Bất chấp lời ‘hăm dọa’ của Mỹ, Nga quyết bảo vệ Venezuela

Nhất Tuệ |

Trong khi Mỹ gia tăng sức ép, áp dụng nhiều biện pháp nhằm thay đổi thể chế chính trị ở Venezuela và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực "sân sau" Mỹ Latinh, Nga lại đẩy mạnh các hoạt động viện trợ kinh tế và hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Maduro nhằm bảo vệ Venezuela và các lợi ích của mình tại khu vực.

Âm mưu lật đổ chính quyền Tổng thống N. Maduro

Kể từ đầu năm 2019, Mỹ đã tích cực sử dụng các chiêu bài khác nhau nhằm lật đổ chính quyền Venezuela và hiện thực hóa các ý đồ chiến lược:

Thứ nhất, tiếp tay cho phe đối lập. Ngày 23-1-2019, Mỹ đã công nhận thủ lĩnh phe đối lập J. Guaido là "Tổng thống lâm thời" của Venezuela, lôi kéo các nước phương Tây và Mỹ Latinh ủng hộ ông J, Guaido; chia rẽ nội bộ, kích động bạo loạn, dùng viện trợ nhân đạo (23-2) tại khu vực biên giới nhằm đưa vũ khí quân sự, lính đánh thuê nước ngoài vào Venezuela hỗ trợ phe đối lập của ông J. Guaido, kêu gọi biểu tình đường phố theo kịch bản "Cách mạng màu".

Ngày 30-4-2019, Mỹ thể hiện sự ủng hộ đối với hành động của ông J. Guaido và cố vấn chính trị L. Lopez khi kêu gọi quân đội tại căn cứ không quân ở Caracas ủng hộ lật đổ Tổng thống N. Maduro.

Bất chấp lời ‘hăm dọa’ của Mỹ, Nga quyết bảo vệ Venezuela - Ảnh 1.

Những người biểu tình đường phố phản đối Tống thống N. Maduro (Nguồn: TASS)

Thứ hai, gia tăng trừng phạt kinh tế và gây sức ép về ngoại giao. Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương, cắt đứt nguồn thu chính từ xuất khẩu dầu mỏ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA).

Ngày 5-4-2019, Mỹ cấm giao dịch với 34 tàu thuộc PDVSA và trừng phạt tàu Despina Adrianna, chuyên chở dầu thô từ Venezuela sang Cuba. Ngày 12-4-2019, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào 4 công ty dầu mỏ và 9 công ty vận tải của Venezuela.

Bên cạnh đó, Mỹ gây sức ép lên các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Venezuela. Ngày 5-3-2019, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ do có những động thái ủng hộ ông Maduro.

Ngày 11-3-2019, ra lệnh đóng băng tài khoản mở tại Mỹ của Ngân hàng Nga Evrofinance Mosnarbank, cấm các công ty, công dân Mỹ giao dịch với ngân hàng này.

Không những vậy, Mỹ còn tác động tới các nước đồng minh tạo áp lực đối với Venezuela, khiến nền kinh tế nước này ngày càng khủng hoảng trầm trọng.

Cụ thể, Mỹ tác động Ngân hàng Anh phong tỏa số vàng trị giá 1,2 tỷ USD của Venezuela; ngăn Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho phép Tổng thống Maduro tiếp cận quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 400 triệu USD.

Bất chấp lời ‘hăm dọa’ của Mỹ, Nga quyết bảo vệ Venezuela - Ảnh 2.

Tòa nhà của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) tại thủ đô Caracas (Nguồn: Reuters)

Thứ ba, đe dọa sử dụng giải pháp quân sự. Trong cuộc gặp với phu nhân của ông J. Guaido, Tổng thống D. Trump (27-3) đã yêu cầu Nga rút binh sỹ ra khỏi Venezuela, tuyên bố không loại trừ khả năng sẽ can thiệp quân sự.

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ CSIS (10-4) đã tổ chức cuộc gặp bí mật giữa các quan chức Mỹ và một số nước Nam Mỹ để thảo luận về phương án can thiệp quân sự vào Venezuela. Ngoại trường Mỹ M. Pompeo (1-5) tuyên bố có thể tiến hành động thái quân sự để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tại Venezuela nếu cần thiết.

Theo giới chuyên gia, Mỹ gia tăng các hoạt động can dự đối với Venezuela nhằm hướng tới 3 mục tiêu:

(1) Kiểm soát toàn bộ khu vực Mỹ Latinh. Mỹ luôn coi toàn bộ lục địa châu Mỹ là "sân sau", khu vực thuộc địa về chính trị và kinh tế, vì vậy, không cho phép bất kỳ thế lực bên ngoài nào tiến vào gây ảnh hưởng.

Mỹ thông qua các thủ đoạn để gia tăng sức ép tiến tới lật đổ chính quyền Venezuela - bước then chốt trong chiến lược của Mỹ (theo Học thuyết Monroe) nhằm thay đổi chế độ chính trị của cả Cuba và Nicaragua.

(2) Chiếm nguồn tài nguyên dầu mỏ. Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, khoảng 300 tỷ thùng, chiếm gần 25% trữ lượng của tất cả các thành viên OPEC. Từ khi cố Tổng thống H. Chavez quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên chiến lược (trong đó có dầu mỏ), Venezuela luôn bị Mỹ phong tỏa và tấn công.

Nếu Mỹ đạt được mục đích kiểm soát Venezuela và nguồn dầu mỏ của nước này thì hoàn toàn có thể thao túng giá dầu mỏ trên toàn thế giới. Ngoài ra, nước Nga vốn sống chủ yếu dựa vào dầu mỏ cũng sẽ bị Mỹ kiềm chế.

(3) Ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Do đầu tư của Nga và Trung Quốc tại các nước Mỹ Latinh ngày càng tăng, đặc biệt là Venezuela.

Theo Trung tâm nghiên cứu đối thoại liên Mỹ, trong giai đoạn 2007 - 2016, các Ngân hàng Nhà nước trung Quốc đã dành cho Venezuela 17 khoản vay với tổng trị giá 62,2 tỷ USD; trong khi đó, con số tương tự của Nga là khoảng 20 tỷ USD.

Ngoài ra, Nga cũng đang là nhà cũng cấp vũ khí lớn nhất của Venezuela với các hợp đồng trị giá khoảng 12 tỷ USD, và từng nhiều lần điều máy bay chiến đấu, tàu ngầm vào hoạt động trong khu vực "sân sau" của Mỹ.

Nga tăng cường hỗ trợ Venezuela

Trong bối cảnh trên, bên cạnh việc ủng hộ mạnh mẽ về chính trị ngoại giao, viện trợ kinh tế (gửi các nhóm chuyên gia tư vấn cho Venezuela các giải pháp giữ ổn định nền kinh tế và chia sẻ kinh nghiệm đối phó với với các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây, viện trợ lương thực, nhu yếu phẩm...), mới đây Nga còn có những động thái hỗ trợ về quân sự đối với Venezuela, bất chấp những lời đe dọa từ phía Mỹ:

Thứ nhất, gửi các chuyên gia tới giúp đỡ Venezuela. Ngày 23-3-2019, Nga điều 2 máy bay vận tải quân sự (An-124 và Il-162) từ căn cứ Khmeimim (Syria) mang theo 99 binh sỹ và 35 tấn hàng thiết bị quân sự đến thủ đô Caracas để hỗ trợ, bảo dưỡng thiết bị kỹ thuật quân sự trong khuôn khổ các hợp đồng ký kết từ năm 2001.

Bên cạnh đó, Nga cũng cử các cố vấn an ninh, chuyên gia quân sự cấp cao tới Venezuela để huấn luyện quân đội nước này sử dụng các vũ khí công nghệ cao trong phòng không, tác chiến điện tử như từng giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad của Syria và giúp Venezuela bảo vệ, khắc phục hệ thống điện trên toàn quốc sau các sự cố mất điện liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.

Thứ hai, củng cố căn cứ quân sự ở Guayana theo thỏa thuận giữa Nga-Cuba-Venezuela, được gọi là "Guayana Shield" (Lá chắn Guiayana). Kế hoạch này được cố Tổng thống H. Chavez xây dựng vào năm 2012 cùng với Cuba đề phòng trường hợp chính phủ mất quyền kiểm soát ở Caracas có thể rút về hậu cứ một cách nhanh chóng.

Thứ ba, xây dựng các trung tâm bảo dưỡng trực thăng và sản xuất súng. Tập đoàn trực thăng Nga công bố kế hoạch thành lập trung tâm bảo dưỡng trực thăng tại Venezuela trong năm 2019, theo hợp đồng giữa Rosoboexport và nhà sản xuất quốc phòng Venezuela (CAVIM).

Theo dự tính, trung tâm sẽ huấn luyện các phi công sử dụng máy bay trực thăng Mi17V-5, Mi-35M và Mi-26T, đủ sức phục vụ cho toàn bộ khu vực Mỹ Latinh - một thị trường vũ khí tiềm năng lớn của Nga.

Ngoài ra, công ty Kalashnikov của Nga cũng có kế hoạch mở nhà máy sản xuất súng ở Venezuela, dự kiến triển khai vào cuối năm 2019 với công suất hàng trăm nghìn súng mỗi năm.

Các bước đi này của Nga nhằm 2 mục tiêu chính: (1) Giảm sự ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực Mỹ Latinh và đảm bảo lợi ích của Nga.

Nga ủng hộ và hỗ trợ Tổng thống Maduro duy trì quyền lực không chỉ giúp Nga đảm bảo và duy trì ảnh hưởng của mình tại khu vực, mà còn đe dọa đến lợi ích của Mỹ tại khu vực "sân sau", buộc Mỹ phải tính đến vai trò của Nga trong việc giải quyết các điểm nóng khác như Ucraina, Trung Đông, Triều Tiên...

(2) Khẳng định lập trường, uy tín của nước Nga trên trường quốc tế. Sự hỗ trợ tích cực của Nga đối với Venezuela không đơn thuần nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế, mà còn bảo vệ sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế, cũng như trật tự thế giới mà Nga đang nỗ lực hướng tới.

Hành động này giúp nước Nga nâng cao uy tín, khẳng định quan điểm "không bỏ rơi đồng minh" trong giai đoạn khó khăn, tạo động lực cho chính quyền ông N. Maduro tiếp tục đứng vững trước những áp lực mới, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ, buộc nước này phải cân nhắc trong các bước đi tiếp theo tại Venezuela.

Thời gian tới, Nga tiếp tục ủng hộ chính quyền Tổng thống Maduro, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ Venezuela, trong khi Mỹ tìm cách gia tăng sức ép lên Venezuela, song chưa sẵn sàng can thiệp quân sự trực tiếp do:

(1) Tương quan sức mạnh, lực lượng ủng hộ J, Guaido vẫn yếu thế trước N. Maduro, quân đội vẫn trung thành với chính quyền đương nhiệm.

(2) Vấp phải sự phản đối của Nga, Trung Quốc (với tư cách là Ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc), cũng như EU và một số nước châu Mỹ (kể cả các nước trong nhóm Lima), trong khi nội bộ Mỹ cũng đang có nhiều tiếng nói phản đối giải pháp này.

(3) Việc can thiệp quân sự vào Venezuela sẽ kích động làn sóng phản đối Mỹ trên khắp thế giới và khơi dậy bầu không khí chống Mỹ ở khu vực, gây hỗn loạn khu vực "sân sau" và bất lợi hơn cho Mỹ.

(4) Bài học kinh nghiệm của quân đội Mỹ từng sa lầy tại chiến trường Afghanistan, Iraq... khi Mỹ không đạt được những toan tính như dự định.

(5) Tổng thống Mỹ D. Trump đang ưu tiên giải quyết các vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc..., do đó, việc Mỹ sử dụng giải pháp quân sự trong điều kiện tình hình tại Venezuela hiện nay là "chưa chín muồi", đặc biệt là khi cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 sắp diễn ra.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại