Bị Trung Quốc chặn đường tiếp cận đảo Thị Tứ, Philippines dọa đưa vấn đề ra LHQ

Thi Anh |

Tàu cá Trung Quốc tiếp tục cản trở ngư dân Philippines, không cho tiếp cận đảo Thị Tứ (thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép).

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết, ông Duterte có thể đưa phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 ra trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nếu các cuộc đàm phán song phương giữa Manila và Bắc Kinh không tìm ra được giải pháp, SCMP đưa tin ngày 5/4.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi tàu cá Trung Quốc tiếp tục cản trở ngư dân Philippines, không cho tiếp cận đảo Thị Tứ (thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép).

"Phán quyết vĩnh viễn có hiệu lực. Họ không thể gạt bỏ điều đó từ tay chúng tôi nhưng vấn đề là chúng tôi không thể thực thi được vì không có năng lực", Panelo nói.

Kể từ khi phán quyết được đưa ra trong những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Duterte đã đi theo hướng thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh. Duterte tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc để phục vụ cho chương trình xây dựng hạ tầng của mình trong khi tìm cách thương thảo để đi đến 1 thỏa thuận ngoại giao.

Trong thời gian đó, Trung Quốc đã nhanh chóng tiến hành một hành động trái phép ngang ngược. Đó là biến một số đá ở Biển Đông thành đảo nhân tạo, cùng các thiết bị quân sự.

Hồi đầu tuần, Bộ Ngoại giao Philippines đã đệ trình một công hàm ngoại giao hiếm hoi về sự tập trung dày đặc của tàu đánh cá Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Vài ngày sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Meynardo LB. Montealegre đã tiến hành các cuộc gặp song phương tại Manila để bàn về vấn đề này.

Mới đây, ông Duterte gọi Bắc Kinh là "bạn bè" nhưng cũng cảnh báo nước này "tránh xa" đảo Thị Tứ. Thậm chí, ông Duterte còn khẳng định sẽ yêu cầu binh lính "sẵn sàng cho nhiệm vụ cảm tử", đề phòng Trung Quốc đụng tới đảo này.

Đề cập vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Thị Tứ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 14/3 vừa qua khẳng định:

"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp .

Đồng thời Việt Nam cho rằng trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở tại Biển Đông; hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại