Hội nghị tái thiết Syria: EU “không mặn mà” rót tiền vào Syia

Phạm Hà |

Liên minh châu Âu khẳng định sẽ không tài trợ cho việc tái thiết trừ khi một tiến trình chính trị được bắt đầu tại Syria.

Hội nghị tái thiết cho Syria hôm nay (14/3) bước vào ngày họp cuối cùng tại Brussels, Bỉ. Với chủ đề “Hỗ trợ cho tương lai của Syria và khu vực”, một trong những mục tiêu chính tại Hội nghị lần này là huy động nhiều hơn nữa sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế để ủng hộ người dân Syria.

Trong một điều kiện đưa ra tại Hội nghị, Liên minh châu Âu - nhà tài trợ lớn nhất cho Syria thời gian qua khẳng định, liên minh này sẽ không tài trợ cho việc tái thiết trừ khi một tiến trình chính trị được bắt đầu tại Syria.

Hội nghị quốc tế tại Brussels trong nỗ lực tìm kiếm gần 9 tỉ USD giúp người tị nạn Syria. Liên Hợp Quốc ước tính 5,5 tỉ USD là cần thiết để giúp đỡ 5,6 triệu người Syria buộc phải đi sơ tán sang các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq và Ai Cập. 3,3 tỷ USD để trợ giúp người dân Syria đang sinh sống ở trong nước.

Hai ngày sau các cuộc đối thoại với những tổ chức nhân đạo, Ngoại trưởng và quan chức cấp cao EU và Liên Hợp Quốc hôm nay (14/3) có cuộc họp cuối để lắng nghe những cam kết tài chính. Liên minh châu Âu hiện là nhà tài trợ hàng đầu cho Syria và khu vực, với việc huy động khoảng 19 tỉ USD viện trợ kể từ năm 2011.

Tuy nhiên trong một buổi họp báo bên lề Hội nghị hôm qua (13/3), Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đưa ra điều kiện để hỗ trợ cho Syria. Theo đó, cần gắn việc hỗ trợ tái thiết Syria với việc xúc tiến một tiến trình chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

“Những nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm hỗ trợ người dân Syria chỉ được nâng cấp khi quá trình chính trị bắt đầu. Đây sẽ là một động lực mạnh mẽ để các bên tại Syria tham gia nghiêm túc và xây dựng vào tiến trình, chấm dứt cuộc xung đột thông qua một giải pháp chính trị, dưới sự dẫn dắt của Liên Hợp Quốc. Nếu điều này được thực hiện, Liên minh châu Âu sẽ vui mừng hỗ trợ người dân Syria không chỉ là khía cạnh nhân đạo mà còn là tiến trình tái thiết”, bà Federica Mogherini nói.

Luôn tuyên bố sự hỗ trợ cho Syria là “phi chính trị” và với điều kiện mà EU đưa ra có thể là một động lực để thúc đẩy các bên tại Syria tham gia vào một tiến trình chính trị nhằm chấm dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên giới quan sát cũng nhận định, với điều kiện đặt ra của EU cho thấy một thực tế rằng các nhà tài trợ chính cho Syria, trong đó có EU, đang phải đối mặt với thách thức gia tăng liên quan đến khía cạnh hỗ trợ nhân đạo và mục tiêu chính trị dài hạn của họ.

Với diễn biến hiện nay tại Syria, các nước này phải chấp nhận một thực tế rằng Tổng thống Syria Al Assad sẽ không sớm rời bỏ quyền lực.

Do đó, EU phải áp dụng chính sách bác bỏ mọi cơ hội để có thể giúp Tổng thống Assad củng cố vị thế trong nước: trong đó có việc duy trì trừng phạt, từ chối hỗ trợ tái thiết và từ chối quyền lực hợp pháp hóa bất kỳ cam kết chính trị nào.

Những nước này hi vọng, với sức ép kinh tế và chính trị trong nước có thể thực sự buộc chính phủ Syria phải chấp nhận các cải cách chính trị, bao gồm một cuộc bầu cử Tổng thống trong tương lai gần.

Một số tổ chức phi chính phủ đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích lập trường của EU, cho rằng đây có thể trở thành một trở ngại lớn đối với các nỗ lực viện trợ thực sự. Người sáng lập và Giám đốc Quỹ hỗ trợ và phát triển Rouba Mhaissen cho rằng, các bên cần phải chịu trách nhiệm cho lập trường của mình trên cả khía cạnh đạo đức.

“Chúng ta cần phải cải thiện cuộc sống của những người Syria tị nạn tại các nước láng giềng như Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan. Cuộc chiến vẫn chưa qua đi. Mọi người đang sống trong điều kiện khắc nghiệt. Do đó, EU cần phải chịu trách nhiệm cho lập trường của mình rằng, nếu chiến tranh chưa qua đi và không có một giải pháp chính trị, chúng ta cũng cần phải tiếp tục đóng góp vào tiến trình hòa bình không bền vững tại Syria”, bà Rouba Mhaissen nói.

Chủ tịch Tổ chức Hãy cứu lấy trẻ em tại Jordan Rania Malki thì cho rằng, không tính đến lợi ích chính trị, hãy cứu lấy số phận của những trẻ em Syria đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại