Mỹ sẽ phải trả giá đắt vì nâng đỡ đồng minh Israel, chọc giận Syria?

Hồng Anh |

Việc Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan có nguy cơ dẫn đến cuộc xung đột mới tại Trung Đông.

Trong một động thái bất ngờ nhằm đảo ngược chính sách ngoại giao kéo dài nhiều thập kỷ qua của Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 25/3 đã ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan . "Điều này đáng lẽ phải diễn ra từ nhiều thập niên trước", ông Trump tuyên bố.

Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan được coi là một nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sắp tới của Israel, song nó không phục vụ cho lợi ích của cả Washington lẫn Tel Aviv mà còn có nguy cơ gây leo thang xung đột tại Trung Đông.

Tạo đòn bẩy cho Thủ tướng Netanyahu

Thông báo của Tổng thống Donald Trump được xem là cú hích chính trị đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang phải đương đầu với cuộc bầu cử được dự báo là rất khó khăn vào ngày 9/4 tới, do sự cạnh tranh sít sao từ đối thủ. Đáng chú ý, ông Netanyahu hiện phải đối mặt với một loạt cáo buộc nhận hối lộ, gian lận, phá vỡ lòng tin và khả năng tái đắc cử Thủ tướng Israel thêm một nhiệm kỳ nữa hiện khá mong manh.

Tờ DW dẫn lời ông Michael Koplow, người đứng đầu Diễn đàn Chính sách Israel tại Mỹ nhận định, “canh bạc” Golan của Tổng thống Trump hoàn toàn hướng đến cuộc bầu cử tại Israel. “Những món quà mà chính quyền Tổng thống Donald Trump trao tặng đều nằm trong sự toan tính của Thủ tướng Netanyahu. Ông Netanyahu đã đưa quan hệ đối ngoại của Israel lên một tầm cao chưa từng có, khai thác những lợi ích từ Tổng thống Trump và tăng cường quan hệ đồng minh gắn bó chặt chẽ với Mỹ”.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump phá vỡ các quy tắc quốc tế để ủng hộ quan điểm của Israel. Trước đó vào năm 2017, ông Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Mỹ bị cô lập

Quyết định của ông Trump dù giúp Thủ tướng Netanyahu ghi điểm trong cuộc bầu cử sắp tới, song nó không cho thấy lợi ích chiến lược hay lợi ích quân sự rõ ràng nào đối với Washington, mặt khác những rủi ro trước mắt là vô cùng lớn.

Hãng tin RT dẫn lời một số chuyên gia nhận định, quyết định của Tổng thống Trump chưa gây ra những hậu quả về mặt pháp lý đối với Washington nhưng có thể khiến nước này bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế.

Cao nguyên Golan đã bị Israel chiếm đóng từ năm 1967 sau cuộc chiến tranh 6 ngày với Syria. Tel Aviv cũng sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ năm 1981, song không được cộng đồng quốc tế công nhận. Do đó, quyết định của Tổng thống Donald Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ nhiều tổ chức và quốc gia, trong đó có Liên Hợp Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một số chuyên gia, nhiều khả năng phản ứng của cộng đồng quốc tế chỉ dừng lại ở lời nói, bởi Mỹ là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, động thái được cho là vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc chắc chắn sẽ khiến Mỹ rời xa cộng đồng quốc tế, bà Huwaida Arraf - luật sư dân sự và nhân quyền của Phong trào Đoàn kết Quốc tế do Palestine đứng đầu nhấn mạnh.

Bà Huwaida Arraf cũng hối thúc cộng đồng quốc tế phản đối việc công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, chứng minh “Mỹ với chính sách cực đoan, đang vi phạm luật pháp quốc tế và trật tự quốc tế”. Trong khi đó, ông Kamal Hawwash, thành viên của Chiến dịch đoàn kết Palestine cũng cáo buộc Mỹ đang “lạm dụng quyền phủ quyết của nước này tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để dung túng cho Israel”.

DW trích dẫn bình luận của ông Hussein Ibish, một học giả tại Học viện các nước Vùng Vịnh ở Washington cho rằng, nguyên tắc cơ bản của hệ thống quốc tế hậu Thế chiến 2 là không chấp nhận việc giành lãnh thổ bằng chiến tranh.

“Nhưng nguyên tắc này dường như đã biến mất. Bên cạnh đó, tính ràng buộc của các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có những nghị quyết do Mỹ soạn thảo và bỏ phiếu trước kia có lẽ cũng sẽ bị mất dần. Điều này đang tạo ra mối nguy hiểm vô cùng lớn. Bằng cách công nhận và hợp pháp hóa chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan, Mỹ gần như đang tạo điều kiện giúp các quốc gia hiếu chiến giành lấy những gì họ muốn. Theo logic này, họ chỉ cần nằm giữ phần lãnh thổ chiếm đóng đủ lâu để gọi nó là “thực thể” và yêu cầu các quốc gia khác “công nhận thực thể đó” để hợp pháp hóa việc chiếm đóng của họ”.

Thổi bùng ngọn lửa xung đột tại Trung Đông

Ngay sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định nêu trên, Syria đã cáo buộc đây là hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ của nước này. RT dẫn lời nhà phân tích Trung Đông Ceng Sagnic nêu rõ, mặc dù động thái của Mỹ được xem là vi phạm luật lệ quốc tế nhưng việc Syria trở thành nạn nhân có thể khiến nhiều quốc gia lâu nay vốn “không ưa” chính quyền Tổng thống Al Assad không lên tiếng phản đối. “Bất cứ hành động nào phản ứng quyết định của Mỹ đều có thể bị hiểu là để ủng hộ chính phủ Syria. Bởi vậy, đây là thời điểm tốt nhất để Mỹ và Israel tiến tới hợp pháp hóa sự hiện diện của Israel trên cao nguyên Golan”. Song Syria chắc chắn sẽ không chịu “khoanh tay đứng nhìn”.

Theo nhà phân tích Kamal Hawwash, chính phủ Syria và người dân nước này sẽ tìm mọi cách để giành lại phần lãnh thổ bị chiếm đóng. “Người dân Syria, những con người luôn cho rằng Cao nguyên Golan là một phần của đất nước họ, giờ đây sẽ có quyền nói: Chúng tôi không công nhận quyết định của Mỹ và chúng tôi sẽ tìm cách lấy lại đất đai của chúng tôi”.

Trong khi đó, chuyên gia Huwaida Arraf cũng bác bỏ quan điểm của Israel cho rằng quyết định của Mỹ sẽ khiến Cao nguyên Golan trở nên an toàn hơn. Bà lập luận rằng, mục tiêu lớn nhất của Israel không phải là bảo đảm an ninh cho khu vực này mà là muốn giành giật vùng lãnh thổ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.

“Đây không phải vì lý do an ninh như Israel đưa ra, bởi vì Syria chưa từng tiến hành bất cứ cuộc tấn công nào đối với Israel kể từ năm 1973, nhưng Tel Aviv thì nhiều lần tấn công vào các nước láng giềng. Israel muốn giành được cao nguyên Golan bởi nguồn tài nguyên phong phú, phù hợp với chính sách mở rộng lãnh thổ của nước này”.

Một số học giả Thổ Nhĩ Kỳ đã lý giải sâu hơn về nguy cơ động thái của Tổng thống Trump có thể làm tổn hại sự ổn định tại khu vực Trung Đông. Sputnik dẫn nhận định của Faruk Logoglu, cựu thứ trưởng ngoại giao và cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ khẳng định, ông Trump đã tiến gần hơn một bước dẫn tới xung đột ở Trung Đông khi công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan.

“Tuyên bố của Tổng thống Trump mâu thuẫn với Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, quan trọng hơn là đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong đó kêu gọi không vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia thông qua chiếm đóng”. Ông cho biết thêm: “Một khi Syria khôi phục được sức mạnh, quốc gia này sẽ đưa ra phản ứng mạnh mẽ đối với Israel. Trong trường hợp Syria thực thi hành động thì Iran và một số quốc gia Arab sẽ ủng hộ Damascus. Điều này đồng nghĩa với việc ông Trump đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa âm ỉ của một cuộc xung đột mới tiềm ẩn tại Trung Đông”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại