Phạt 200.000 đồng kẻ ép hôn cô gái ở thang máy: Không nên để dân coi pháp luật như trò đùa!

Hoàng Đan |

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc phạt 200.000 đồng đối với kẻ ép hôn cô gái trong thang máy ở Hà Nội đã khiến dư luận, nhân dân không đồng tình và cần xem xét lại.

Vụ việc kẻ ép hôn cô gái trong tháng máy Đỗ Mạnh Hùng (SN 1982, quê ở An Lão, Hải Phòng) chỉ phải chịu mức xử phạt 200.000 đồng từ cơ quan chức năng đang là chủ đề tranh cãi gay gắt của dư luận.

Trao đổi với PV, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của UB TVQH cho rằng, việc xử phạt 200.000 đồng đối với kẻ quấy rối, sàm sỡ nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội khó "định lượng được nhẹ hay không nhẹ", bởi việc này còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, việc phạt này đã khiến "dư luận, nhân dân không đồng tình", do vậy, các cơ quan chức năng cần phải rà soát lại tất cả các quy định để xem xét về cách áp dụng đối với các hành vi cụ thể.

"Trong trường hợp này, dựa trên bối cảnh, không gian, cần xem xét tính chất nghiêm trọng của hành vi để áp dụng quy định pháp luật nhằm đảm bảo cho có lý, có tình. Còn áp dụng quy định xử phạt mà để người dân coi pháp luật như một thứ trò đùa thì không nên", ông Nhưỡng nêu.

Phạt 200.000 đồng kẻ ép hôn cô gái ở thang máy: Không nên để dân coi pháp luật như trò đùa! - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ clip/

Vị Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần xem xét lại và nếu quy định không còn phù hợp, không mang đủ tính răn đe phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, với hành vi của kẻ biến thái với cô gái trong thang máy nhưng chỉ bị phạt 200.000 đồng là "không tương xứng".

"Hành vi thô thiển như vậy nhưng chỉ phạt 200.000 đồng là không thể chấp nhận được nên phải xem xét lại", ông Xuyền nói.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) nhìn nhận, nếu gọi hành vi của gã đàn ông biến thái trong thang máy (xông vào ôm hôn, sờ soạng vào người cô gái) là "cưỡng hôn" có thể chưa thấy hết được tính chất nguy hiểm, bản chất của hành vi này.

Theo luật sư Cường, đây chính là hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, có thể phát sinh những hành vi nguy hiểm cho xã hội khác.

Tuy nhiên, hiện pháp luật Việt Nam đang còn khoảng trống pháp lý về chế tài xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục.

Cụ thể, theo quy định pháp luật hiện nay, vẫn chưa có chế tài riêng để xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục mà những hành vi quấy rối tình dục được xử lý chung chung với những hành vi như dùng lời nói, cử chỉ khiêu khích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác...

Tất cả những hành vi này đều bị xử phạt vi phạm hành chính với mức xử phạt như nhau là từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng

"Mức xử phạt như vậy không tránh khỏi sự bức xúc trong dư luận và ấm ức đối với người bị hại. Hành vi này phải xử lý ở chế tài cao hơn, xử phạt hành chính như vậy là không đủ sức răn đe", luật sư Cường nêu.

Nam luật sư nhận định, trong vụ việc trên nếu kết quả xác minh cho thấy hành vi ôm hôn, sờ soạng của gã đàn ông biến thái đó phát tán rộng rãi, nhiều người biết khiến nạn nhân bị sang chấn tâm lý, cảm thấy nhục nhã, xấu hổ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tâm lý có thể xem xét xử lý đối tượng này về hành vi làm nhục người khác.

Cụ thể, hành vi này được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, để buộc tội được thì cơ quan điều tra cần thu thập chứng cứ chứng minh nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại