Sau cách mạng tháng 8, nước ta đối diện nhiều khó khăn: Cả giặc đói lẫn giặc dốt

B.T sưu tầm, SGK Sử 12 |

Nước ta vừa ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Quân đội các nước Đông minh dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật đã lũ lượt kéo vào nước ta.

Ngoài ra, trên cả nước ta, còn 6 vạn quân Nhật chờ giải giáp. Một bộ phận quân Nhật theo lệnh quân Anh đánh lại lực lượng vũ trang của ta, tạo điều kiện cho quân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng.

Sau cách mạng tháng 8, nước ta đối diện nhiều khó khăn: Cả giặc đói lẫn giặc dốt - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Bộ trưởng của Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945

Trong khi đó, chính quyền cách mạng vừa mới thành lập, chưa được củng cố, lực lượng vũ trang còn non yếu. Nền kinh tế nông nghiệp nước ta vốn đã lạc hâu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề; hậu quả của nạn đói cuối năm 1944-đầu năm 1945 chưa khắc phục được.

Tiếp đó là nạn lụt lớn, làm vỡ đê ở chín tỉnh Bắc Bộ, rồi hạn hán kéo dài, khiến cho nửa tổng số ruộng đất không canh tác được. Nhiều xí nghiệp còn nằm trong tay tư bản Pháp. Các cơ sở công nghiệp của ta chư kịp phục hồi sản xuất. Hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Ngân sách Nhà nước lúc này hầu như trống rỗng, kho bạc Nhà nước chỉ có hơn 1,2 triệu đồng. Chính quyền cách mạng chưa quản lí được Ngân hàng Đông Dương. Trong lúc đó, quân Trung Hoa Dân quốc lại tung ra thị trường các loại tiền Trung Quốc đã mất giá, làm cho nền tài chính nước ta thêm rối loạn.

Tàn dư văn hóa lạc hậu của chế độ thực dân, phong kiến để lại hết sức nặng nề, hơn 90% dân số không biết chữ.

Đất nước đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Tuy nhiên, thuận lợi của chúng ta lúc bấy giờ là rất cơ bản. Nhân dân ta đã giành quyền làm chủ, bước đầu được hưởng quyền lợi do chính quyền cách mạng đưa lại nên rất phấn khởi, gắn bó với chế độ.

Cách mạng nước ta có Đảnh đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt lãnh đạo. Trên thế giới, hệ thống xã hội chủ nghĩa đang hình thành, phong trào giải phóng dân tộc dâng cao ở nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc, phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ phát triển ở nhiều nước tư bản.

Xây dựng chính quyền cách mạng

Chỉ một tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ lâm thời công bố lệnh tổng tuyển cử trong cả nước.

Ngày 6-1-1946, vượt qua mọi hành động chống phá của kẻ thù, hơn 90% cử tri trong cả nước đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu khắp Bắc-Trung –Nam vào Quốc hội, tượng trưng cho khối đoàn kết dân tộc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta được thực hiện quyền công dân, bầu những đại biểu chân chính của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội, các địa phương thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ tiến hành bầu cử hội đồng nhân dân các cấp (tỉnh, xã) theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Ủy ban hành chính các cấp được thành lập.

Ngày 2-3-1946, tại kì họp đầu tiên ở Hà Nội, Quốc hội xác nhận thành tích của Chính phủ lâm thời trong những ngày đầu xây dựng chế độ mới, thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu lập ra Ban dự thảo Hiến pháp. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946.

Sau cách mạng tháng 8, nước ta đối diện nhiều khó khăn: Cả giặc đói lẫn giặc dốt - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội Khóa I (ngày 2/3/1946)

Lực lượng vũ trang được chú trọng xây dựng. Việt Nam Giải phóng quân (thành lập tháng 5-1945) được chấn chỉnh và đổi thành Vệ quốc đoàn 9-1945). Ngày 22-5-1946, Vệ quốc đoàn được đổi thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Cuối năm 1945, lực lượng dân quân, tự vệ đã tăng lên hàng chục vạn người, có mặt ở hấu hết các thôn, xã, đường phố, xí nghiệp trên khắp cả nước.

Giải quyết nạn đói

Để giải quyết nạn đói, Chính phủ đề ra nhiều biện pháp cấp thời như tổ chức quyên góp, điều hòa thóc gạo giữa các địa phương trong cả nước, nghiêm trị những kẻ đầu cơ tích trữ gạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước "nhường cơm sẻ áo".

Hưởng ứng kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên khắp cả nước, nhân dân ta lập "Hũ gạo cứu đói", tổ chức "Ngày đồng tâm", không dùng gạo, ngô, khoai, sắn v.v. để nấu rượu.

Sau cách mạng tháng 8, nước ta đối diện nhiều khó khăn: Cả giặc đói lẫn giặc dốt - Ảnh 3.

Khẩu hiệu cứu đói được đề cao ngay trong khi tiến hành Cách mạng tháng Tám

Để giải quyết căn bản nạn đói, tăng gia sản xuất là biện pháp hàng đầu và có tính chất lâu dài. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!".

Một phong trào thi đua tăng gia sản xuất dấy lên khắp cả nước dưới khẩu hiệu "Tấc đất tấc vàng !"," Không một tấc đất bỏ hoang!".

Chính quyền cách mạng ra lệnh bãi bỏ thuế thân và các thứu thuế vô lí khác của chế độ cũ, giảm tô 25%, giảm thuế ruộng đất 20%, tạm cấp ruộng đất bỏ hoang cho nông dân thiếu ruộng, chia lại ruộng đất công theo nguyên tắc công bằng, dân chủ.

Nhờ các biện pháp tích cực trên, sản xuất nông nghiệp nhanh chóng được phục hồi, nạn đói dần dần bị đẩy lùi.

Giải quyết nạn dốt

Xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ-cơ quan chuyên trách về chống "giặc dốt"-và kêu gọi nhân dân cả nước tham gia phong trào xóa nạn mù chữ. Trong vòng một năm, từ tháng 9-1945 đến tháng 9-1946, trên toàn quốc đã tổ chức gần 76000 lớp học, xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người.

Sau cách mạng tháng 8, nước ta đối diện nhiều khó khăn: Cả giặc đói lẫn giặc dốt - Ảnh 5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp Bình dân học vụ

Trường học các cấp phổ thông và đại học được khai giảng nhằm đào tạo những công nhân và cán bộ trung thành, có năng lực phụng sự Tổ quốc. Nội dung và phương pháp giáo dục bước đầu được đổi mới theo tinh thần dân tộc dân chủ.

Giải quyết khó khăn về tài chính

Để khắc phục tình trạng trống rỗng về ngân sách, Chính phủ kêu gọi tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân cả nước. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng "Quỹ độc lập", phong trào "Tuần lễ vàng" do Chính phủ phát động, nhân dân ta hăng hái đóng góp tiền của, vàng bạc ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân đã tự nguyện đóng góp 370 kilôgam vàng, 20 triệu đồng vào "Quỹ độc lập", 40 triệu đồng vào quỹ "Quỹ đầm phụ quốc phòng".

Ngày 23-11-1946, Quốc hội quyết định cho lưu hành tiền Việt Nam trong cả nước, thay cho tiền Đông Dương của Pháp trước đây.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 12, trang 121-122-123-124-125.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại