai nước về Nga rất tích cực. Cùng lúc, cả Beirut và Baghdad muốn giữ quan hệ đối tác với Mỹ và phương Tây mà không làm ảnh hưởng tới quan hệ với Nga", ông Lavrentyev nói.

Đặc phái viên Nga cũng tiết lộ, Lebanon và Iraq sẽ "cử phái đoàn đại diện tới thủ đô Kazakhstan nơi sắp diễn ra một hội nghị về Syria vào cuối tháng Bảy".

Tổng thống Lebanon Michel Aoun bày tỏ sự cảm kích tới người đồng cấp Vladimir Putin vì "đã quan tâm tới Lebanon" và lưu ý, sự tham gia của Beirut không ngăn cản những cuộc đối thoại độc lập với Damascus liên quan tới việc tái ổn định hơn một triệu người tị nạn Syria hiện đang ở Lebanon. Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi đánh giá cao sự ủng hộ của Tổng thống Putin dành cho Iraq và thể hiện sẵn sàng phát triển hơn nữa mối quan hệ Baghdad-Moscow ở tất cả các lĩnh vực.

Giành thêm hai đồng minh mới, Nga hướng đòn cuối quyết định cục diện Syria? - Ảnh 1.

Hình ảnh do AFP T V ghi lại vào ngày 17/1 cho thấy các xe quân sự Nga đang đi tuần tại khu vực Arimah, phía tây của Manbij - thành phố gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng người Kurd (SDF). Moscow và Washington đã tìm cách để phá hoại các thông điệp mà mỗi bên muốn truyền tải về cuộc chiến tại Syria

Mối quan hệ giữa Lebanon, Iraq với Syria khá phức tạp ngay cả trước khi cuộc xung đột tại Syria nổ ra. Damascus đóng vai trò quan trọng trong việc kết thúc cuộc nội chiến của chính Lebanon vào năm 1990, thậm chí giữ quyền kiểm soát đối với hệ thống chính trị Beirut cho tới năm 2005. Còn quan hệ Baghdad-Damascus ghi dấu ấn bởi nhiều thập kỷ đối đầu dưới thời ông Saddam Hussein, và mới chỉ được cải thiện từ khi chính phủ mới của Iraq lên nắm quyền. Bên cạnh đó, Lebanon và Iraq đều có quan hệ thân thiết với quốc gia ủng hộ quan trọng cho Syria là Iran.

Đáng lưu ý, bất chấp những quan hệ với Syria và Iran, Beirut và Baghdad cũng không ngừng củng cố liên kết với Mỹ. Về phần mình, Washington ủng hộ cuộc nổi dậy chống lại chính phủ Syria năm 2011 và kêu gọi Tổng thống Syria Basahr al-Assad từ chức. Tuy nhiên, Lebanon và Iraq hầu như vẫn đứng cạnh ông Assad do e ngại về những hậu quả nghiêm trọng hơn nếu chính phủ Syria hiện tại sụp đổ.

Với sự can thiệp từ Nga, quân đội Syria đã giành lại được phần lớn lãnh thổ Syria, đánh bại nhóm khủng bố IS và cô lập các lực lượng đối lập về phía tây bắc đất nước. Newsweek nhận định, Moscow và Tehran đã thiết lập một liên minh chiến lược có sự tham gia của Damascus, Baghdad, đồng thời ở một mức độ nào đó, nhận được ủng hộ từ Beirut. Giờ đây, Nga đang nỗ lực kêu gọi Lebanon và Iraq cùng chung tay để chấm dứt chiến tranh tại Syria.

Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập với Nga và Iran trong tiến trình hòa bình ba bên tại thủ đô Astana, Kazakhstan. Một mặt, Mỹ hầu như phủ nhận khung làm việc này và chỉ chấp nhận tiến trình Geneva do Liên Hợp Quốc khởi xướng, mặt khác quyết định thay đổi chiến lược tại Syria của Washington lại đem đến nhiều thách thức cho cả đồng minh và đối thủ.

Vào thời điểm Nga bắt đầu hiện diện tại Syria, Mỹ chính thức bắt tay với người Kurd - Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) tại đây để đánh IS. Tuy nhiên, SDF lại bị Thổ Nhĩ Kỹ, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, coi là "kẻ thù" số một. Sứ mệnh chính thức của quân đội Mỹ tại Syria là đánh đuổi IS, nhưng các cố vấn của Tổng thống Donald Trump lại phản đối kế hoạch rút quân khỏi quốc gia Trung Đông. Các lý do chính bao gồm những quan ngại về khả năng người Thổ sẽ tấn công nhóm người Kurd tại Syria cũng như sự hiện diện ngày càng gia tăng của Iran và các lực lượng thân cận.

Robert Ford, cựu đặc phái viên Mỹ tại Syria miêu tả cách tiếp cận của Mỹ là "khó để giải thích". Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Thổ Anadolu, ông đặt ra câu hỏi về chiến lược hiện tại mà Washington đang theo đuổi: "Đó là để chống lại IS? Hoặc để giúp đỡ thành lập một lãnh thổ tự trị của người Kurd ở đông bắc Syria hay chỉ để đối kháng với Iran?"

Cùng lúc, liên minh Syria-Nga-Iran đang không ngừng "cố súy" cho việc Mỹ ngay lập tức rời khỏi Syria. Lebanon từng tỏ ý phản đối Washington coi phong trào Hezbollah là một tổ chức khủng bố; còn Iraq cũng lên tiếng cảnh báo chính quyền Trump rằng, họ sẽ không để đất nước của mình trở thành một bệ phóng cho các hành động quân sự chống lại Iran nếu căng thẳng khu vực bùng phát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại