Bức ảnh cô bộ đội bế em bé trong chiến tranh biên giới 1979: Ngược dòng lịch sử qua lời nhân chứng

Thanh Tú |

Ở thời điểm bức ảnh được chụp, cô bộ đội 21 tuổi, bé gái chỉ khoảng 2 tuổi, còn người chụp ảnh 44 tuổi.

Vài ngày sau khi quân xâm lược Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc, trong đó có Cao Bằng, nhà báo - nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường (SN 1935) đã "chụp vội" được bức ảnh lịch sử, ghi lại cảnh cô bộ đội bế em bé ở cầu Tài Hồ Sìn (xã Thạch Bằng, huyện Hòa An, Cao Bằng).

Ảnh được ông Thường chụp ngày 24/2/1979, sau đó đăng trên báo Quân đội Nhân dân cuối tháng 2/1979, kèm dòng chú thích: "Mẹ của em bé? Không phải. Mẹ của em bị quân Trung Quốc xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24/2/1979 và đây là cô bộ đội đã cứu em".

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đẹp đẽ của tình quân dân trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, nhưng cũng gây xúc động mạnh khi phơi bày sự chia ly, tàn khốc của chiến tranh.

Thời điểm bức ảnh được chụp, cô bộ đội Bùi Thị Mùi (khu 7 xã Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ) 21 tuổi, bé gái được bế trên tay là Hoàng Thị Thu Hiền (xã Hưng Đạo, An Hòa, Cao Bằng) khoảng 2 tuổi. Còn tác giả bức ảnh - nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường ở tuổi 44.

37 năm sau khi bức ảnh được chụp, vào năm 2016, qua sự kết nối của báo Thanh niên, giữa người chụp và 2 nhân vật trong ảnh đã có cuộc hội ngộ, trong nước mắt, trong niềm xúc động, hạnh phúc. Hơn hết, nhân chứng trong cuộc trùng phùng ấy đã "ngược dòng lịch sử" để kể về cuộc chiến đấu khốc liệt của quân, dân Cao Bằng chống quân xâm lược Trung Quốc.

Bức ảnh cô bộ đội bế em bé trong chiến tranh biên giới 1979: Ngược dòng lịch sử qua lời nhân chứng - Ảnh 1.

Ảnh: Nhà báo Trần Mạnh Thường

Theo ghi chép của báo Thanh niên, sáng 17/2/1979, quân Trung Quốc ào ạt nã pháo sang Cao Bằng, mở đường cho xe tăng và bộ binh tràn sang đánh phá, giết chóc người dân các bản làng dọc biên giới. Khi đó, Hiền được mẹ là bà Hoàng Thị Phiến chở, hòa vào dòng người chạy giặc.

Xe tăng và lính Trung Quốc tràn vào và tấn công ồ ạt, nhiều ngày sau đó, Hiền được mẹ luồn rừng, di chuyển qua nhiều địa điểm như: xóm Nà Sa (Bế Triều, Hòa An); Cao Bình (xã Hưng Đạo, thị xã Cao Bằng); xã Bình Dương...

Tối 21/2/1979, bà Phiến dự định mang con đi tắt qua rừng để tránh các điểm đã bị Trung Quốc chiếm đóng, rồi về khu vực Tài Hồ Sìn thì bị lính Trung Quốc phát hiện xả súng bắn bị thương ở đùi. Hai mẹ con ngã xuống rãnh nước gần ngã ba Bản Tấn.

Một ngày sau đó, Hiền và mẹ được bộ đội ta phát hiện, đưa về. Em bé Hiền được giao cho một cô bộ đội bế - đó chính là bà Mùi.

Trong hồi ức của bà Mùi, mẹ con Hiền bị thương rất nặng, máu đầm đìa khắp người. Bé gái ngất lịm được vị chỉ huy giao cho bà bế.

"6 anh em chúng tôi luồn rừng qua xã Bình Dương (Hòa An), theo đội hình chiến đấu, mỗi người cách nhau 5 mét và không được ho hắng, nói to, bởi phải luồn qua các điểm chốt giữ của lính Trung Quốc", bà Mùi nhớ về thời khắc bế bé Hiền, cùng nhóm đưa bà Phiền về phía sau cầu Tài Hồ Sìn.

Trong ký ức của bà, cuộc chiến đấu chống lại quân Trung Quốc tấn công Cao Bằng rất khốc liệt và dai dẳng, tình hình hỗn loạn, vô cùng nguy hiểm. Cả sư đoàn bộ bị bao vây, đơn vị hy sinh tiểu đoàn phó, quân nhu, y tá, lái xe... Sư đoàn trưởng phải ra lệnh cho các đơn vị tùy nghi rút lui để bảo toàn lực lượng.

Tác giả của bức ảnh lịch sử - ông Trần Mạnh Thường nhớ lại, ông gặp cô bộ đội bế em bé sáng 24/2/1979, đi cùng với tốp bộ đội đưa người phụ nữ bị thương nặng do quân Trung Quốc bắn lên xe.

"Với bản năng nghề nghiệp của một phóng viên, tôi chỉ kịp gọi đồng chí ơi, cho tôi chụp tấm hình, rồi vội vàng bấm máy mà không kịp hỏi tên. Tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ được gặp lại hai người trong bức ảnh này", VnExpress ghi lại lời ông Thường.

Cũng theo ông Thường, sở dĩ trong dòng chú thích bức ảnh khi đăng báo viết "Mẹ của em bị quân Trung Quốc xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24/2/1979", là vì ông tưởng người mẹ của em bé đã chết.

"Tôi thì lúc bấy giờ thương em bé nhiều, nhưng phục cô bộ đội, tại sao cô bộ đội trên đường hành quân ra trận mà lại nhảy xuống để bế. Hành động đó làm tôi rất cảm xúc. Khoảnh khắc này để nói lên tính nhân đạo, tính con người, đặc biệt là người phụ nữ đối với em bé, coi như con mình", ông Thường từng bày tỏ trên VTC1.

Trong số ảnh chụp trong chiến tranh biên giới phía Bắc, về khía cạnh con người, có 3 bức ảnh ông Trần Mạnh Thường rất quan tâm, đó là ảnh 2 em bé cõng nhau chạy loạn; hai bố con đang đắp mộ cho vợ và bà mẹ; cô bộ đội bế em bé.

Đặc biệt nhất với ông là bức ảnh cô bộ đội bế em bé, vậy nên ông đã đem đăng ngay ở báo chỉ vài ngày sau khi bấm máy chụp.

Bức ảnh cô bộ đội bế em bé trong chiến tranh biên giới 1979: Ngược dòng lịch sử qua lời nhân chứng - Ảnh 3.
Bức ảnh cô bộ đội bế em bé trong chiến tranh biên giới 1979: Ngược dòng lịch sử qua lời nhân chứng - Ảnh 4.

Khoảnh khắc hội ngộ xúc động giữa “cô bộ đội” Mùi và “em bé” Hiền được ghi lại vào năm 2016. Ảnh: VTC News

Bà Bùi Thị Mùi xuất ngũ về quê tháng 12/1979, lập gia đình với ông Nguyễn Thanh Long (SN 1954, người xã Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ) năm 1981, nhưng hai vợ chồng không có con. Tháng 3/2015, trong lúc vào rừng lấy củi bà bị cây đổ đè trúng, đa chấn thương, sau đó nằm liệt ở nhà, mọi sinh hoạt cá nhân đều do ông Long lo.

Năm 2016, sau 37 năm bấm máy bức ảnh, nhà báo Trần Mạnh Thường, "cô bộ đội" Bùi Thị Mùi và "em bé" Hoàng Thị Thu Hiền hội ngộ. Chị Hiền lúc này 40 tuổi, là cán bộ của UBND xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, Cao Bằng.

Bà Mùi và chị Hiền nhận nhau là mẹ con. Khoảng cách xa xôi khi ngườ ở Cao Bằng, người ở Phú Thọ nên chị Hiền thường xuyên gọi điện về cho mẹ Mùi để nói chuyện, thăm hỏi.

Với bà Mùi, những lời hỏi han, cuộc điện thoại của con như liều thuốc bổ giúp bà vui vẻ hơn. "Có lẽ ít ai hiểu được cảm xúc của người từng tuyệt vọng khi không được làm mẹ rồi lại hồi sinh khi có con gái, lại là cô bé năm xưa mình từng bế. Tôi cũng may mắn khi chọn đúng người bạn đời, không còn đòi hỏi gì thêm", bà nói.

(Theo Thanh niên/VnExpress)

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại