Nhà sử học Nga: Cố vấn quân sự và tên lửa Liên Xô đã có mặt ở biên giới phía Bắc Việt Nam ngay sau ngày 17/2/1979

Evgheni Vasilyevich Kobelev - Từ Nga |

Nhà sử học Evgheni Vasilyevich Kobelev khẳng định Liên Xô đã hành động hoàn toàn phù hợp với tinh thần và lời văn của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ký với Việt Nam vào năm 1978.

LTS: Nhân kỷ niệm 40 Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của nhà sử học Nga Evgheni Vasilyevich Kobelev - Chuyên viên khoa học chính của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga về sự kiện này.

---

Trong những năm 1970 – 1980, tôi công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, phụ trách quan hệ giữa Liên Xô với Việt Nam, Lào và Campuchia. Do đó, tôi theo dõi rất sát tình hình Việt Nam và quá trình gia tăng những mâu thuẫn có tính xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong thời kỳ Mỹ xâm lược Việt Nam, mặc dù từ chối hành động phối hợp với Liên Xô nhằm ủng hộ Việt Nam, Trung Quốc vẫn đơn phương giúp Việt Nam khá nhiều và duy trì quan hệ bình thường với Việt Nam.

Nhưng sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, quan hệ Việt – Trung bước vào giai đoạn đối đầu, diễn biến này thoạt nhìn có vẻ bất ngờ nhưng thực chất thì hoàn toàn có cơ sở. Hai bên bất đồng trên hai hướng hết sức quan trọng về địa chính trị và địa chiến lược là vấn đề Campuchia và vấn đề liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tại nước láng giềng Campuchia, chế độ Pol Pot – Ieng Sary lên cầm quyền tháng 4/1975 và ngay từ đầu đã thực hiện chính sách diệt chủng đối với chính dân tộc Campuchia. Theo những số liệu khác nhau, những năm dưới chính thể Pol Pot đã có khoảng 2 – 3 triệu người Campuchia bị giết.

Nhà sử học Nga: Cố vấn quân sự và tên lửa Liên Xô đã có mặt ở biên giới phía Bắc Việt Nam ngay sau ngày 17/2/1979 - Ảnh 1.

Phóng viên TASS E. Kobelev (thứ hai từ trái sang) tại Việt Nam đang phỏng vấn người dân Việt Nam (1965). Ảnh: Tư liệu

Chính sách đối ngoại của chính quyền Pol Pot phơi bày thứ chủ nghĩa quốc gia quái đản và bài ngoại. Việt Nam bị chính quyền Pol Pot coi là kẻ thù chính mặc dù Việt Nam đã luôn luôn ủng hộ và giúp đỡ Campuchia trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống thực dân.

Quan hệ xấu đi

Bất chấp rất nhiều nỗ lực của Hà Nội tìm cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, chính sách thù địch của chế độ Pol Pot đối với Việt Nam ngày càng quyết liệt.

Tháng 12/1977, chính quyền Pol Pot tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đến giữa năm 1978 chính quyền Pol Pot đã tập trung 19 sư đoàn bộ binh trong số 23 sư đoàn của nước này áp sát biên giới Việt Nam.

Đương nhiên quan hệ Việt – Trung cũng xấu đi nghiêm trọng vì Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ chế độ Pol Pot về quân sự và chính trị. Cùng với đó, đầu năm 1978 nổi lên vấn đề "nạn kiều" do Trung Quốc gây ra ở Việt Nam.

Việt Nam lúc này bất ngờ rơi vào tình thế chính trị - quân sự rất nguy hiểm, khi ở hai đầu đất nước, phía Tây Nam và phía Bắc, xuất hiện mối đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh quốc phòng.

Trong điều kiện đó, nhằm củng cố sức mạnh chính trị - quân sự của mình, ban lãnh đạo Việt Nam đã quyết định thực hiện hai động thái đối ngoại hết sức quan trọng.

Trước hết, Việt Nam xin gia nhập Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) và vào tháng 6/1978 khóa họp SEV đã nhất trí kết nạp Việt Nam. Như vậy về pháp lý Việt Nam đã chính thứ trở thành thành viên của "cộng đồng xã hội chủ nghĩa".

Một quyết định khác quan trọng hơn, khá bất ngờ cho các nhà quan sát quốc tế và gây khó chịu cho Bắc Kinh.

Đó là vào ngày 3/11/1978, tại Moskva, trong chuyến thăm Liên Xô của đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam đã được ký kết.

Đây là văn kiện hợp tác quy mô lớn như vậy đầu tiên trong lịch sử khá dài của quan hệ Việt – Xô.

Dư luận đặc biệt chú ý điều khoản sau đây của Hiệp ước: "Hai bên sẽ cùng nhau trao đổi ý kiến về tất cả những vấn đề quốc tế quan trọng liên quan lợi ích của hai nước.

Trong trường hợp một bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công, hai bên sẽ ngay lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ nguy cơ đó và thông qua những biện pháp hiệu quả phù hợp để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước".

Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 13/12/1978. Cuối tháng 12/1978, quân đội nhân dân Việt Nam đã "sử dụng quyền tự vệ hợp pháp", phối hợp với các lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc Campuchia phát động những cuộc tấn công quy mô lớn trên lãnh thổ Campuchia, giúp bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ngày 10/1/1979, chế độ Pol Pot tàn ác thất thủ, nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia được thành lập.

Nhà sử học Nga: Cố vấn quân sự và tên lửa Liên Xô đã có mặt ở biên giới phía Bắc Việt Nam ngay sau ngày 17/2/1979 - Ảnh 2.

Ông E. Kobelev (bên phải) trong cuộc hội thảo khoa học quốc tế về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, ASEAN và LB Nga (Hà Nội, 2014). Ảnh: Đăng Phát

Trước diễn biến đó, hòng "dạy cho Việt Nam một bài học" như Đặng Tiểu Bình tuyên bố, ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc mở các cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới với Việt Nam dài 1.460 km.

Sau 35 phút nã pháo dọn đường, quân Trung Quốc tấn công các thành phố và làng mạc ở Bắc Việt Nam. Quân số của lực lượng Trung Quốc tấn công Việt Nam là 600 nghìn người, tức là 7 quân đoàn. Đương đầu với quân Trung Quốc chỉ là một sư đoàn chủ lực và một sư đoàn bộ đội địa phương Việt Nam cùng lực lượng bộ đội biên phòng và dân quân tự vệ.

Một lực lượng đáng kể quân đội Việt Nam lúc đó đang ở Campuchia. Kết quả là đến cuối ngày 19/2/1979, quân Trung Quốc đã đánh chiếm Lào Cai, ngày 2/3 chiếm Cao Bằng, ngày 4/3 chiếm Lạng Sơn chỉ cách Hà Nội 141 km.

Trong tình hình căng thẳng đó, Liên Xô đã hành động hoàn toàn phù hợp với tinh thần và lời văn Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác.

Ngày 18/2/1979, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố đòi "Trung Quốc ngay lập tức rút quân đội ra khỏi lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và khẳng định Liên Xô "sẽ thực hiện những cam kết của mình theo Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam".

Ngay trong ngày 19/2/1979, một nhóm 20 cố vấn quân sự Liên Xô do Đại tướng G.I. Obaturov dẫn đầu bay sang Hà Nội và bắt tay ngay vào việc.

Đại tướng G.I. Obaturov đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn và quan trọng là gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Đại tướng G.I. Obaturov đã thống nhất với ban lãnh đạo Việt Nam khẩn cấp vận chuyển theo đường bộ và đường không bằng máy bay Liên Xô lực lượng quân đội Việt Nam từ Campuchia về Lạng Sơn. Một đơn vị tên lửa BM-21 (tên lửa nhiều bệ phóng) vừa được phiên chế dựa trên viện trợ khẩn cấp của Liên Xô cũng được điều lên Lạng Sơn.

Đại tướng Ghennady Ivanovich Obaturov sinh năm 1915, mất năm 1996 tại Moskva.

Tháng 1/1979 ông được Nhà nước Liên Xô cử sang Việt Nam làm Trưởng Nhóm Cố vấn quân sự tại Bộ Quốc phòng Việt Nam. Ông được phong quân hàm Đại tướng theo Sắc lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô ngày 19/2/1979.

Dai tuong G

Trên cương vị Trưởng Nhóm Cố vấn quân sự, tướng G.I. Obaturov ngay sau khi quân Trung Quốc mở cuộc tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam đã trực tiếp tới vùng chiến sự nắm tình hình.

Ông đã đóng góp ý kiến với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc tiến hành cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.

Sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Đại tướng G.I. Obaturov tiếp tục công tác tại Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam tái trang bị và tổ chức lại lực lượng vũ trang, đồng thời giúp xây dựng quân đội Lào và Campuchia.

Trở về nước, Đại tướng G.I. Obaturov từ tháng 12/1982 làm Giám đốc Học viện quốc phòng mang tên M.V. Frunze, từ tháng 8/1985 là Thanh tra quân sự - Cố vấn của Nhóm Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Liên Xô. Từ tháng 1/1992, ông nghỉ hưu.

Đồng thời, phù hợp điều khoản nói trên của Hiệp ước, Liên Xô đã đặt lực lượng quân đội ở Viễn Đông và Sibiri trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và tập trung 25 sư đoàn cơ giới gồm 250 nghìn người, với sự yểm trợ của không quân, dọc theo tuyến biên giới giáp Mãn Châu Lý. Đó là động thái gây áp lực chính trị không úp mở.

Tất cả những biện pháp quân sự mạnh đó, cùng với sự phản đối của dư luận quốc tế, trong đó có dư luận Liên Xô, đã buộc ban lãnh đạo Trung Quốc phải ra lệnh ngừng tấn công Hà Nội và thực hiện rút quân "có tổ chức và theo kế hoạch" ra khỏi những vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Bắc Việt Nam. Như vậy, việc "dạy cho Việt Nam một bài học" hoàn toàn thất bại./.

Evgheni Vasilyevich Kobelev sinh năm 1938 tại Ulyanovsk. Ông là cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958 – 1960), Tiến sĩ Sử học, nhà Việt Nam học nổi tiếng của Nga.

Ông từng là phóng viên Thông tấn xã Liên Xô TASS tại Hà Nội, phóng viên báo Pravda tại Đông Dương; đã công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nhiều năm là Phó Chủ tịch thứ nhất Trung ương Hội Hữu nghị Nga – Việt.

Kobelev-4

E.V. Kobelev là tác giả nhiều bài báo và sách về Việt Nam và Đông Nam Á cũng như về quan hệ Nga - Việt. Đặc biệt, cuốn "Hồ Chí Minh" trong loạt sách "Cuộc đời những nhân vật kiệt xuất" do Nhà xuất bản "Đội cận vệ trẻ" (Liên Xô) ấn hành năm 1978 và tái bản năm 1983 đã được dịch ra tiếng Việt, tiếng Anh, Lào, Bulgari, Mông Cổ, Kazakhstan.

E.V. Kobelev đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại