Giấc mơ dang dở của thiếu uý phi công hi sinh trong vụ rơi máy bay ở Khánh Hoà

Hoàng Hải - Quốc Việt |

Ngay từ ngày còn nhỏ, Thiếu uý Đào Văn Long đã có ước mơ trở thành phi công để chinh phục bầu trời và nối tiếp truyền thống gia đình.

Sáng sớm ngày 17/6, hàng nghìn người thân, đồng đội, hàng xóm, bạn bè cùng các ban ngành địa phương và người dân đã có mặt tại nghĩa trang liệt sỹ xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội để tiễn đưa Thiếu úy Đào Văn Long (SN 1998, Phi công Phi đội 1 - Trung đoàn 920) hi sinh trong vụ máy bay rơi vào ngày 14/6 tại Khánh Hòa.

Sự hy sinh quá đột ngột của Thiếu úy Đào Văn Long khiến người thân, bạn bè vô cùng đau đớn, xót xa.

Được biết, Thiếu úy Long là con trai cả trong gia đình truyền thống phi công. Trước anh, trong dòng họ đã có 3 người từng được tham gia huấn luyện bay và bay.

Trong đó, có hai người bác là ông Đào Văn Sơn, ông Nguyễn Khắc Quang và một người khác đều là phi công.

Nói về người con trai đã hy sinh, ông Đào Văn Nam (bố Thiếu úy Đào Văn Long - PV) gạt ngang nước mắt kể, bản thân ông và mọi người trong nhà rất tự hào về truyền thống của gia đình, cũng như tự hào về người con trai Đào Văn Long.

Trong trí nhớ của ông Nam, ngay từ ngày còn nhỏ Thiếu úy Đào Văn Long đã có ước mơ trở thành phi công.

Dù đỗ 3 trường đại học, nhưng Long chọn theo học tại trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không – Không quân để nối tiếp truyền thống của gia đình và thực hiện ước mơ chinh phục bầu trời.

Giấc mơ dang dở của thiếu uý phi công hi sinh trong vụ rơi máy bay ở Khánh Hoà - Ảnh 1.

Người thân, bạn bè, đồng đội khóc nghẹn trước sự ra đi quá đột ngột của Thiếu úy Đào Văn Long.

Ngồi thất thần trước di ảnh cháu, ông Đào Văn Sơn (bác Thiếu úy Đào Văn Long) giọng đau buồn nói, trước khi Long bước chân vào ngành phi công, ông Sơn có nói với cháu ngành này điều sướng nhất với bản thân là một mình điều khiển máy bay trên bầu trời. Đấy cũng chính là vinh dự to lớn.

"Không chỉ thế, tôi còn nhắc cháu khi đã ham bầu trời, bản thân phải phấn đấu học tập, rèn luyện sức khỏe để khi ngồi trong buồng bay, bay trên bầu trời thấy vinh dự về nghề cũng như ý thức được trách nhiệm to lớn là người lính cụ Hồ, góp phần vào việc bảo vệ vùng trời thiêng liêng của đất nước...", đôi mắt đỏ hoe, ông Sơn buồn rầu kể.

Ngồi bên cạnh ông Sơn, ông Nguyễn Khắc Quang (bác Thiếu úy Đào Văn Long) cho hay, mỗi khi về quê, ông và con trai ông cũng như ông Sơn thường xuyên kể về cuộc đời phi công của mình.

Nhiều lần chia sẻ với mọi người trong gia đình về nghề phi công như vậy đã khiến cho tình yêu bầu trời trong Thiếu úy Long lớn dần và luôn mong muốn trở thành một phi công giỏi.

Ông Khang kể rằng, Long chọn trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không – Không quân để trở thành phi công đó chính là giấc mơ đã ấp ủ bấy lâu nay.

Mỗi lần ngồi nói chuyện, Long thường nhắc, môi trường quân đội sẽ rèn luyện về bản lĩnh chính trị, ý chí, sự dũng cảm.

"Khi bác cháu có dịp tâm sự, tôi thường nói với cháu, là một phi công trước hết phải có bản lĩnh, sự dũng cảm, phải dành cả cuộc đời để bảo vệ Tổ quốc.

Tổ quốc đã trao cho mình một tài sản rất lớn nên khi đã làm nhiệm vụ mình phải gánh vác những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho.

Việc phi công hy sinh không phải hiếm, trên thế giới cũng có nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là sự kiện để giáo viên và học viên nhà trường đúc rút được kinh nghiệm được để không còn những tai nạn như thế nữa", ông Quang tâm sự.

Ngày 14/6, máy bay Yak-52 mang số hiệu 09 của Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân (thuộc Quân chủng Phòng quân - Không quân) tổ chức bay huấn luyện đã rơi tại chân đập Suối Dầu (Cam Lập - Khánh Hòa).

Hai phi công gồm Thiếu tá Lê Xuân Trường (33 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) và Thiếu úy Đào Văn Long đã hy sinh.

Thiếu tá phi công Lê Xuân Trường là giảng viên bay, Biên đội trưởng, Phi đội 1 Trung đoàn 920. Thiếu úy Đào Văn Long là học viên bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại