Công ty tài chính không được đòi nợ người thân của khách hàng

Thái Phương |

Dự thảo mới của Ngân hàng Nhà nước về cho vay tiêu dùng yêu cầu các công ty tài chính không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Đáng lưu ý, dự thảo thông tư đã sửa đổi biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật.

Trong đó, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Đồng thời, không được nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính.

Việc NHNN đưa ra quy định trên nhằm ngăn chặn tình trạng một số công ty tài chính nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, hoặc đòi nợ lúc nửa đêm gây bức xúc dư luận.

Công ty tài chính không được đòi nợ người thân của khách hàng - Ảnh 1.

Các công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ người không có nghĩa vụ trả nợ. Ảnh: NLĐ

Một thay đổi khác là dự thảo thông tư sửa đổi quy định rõ các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù hoạt động.

Cụ thể, giải ngân thông qua bên thụ hưởng: Công ty tài chính giải ngân bằng tiền mặt cho bên thụ hưởng (bên bán hàng hóa, dịch vụ) hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng trên cơ sở hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho khách hàng để tiêu dùng và theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Hoặc giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay: Công ty tài chính giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng vay hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Quy định này nhằm tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, tạo cơ sở kiểm soát việc cho vay tiêu dùng.

Dự thảo thông tư cũng quy định cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nên hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt, không có nợ xấu tại thời điểm vay... Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay theo quy định không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

Theo NHNN, điều này căn cứ vào thực trạng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam khi cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay thường có rủi ro cao và khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Quy định mới nhằm bảo đảm cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại