Khoản tài sản ngầm khổng lồ chưa phân định trong cuộc ly hôn của ông chủ cà phê Trung Nguyên

Quốc Chiến |

Như ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói, số tài sản được đưa vào hồ sơ phân chia trong vụ án ly hôn chỉ là "bề nổi, không phải bề chìm". Con số tài sản của hai vợ chồng trên mặt pháp lý lên tới 8.400 tỷ đồng.

Ngày 21/2, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (47 tuổi). Trong phiên xử lần này, lần đầu tiên khối tài sản khổng lồ của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên bắt đầu lộ diện khi tòa án trưng cầu giám định.

Đối với tranh chấp phân chia tài sản trong hôn nhân, luật sư của ông Vũ có những trình bày chi tiết và đưa ra những yêu cầu cho từng loại tài sản. Đối với phần 13 tài sản chung, luật sư bị đơn cho rằng, ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản (trị giá khoảng 350 tỷ đồng), bà Thảo nắm giữ 7 bất động sản (trị giá khoảng 375 tỷ đồng). Phía bị đơn đưa ra phương án chia đôi số tài sản này.

Đối với khoản tiền mặt, ngoại tệ và vàng trong các ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietcombank (hơn 2000 tỷ đồng), luật sư của ông Vũ đề nghị chia theo tỷ lệ 7/3. Trong đó ông Vũ nhận 70%, phần tài sản còn lại thuộc về bà Thảo. Luật sư của bị đơn cũng đề nghị phân chia tỉ lệ trên đối với cổ phần, phần góp vốn của 2 vợ chồng trong 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên theo tỷ lệ trên. Tuy nhiên, phía bà Thảo cho rằng tỷ lệ phân chia này không hợp lý, yêu cầu phân chia tài sản theo mức tỷ lệ 5/5.

Khoản tài sản ngầm khổng lồ chưa phân định trong cuộc ly hôn của ông chủ cà phê Trung Nguyên - Ảnh 1.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng tài sản được đưa ra phân chia trong vụ án ly hôn chỉ là "bề nổi".

Cũng tại phiên xử, ông Vũ cho rằng số tài sản được đưa vào hồ sơ để phân chia trong vụ án ly hôn chỉ là "bề nổi". "Ở đây không có ai vì tiền. Không ai đụng đến tiền. 20 năm nay, số tiền nó lớn lắm. Các ngân hàng chỉ ra trong đây chỉ là bề nổi mà thôi, không phải là bề chìm. Bao nhiêu năm nay tôi không còn quan tâm đến chuyện tiền bạc", ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên thừa nhận tại tòa.

Được biết, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh cà phê, chuỗi cửa hàng cà phê, nhượng quyền thương hiệu và du lịch. Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng chi phối hầu hết công ty trong tập đoàn.

Cụ thể, các công ty chính trong hệ thống cà phê bao gồm Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên Đắk Lắk do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là đại diện pháp luật (Trung Nguyên Group chiếm 70%, ông Vũ 15%, bà Thảo 15%). Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên do ông Vũ đại diện pháp luật, có cơ cấu cổ đông gồm Trung Nguyên Group chiếm 60%, bà Diệp Thảo 30% và 2 cổ đông khác 10%.

Hệ thống doanh nghiệp khác gồm Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchise (Trung Nguyên Group 85%, ông Vũ chiếm 15% cổ phần). Công ty này có vai trò quản lý hoạt động nhượng quyền chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên với hơn 50 cửa hàng tại 7 tỉnh thành trên cà nước và 1 cửa hàng tại Singapore.

Bên cạnh mặt hàng truyền thống là cà phê, Trung Nguyên còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực du lịch như Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê (Trung Nguyên Group chiếm 70%, ông Vũ 15%, bà Diệp Thảo 15%). Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (ông Vũ chiếm 60%, bà Diệp Thảo 30%, 2 cổ đông khác 10%) và Công ty thương mại và dịch vụ G7.

Khoản tài sản ngầm khổng lồ chưa phân định trong cuộc ly hôn của ông chủ cà phê Trung Nguyên - Ảnh 2.

Cơ cấu cổ phần khối 7 công ty chính của hệ thống Tập đoàn cà phê Trung Nguyên.

Dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu thì số cổ phần trên có trị giá 5.654 tỷ đồng. Ngoài ra Tập đoàn Trung Nguyên còn có hệ thống nhà máy tại TP HCM, Bình Dương, Buôn Ma Thuột và Bắc Giang và dự án bất động sản có giá trị đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng. Như vậy theo số liệu phía ông Vũ đưa ra thì tổng cộng số tài sản chung bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản có tổng trị giá gần 8.400 tỷ đồng.

Ông Vũ được biết đến như là một doanh nhân thích sưu tầm xe hơi và ông đã sở hữu hàng loạt siêu xe. Trong đó, có thể kể tới những chiếc xe như: Mercedes-AMG SLS Coupe, 2 chiếc SUV siêu sang, siêu nhanh Bentley Bentayga, 2 chiếc Rolls-Royce Ghost, 3 chiếc Range Rover SVAutobiography, Porsche Boxster, Lexus LX570, 2 chiếc Mercedes-Benz G-Class.

Luật sư của bà Thảo đưa ra nhiều tài liệu thể hiện Tập đoàn Trung Nguyên chịu nhiều tổn thất, trong đó có việc chi nhiều tiền để mua nhiều xe hơi. Ông Vũ cho rằng, tiền mua siêu xe nhằm quảng bá thương hiệu còn giá trị tài sản vẫn còn đó chứ không mất đi.

Ông cũng nói nhiều về triết lý kinh doanh và khẳng định Trung Nguyên đã có 20 năm phát triển và đây là giai đoạn đầu tư thương hiệu chứ không phải giai đoạn khai thác.

Trước đó, trong đơn khởi kiện, bà Thảo cho rằng vốn điều lệ của Tập đoàn Trung Nguyên hiện là 2.500 tỷ đồng. Tài sản chung của vợ chồng chiếm khoảng 30%. Trong đó, ông Vũ đứng tên số cổ phần trị giá 500 tỷ đồng (chiếm 20% vốn điều lệ), bà sở hữu cổ phần trị giá 250 tỷ đồng (chiếm 10%). Bà đề nghị được chia đôi - tương đương 375 tỷ đồng (15%).

Trong đơn khởi kiện bổ sung sau đó, bà Thảo yêu cầu phân chia tài sản chung khác với giá trị khoảng 52,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị tài sản chung bà Thảo yêu cầu phân chia là khoảng 802 tỷ và chia đôi bằng cổ phần sở hữu tại Công ty Trung Nguyên và G7.

Hồi 14/1, trong phiên hòa giải cuối cùng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã đề xuất phương án phân chia tài sản. Theo đó, bà đề nghị tổng khối tài sản chung của 2 vợ chồng sẽ được chia thành 2 nhóm, gồm Trung Nguyên và G7. Quyền lựa chọn đầu tiên sẽ thuộc về ông Vũ, nghĩa là nếu ông Vũ chọn nhóm tài sản Trung Nguyên thì bà Thảo sẽ nhận nhóm tài sản G7 hoặc ngược lại.

Vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên được tòa thành phố thụ lý từ tháng 11/2015. Gần 2 năm sau, vào tháng 8/2017, cơ quan tư pháp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bảo vệ khối tài sản của ông Vũ và bà Thảo.

Sáng 14/9/2018, TAND TP HCM tiếp tục tổ chức hòa giải để làm rõ việc thẩm định giá của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và tranh chấp xoay quanh vấn đề con cái. Tuy nhiên, bà Thảo lại không đến tòa nên những vấn đề này chưa đi đến thống nhất.

Ngày 22/10/2018, TAND TP HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để thu thập thêm chứng cứ từ các cơn quan chức năng. Ngay sau đó, bà Thảo gửi đơn yêu cầu TAND Cấp cao hủy bỏ quyết định này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại