CNN: Viễn cảnh nước Mỹ rơi xuống "bờ vực thẳm" nếu ông Trump bị luận tội

Tất Đạt |

Hầu hết người dân Mỹ đều không muốn chứng kiến quy trình luận tội tổng thống lần thứ 3 chỉ trong vòng 50 năm trở lại đây.

Cuộc chiến của riêng ông Trump

Chiến tranh thương mại với Trung Quốc đang nóng lên từng ngày, khi Mỹ quyết áp thuế quan 25% đối với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu từ ngày 10/5. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định: "Chúng ta đang ở đúng vị trí mà mình muốn có với Trung Quốc".

Tuy nhiên, thương chiến không phải là mối quan tâm duy nhất đối với ông Trump. Vấn đề đối nội cũng là điều khiến ông Trump phải đau đầu.

Theo CNN, thật "điên rồ" khi nghĩ tới việc một vị tổng thống muốn bị luận tội.

Tuy nhiên, tổng thống Trump - người đã "phá vỡ" mọi quy chuẩn thông thường trong nhiệm kì của mình - hiện đang khiến nhiều một bộ phận các quan chức chính phủ, ít nhất là giữa các thành viên của Đảng Dân chủ, phải dè chừng vì có thể ông Trump sẽ coi cuộc khủng hoảng hiến pháp ở mức cao nhất là vũ khí để giành chiến thắng trong việc tái ứng cử tổng thống vào năm 2020.

Viễn cảnh này đang dần định hình chiến lược của các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ khi cân nhắc rủi ro của việc luận tội tổng thống và trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ chính phủ Mỹ.

Nhiều thành viên Đảng Dân chủ lo ngại rằng ông Trump có thể đang đặt ra "chiếc bẫy luận tội". Nếu đưa ông Trump ra xét xử, Đảng Dân chủ sẽ phải tập trung toàn lực và buộc phải giảm bớt nguồn lực đối với các vấn đề then chốt như chăm sóc y tế và kêu gọi thêm những người bỏ phiếu tiềm năng.

CNN: Viễn cảnh nước Mỹ rơi xuống bờ vực thẳm nếu ông Trump bị luận tội - Ảnh 1.

Các cộng sự chủ chốt của ông Trump đã nhận tội trước tòa. Ảnh: AP

CNN cho hay, vấn đề luận tội sẽ không dễ dàng bị bỏ qua, xét tới việc ông Trump đã có những nỗ lực cản trở quá trình điều tra cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, tài sản cá nhân và sự nghiệp kinh doanh của mình.

"Tổng thống Trump gần như đang tự luận tội chính mình bởi vì ông ấy - mỗi ngày - đều đang thể hiện những hành vi cản trở công lí và không tôn trọng yêu cầu triệu tập ra tòa của Quốc hội," Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, một trong những quan chức cấp cao của bà Pelosi, cũng tỏ ra thận trọng với rủi ro của việc luận tội. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng hành động của ông Trump đang dần đẩy Washington tới một "bờ vực thẳm".

"Chúng tôi do dự một phần vì nước Mỹ đã bị chia cắt đau đớn và một quy trình luận tội mới sẽ khiến đất nước này bị chia cắt sâu sắc hơn nữa," Schiff nói trên ABC News. "Ông Trump chắc chắn sẽ tìm cách khiến chúng ta xa cách nhau hơn. Ông Trump nghĩ rằng đó là lợi thế chính trị cho bản thân mình, nhưng chắc chắn điều đó không đem lại lợi ích gì cho đất nước."

Ông Trump khó có khả năng bị luận tội?

Tuần trước, ông Trump đã né tránh một câu hỏi về việc liệu ông có muốn bị luận tội hay không. Và ông Trump khẳng định nếu bất kì ai phạm tội trong cuộc bầu cử năm 2016, thì đó là Đảng Dân chủ, chứ không phải ông.

Một lần khác, ông Trump trả lời Reuters: "Thật khó để luận tội một người không làm gì sai, một người đã kiến tạo nên nền kinh tế tuyệt vời nhất lịch sử Mỹ".

"Tôi không quan tâm, không. Tôi nghĩ mọi người sẽ phản ứng dữ dội nếu luận tội xảy ra," ông Trump nói.

Theo một thống kê mới được thực hiện, hầu hết người Mỹ đều không muốn trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị - luận tội tổng thống - lần thứ 3 trong vòng 50 năm trở lại đây.

Có thể rằng khi sự rạn nứt chính trị càng sâu sắc, thì ông Trump càng hưởng lợi.

Tới nay, các cuộc điều tra đã cho thấy rất nhiều bằng chứng về việc cản trở công lí - với hơn 800 cựu công tố viên liên bang cho rằng có đủ yếu tố để truy tố ông Trump nếu ông là một công dân Mỹ bình thường.

Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ lo ngại rằng quy trình luận tội sẽ phản tác dụng và khiến tổng thống Trump có thêm "át chủ bài" để chống lại những phe đối lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại