Kẻ giết người hàng loạt ở Hà Nội đối diện mức án tử hình

TÙNG LÂM |

Luật sư cho rằng, kẻ giết người hàng loạt ở Hà Nội và Vĩnh Phúc sẽ phải đối mặt với tội "Giết người" và tội "Cướp tài sản".

Liên quan đến vụ giết người hàng loạt ở Hà Nội, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sự TP Hà Nội) cho biết, nếu Đỗ Văn Bình (37 tuổi, trú tại xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội) có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nghi phạm sẽ phải đối mặt với 2 tội danh là "Giết người" và tội "Cướp tài sản" với tổng mức hình phạt cao nhất đến tử hình.

Theo luật sư Thơm, hành vi của nghi phạm không những tước đi quyền được sống của người khác mà còn xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.

"Dù biết hành vi phạm tội của mình sẽ bị trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật nhưng nghi phạm vẫn tiếp tục lên danh sách những người có mâu thuẫn để trả thù.

Xét hành vi, trong cùng một thời điểm, nghi phạm đã liên tiếp phạm nhiều tội với tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nghi phạm đã tước đoạt tính mạng của 3 người, 1 người bị trọng thương và chiếm đoạt tài sản của 1 người khác trên đường bỏ chạy" - luật sư phân tích.

Luật sư Thơm cho rằng, những hành vi phạm tội của nghi phạm đã cấu thành tội "Giết người" và tội "Cướp tài sản". Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm a, e, n khoản 1 Điều 123 và Điều 168 BLHS 2015.

Trong đó, kết quả định giá tài sản chiếm đoạt sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo định khoản tội "Cướp tài sản".

Vụ án giết người, cướp tài sản này là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của nghi phạm đã xâm phạm đến quyền được sống và quyền sở hữu tài sản của người khác một cách trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên nhiều địa phương.

Trước đó, vào khoảng 17h ngày 15/5, Bình xảy ra va chạm giao thông với xe máy do anh H. lái chở theo anh Đoàn Văn T. (23 tuổi, trú tại xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội). Sau đó, Bình bị 2 người này dùng gậy và bình xịt hơi cay tấn công, bắt phải xin lỗi.

Uất ức sau sự việc, Bình đã lên kế hoạch để trả thù rồi gọi điện nhờ anh T. hẹn gặp anh H. để hòa giải mâu thuẫn. Khi gặp anh T. và anh H., Bình đã giết cả 2 người này bằng dao nhọn.

Sau khi giết 2 người, Bình tiếp tục tới nhà chị Nguyễn Thị T. (36 tuổi, trú tại huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, là bạn gái của Bình), chém chị này nhiều nhát vào đầu, gáy khiến nạn nhân trọng thương.

Sau đó, Bình lái xe tải bỏ chạy về huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) thì bị người dân phát hiện và dùng ô tô chặn đường. Lúc này, nghi phạm này lao thẳng xe vào ô tô của người dân và dùng dao bầu đe dọa, cướp 1 xe taxi cùng điện thoại di động rồi lái taxi về huyện Mê Linh.

Đến khoảng 13h30 ngày 17/5, Bình về đến huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và sát hại chị Trần Thị T. (39 tuổi, trú tại huyện Yên Lạc, cũng là bạn gái của Bình). Sau khi gây án, Bình về huyện Bình Xuyên lẩn trốn thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Bình khai, truy sát 2 nạn nhân nữ là để "thanh toán thù hằn" trước đây và nếu không bị bắt, Bình còn "thanh toán" nốt "món nợ khó trả" với một người khác ở Vĩnh Phúc.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 2 người trở lên;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

n) Có tính chất côn đồ;

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại