Thực dân Pháp câu kết Tây Ban Nha, đem chiến thuyền hùng hậu tấn công Đà Nẵng

B.T sưu tầm, SGK Sử 11 |

Sau nhiều lần đưa quân tới khiêu khích, chiều 31-8-1858 liên quân Pháp-Tây Ban Nha với khoảng 3 000 binh lính và sĩ quan, bố trí trên 14 chiến thuyền, kéo tới dàn trận trước cửa biển Đà Nẵng.

Tình hình Việt Nam đến giữa thế kỉ XIX (trước khi thực dân Pháp xâm lược)

Vào giữa thế kỉ XIX, trước khi bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chế độ phong kiến Việt Nam đang có những biểu hiện khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng.

Nông nghiệp sa sút. Nhiều cuộc khẩn hoang được tổ chức khá quy mô, nhưng cuối cùng đất đai khai khẩn được lại rơi vào tay địa chủ, cường hào. Hiện tượng dân lưu tán trở nên phổ biến. Đê điều không được chăm sóc. Nạn mất mùa, đói kém xảy ra liên miên.

Công thương nghiệp bị đình đốn; xu hướng độc quyền công thương của Nhà nước đã hạn chế sự phát triển của sản xuất và thương mại. Chính sách "bế quan tỏa cảng" của nhà Nguyễn khuyến khích cho nước ta bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Thực dân Pháp câu kết Tây Ban Nha, đem chiến thuyền hùng hậu tấn công Đà Nẵng - Ảnh 1.

Quân đội thời nhà Nguyễn lạc hậu và suy yếu trầm trọng

Quân sự lạc hậu, chính sách đối ngoại có những sai lầm, nhất là việc "cấm đạo", đuổi giáo sĩ phương Tây, đã gây ra những mâu thuẫn , làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, gây bất lợi cho sự nghiệp kháng chiến sau này.

Nhiều cuộc khởi nghĩa chống triều đình đã nổ ra như: khởi nghĩa Phan Bá Vành ở Nam Định, Thái Bình (1821), của Lê Duy Lương ở Ninh Bình (1833), Lê Văn Khôi ở Gia Định (1833), của Nông Văn Vân ở Tuyên Quang, Cao Bằng (1833-1835)…

Thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị xâm lược Việt Nam

Người phương Tây, đầu tiên là các lái buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đã biết đến Việt Nam từ thế kỉ XVI. Đến thế kỉ XVII, người Anh đã định chiếm đảo Côn Lôn của Việt Nam, nhưng không thành.

Trong cuộc chạy đua thôn tính phương Đông, tư bản Pháp đã lợi dụng việc truyền đạo Thiên Chúa để chuẩn bị tiến hành cuộc xâm lược. Thế kỉ XVII, các giáo sĩ Pháp đã tới Việt Nam truyền đạo; một số giáo sĩ kết hợp truyền giáo với việc dò xét tình hình, vẽ bản đồ, chuẩn bị cho cuộc xâm nhập của tư bản Pháp.

Thực dân Pháp câu kết Tây Ban Nha, đem chiến thuyền hùng hậu tấn công Đà Nẵng - Ảnh 2.

Cảnh xử tử giáo sĩ phương Tây thời nhà Nguyễn, chính sách cấm đạo là cái cớ để Pháp xâm lược nước ta

Cuối thế kỉ XVIII, khi phong trào nông dân Tây Sơn nổ ra, Nguyễn Ánh cầu cứu các thế lực nước ngoài để khôi phục lại quyền lực. Giám mục Bá Đa Lộc (Pi-nhô-đờ Bê-hen) đã năm cơ hội đó, tạo điều kiện cho tư bản Pháp can thiệp vào Việt Nam.

Nhờ sự mô giới của Bá Đa Lộc, Hiệp ước Vécxai (1787) được kí kết. Pháp hứa sẽ đem quân sang giúp Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn; còn Nguyễn Ánh nhượng cho Pháp cảng Hội An, đảo Côn Lôn và được độc quyền buôn bán ở Việt Nam. Nhưng vì nhiều lí do, bản Hiệp ước này đã không thực hiện được.

Đến giữa thế kỉ XIX, nước Pháp phát triển nhanh trên con đường tư bản chủ nghĩa, càng ráo riết tìm cách đánh chiếm Việt Nam để tranh giành ảnh hưởng với Anh ở khu vực châu Á.

Năm 1857, Na-pô-lê-ông III lập ra Hội đồng Nam Kì để bàn cách can thiệp vào nước ta;tiếp đó cho sứ thần tới Huế đòi được "tự do buôn bán và truyền đạo". Cùng lúc, Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp tăng viện cho hạm đội Pháp ở Thái Bình Dương để cùng Anh-Mĩ xâm lược Trung Quốc và ra lệnh cho Phó Đô đốc Ri-gôn đơ Giơ-nui-y chỉ huy hạm đội Pháp đánh Việt Nam ngay sau khi chiếm được Quảng Châu (Trung Quốc).

Chiến sự ở Đà Nẵng năm 1858

Sau nhiều lần đưa quân tới khiêu khích, chiều 31-8-1858 liên quân Pháp-Tây Ban Nha với khoảng 3 000 binh lính và sĩ quan, bố trí trên 14 chiến thuyền, kéo tới dàn trận trước cửa biển Đà Nẵng.

Âm mưu của Pháp là chiếm Đà Nẵng làm căn cứ, rồi tấn công ra Huế, nhanh chóng buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng.

Sáng 1-9-1858, địch gửi tối hậu thư, đòi Trấn thủ thành Đà Nẵng trả lời trong vòng 2 giờ. Nhưng không đợi đến hết hạn, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đã nổ súng rồi đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà.

Quân dân ta anh dũng chống trả quân xâm lược, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng, sau đó lại tích cực thực hiện "vườn không nhà trống" gây cho quân Pháp nhiều khó khăn. Liên quân Pháp-Tây Ban Nha bị cầm chân suốt 5 tháng (từ cuối tháng 8-1858 đến đầu tháng 2-1859) trên bán đảo Sơn Trà. Về sau, quân Tây Ban Nha rút khỏi cuộc xâm lược.

Khí thế kháng chiến sục sôi trong nhân dân cả nước.

Thực dân Pháp câu kết Tây Ban Nha, đem chiến thuyền hùng hậu tấn công Đà Nẵng - Ảnh 4.

Tranh minh họa trận Đà Nẵng năm 1858

Tại Đà Nẵng, nhân dân tổ chức thành lập đội ngũ, chủ động tìm địch mà đánh. Thực dân Pháp đã phải thừa nhận "dân quân gồm tất cả những ai không đau ốm và không tàn tật".

Từ Nam Định, Đốc học Phạm Văn Nghị tự chiêu mộ 300 người, chủ yếu là học trò của ông., lập thành cơ ngũ, lên đường vào Nam xin vua được ra chiến trường.

Cuộc kháng chiến của quân dân ta đã bước đầu làm thất bại âm mưu " đánh nhanh thắng nhanh" của Pháp.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp11 , tr 106-107-108-109.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại