Đích ngắm thực sự sau lệnh trừng phạt Triều Tiên sau thượng đỉnh tại Hà Nội của Mỹ

Minh Khôi |

Một quan chức cấp cao thuộc chính quyền Tổng thống Trump cho biết, quyết định này không được xem như là tín hiệu Mỹ đang gia tăng áp lực kinh tế lên Triều Tiên.

Chính quyền Tổng thống Trump hôm thứ Năm (21/3) đã đưa ra lệnh trừng phạt vào Triều Tiên lần đầu tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội hồi tháng trước. Quyết định này được đưa ra sau khi 2 công ty vận tải biển Trung Quốc đã giúp Bình Nhưỡng xi phạm các lệnh trừng phạt do Mỹ và Liên Hợp Quốc quy định.

Một quan chức cấp cao thuộc chính quyền Tổng thống Trump cho hãng tin CNN biết, quyết định này không được xem như là dấu hiệu Mỹ đang gia tăng áp lực kinh tế lên Triều Tiên, mà là một phần của nỗ lực để đảm bảo rằng các thực thể và các quốc gia không lơ là lệnh trừng phạt.

"Điều này thực sự có nghĩa là Mỹ cần các thành viên của Liên Hợp Quốc tiếp tục tuân thủ các lệnh trừng phạt", quan chức Mỹ giấu tên nói.

Tại Hà Nội, Triều Tiên muốn phần lớn lệnh trừng phạt được dỡ bỏ nhằm đổi lại một số hoạt động phi hạt nhân hóa.

Với các lệnh trừng phạt mới này, chính quyền Tổng thống Trump muốn nhắc lại rằng họ sẽ không nhượng bộ trước yêu cầu của Triều Tiên. Thay vào đó, nhắc nhở các công ty như các công ty Trung Quốc rằng họ sẽ không thoát khỏi bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào với Bình Nhưỡng.

"Chúng tôi sẽ tìm ra, và họ sẽ gặp nguy", quan chức thuộc chính quyền Trump nói, cảnh báo các công ty khác, cả các công ty vận tải biển và tài chính rằng bất kỳ hành động làm ăn nào với Triều Tiên cũng có thể phải chịu lệnh trừng phạt.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng nhắc lại điều này trên Twitter cá nhân: "Tất cả các nước đều phải lưu ý và xem xét lại các hoạt động của mình để chắc chắn rằng, họ không liên quan đến việc vi phạm lệnh trừng phạt".

Các thành viên Quốc hội Mỹ vẫn ủng hộ việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong những tuần gần đây, lưu ý rằng, việc trừng phạt Bình Nhưỡng đã giảm xuống trong năm ngoái.

Chính quyền Tổng thống Trump đã trừng phạt 182 cá nhân và tổ chức vì vi phạm các lệnh trừng phạt kể từ tháng 3/2017 nhưng mới chỉ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 26 từ tháng 2/2018.

Hiện tại, chính quyền Tổng thống Trump tin rằng các lệnh trừng phạt đang hoạt động, và việc thực thi hiệu quả hơn sẽ phải đến từ các quốc gia có ảnh hưởng, như Trung Quốc.

Mặc dù các quan chức Washington đang tiếp tục đàm phán thương mại với Bắc Kinh, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bolton cũng đề cập trực tiếp đến Trung Quốc khi ông thảo luận về các lệnh trừng phạt mới.

"Trung Quốc thực sự nắm giữ chìa khóa cho vấn đề này nếu họ tạo áp lực lên Triều Tiên đủ mạnh", Bolton nói trong cuộc phỏng vấn với Breitbart hôm thứ Năm. "Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Triều Tiên với hơn 90% hoạt động giao thương. Chúng tôi tiếp tục thúc ép Trung Quốc thực thi tất cả các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên."

Kể từ hội nghị thượng đỉnh Hà Nội gần một tháng trước, không có cuộc họp cấp làm việc nào giữa Mỹ và Triều Tiên được công bố công khai. Trong khi Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng về phía Mỹ, cánh cửa vẫn đang mở. Một quan chức chính quyền Tổng thống Trump cho biết, "khả năng tiếp tục thảo luận với Triều Tiên vẫn đang rộng mở".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại