Bí ẩn "cổng địa ngục" đoạt mạng nhiều sinh vật: Khoa học lý giải thành công

Nguyễn Hằng |

“Cổng địa ngục” ở Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nơi xảy ra hàng loạt cái chết bí ẩn.

Ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết dường như rất gần nhau khi đến gần ngôi đền thờ bí ẩn tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi được coi như "cổng địa ngục". Ngay từ thời xa xưa, người La Mã đã thiết lập một "hình thức" hiến tế công phu ở nơi mà họ tin là ẩn giấu "cánh cửa" vào thể giới ngầm nằm rải rác trên khu vực Địa Trung Hải thời cổ đại.

Nhiều cái chết bí ẩn xảy ra khi những con bò đực, con chó,... không may lạc lối vào nơi này, ngoại trừ chỉ có những vị thầy tu mang các con vật tới để tế lễ là không bị làm sao.

Cánh cổng địa ngục này nằm ở thành phố cổ Hierapolis, ngày nay thuộc đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Đó chính là ngôi đền cổ bằng đá nằm trên một hang động nhỏ được gọi là Plutonium theo như tên gọi của thần Pluto (vị thần cai quản ở thế giới bên kia). Theo các chuyên gia, khoảng 2.200 năm trước, suối nước nóng ở nơi đây được cho là có khả năng chữa bệnh rất tuyệt vời.

Bí ẩn cổng địa ngục đoạt mạng nhiều sinh vật: Khoa học lý giải thành công - Ảnh 1.

Chỉ cần tới gần hang động này, nhiều động vật, côn trùng đều khó có thể tránh khỏi cái chết.

Tuy nhiên, khu vực có cánh cổng địa ngục rất nguy hiểm. Bằng chứng là cho tới năm 2011, các chuyên gia khảo cổ phát hiện nơi này vẫn còn rất đáng sợ, khi những con chim chỉ cần bay lại gần là nghẹt thở và mất mạng.

Thế nhưng, sau hơn 2.000 năm, các nhà khoa học ngày nay đã tìm ra lời giải cho hiện tượng tại khu vực chết chóc trên và hóa ra đó không phải là do một "thế lực" siêu nhiên gây ra.

Lý giải khoa học đằng sau "cổng địa ngục" chết chóc ở Thổ Nhĩ Kỳ

Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của một nhóm các chuyên gia tại Đức được công bố trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ học và Nhân chủng học vào năm 2018, cho thấy, nguyên nhân khiến cho "cổng địa ngục" ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây chết người là do có một vết nứt nằm ở trên bề mặt đất thuộc phía dưới hang động này, có sản sinh ra ra CO2 với nồng độ cao bất thường.

Bí ẩn cổng địa ngục đoạt mạng nhiều sinh vật: Khoa học lý giải thành công - Ảnh 2.

Nguyên nhân khiến nhiều sinh vật sống chết, trong đó có cả con người khi đi vào hang động này là do nồng độ khí CO2 tập trung cao ở đây.

Giáo sư Hardy Pfanz tới từ ĐH Duisburg-Essen ở Đức, chia sẻ, không chỉ tăng vào ban đêm, lượng khí CO2 trong hang động này còn trở nên đặc biệt nguy hiểm vào lúc bình minh, với nồng độ lớn đủ để gây ngạt, giết chết động vật hay thậm chí là con người chỉ trong vòng vài phút ngắn ngủi.

Theo các nhà nghiên cứu, những người đã chết ở đây có thể là do tới vào buổi sáng hoặc buổi tối, khi mà nồng độ khí CO2 tập trung cao nhất. 

Đáng chú ý là lượng khí CO2 cũng tập trung không đồng đều khi có thể đạt mức khoảng từ 4-53% ở ngoài cửa hang, nhưng lại có thể lên tới 91% khi xâm nhập vào sâu trong hang. Đây là hàm lượng vượt qua mức chịu đựng và có thể giết chết các sinh vật sống, trong đó bao gồm cả con người.

Bí ẩn cổng địa ngục đoạt mạng nhiều sinh vật: Khoa học lý giải thành công - Ảnh 3.

Hình ảnh mô phỏng về hang động chết chóc, nơi được ví như "cổng địa ngục" nằm ở thành phố cổ Hierapolis, Thổ Nhĩ Kỳ.

Lý giải về nguyên nhân khiến các loài động vật, côn trùng phải hứng chịu cái chết bí ẩn trong hang động, trong khi con người thì không sao, các nhà khoa học cho rằng đó là do chiều cao.

Do khí CO2 nặng hơn so với O2 nên loại khí này tập trung nồng độ cao ở gần dưới mặt đất. Do đó, khi các thầy tu dẫn những con vật hiến tế đi vào hang động, sẽ ít bị tiếp xúc với tầng khí CO2 hơn do có chiều cao nổi trội. Những động vật khi di chuyển vào hang sẽ dễ bị ngạt và mất mạng hơn do mũi của chúng ở tầm thấp.

Ngoài ra, rất có thể các vị thầy tu cách đây hàng nghìn năm đã nhận ra mối nguy hiểm trong hang thường tập trung mạnh nhất vào lúc hoàng hôn và bình mình, nên đã tránh thực hiện nghi lễ hiến tế vào khoảng thời gian đó.

Dù nguy hiểm và bí ẩn, nhưng cho tới nay, hang động "chết chóc" được ví như "cổng địa ngục" ở thành phố cổ Hierapolis, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một trong các điểm đến thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước, bên cạnh tàn tích của những ngôi đền cổ hàng nghìn năm tuổi.

Tham khảo ảnh/nguồn: Sciencemag, Dailysabah


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại