Lạc vào miền cổ tích Ba Tư

Đức Hạnh |

Bước ra từ câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm” về nàng Sheherazade, đất nước Iran chứa đựng trong mình những lấp lánh kéo dài hàng trăm năm qua các công trình kiến trúc, những nét lịch sử độc đáo của xứ sở Ba Tư huyền thoại.

Suốt 140 năm qua, những ai từng có dịp ghé thăm Nhà thờ Hồi giáo Nasir-ol-molk đều phải thừa nhận rằng đây là Nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất thế giới. Bởi lẽ, ngay từ khi bước vào thánh đường này, bạn sẽ được xem màn trình diễn “vũ điệu sắc màu” vô cùng rực rỡ của ánh sáng và màu sắc trên kiến trúc của nó.

Lạc vào miền cổ tích Ba Tư - Ảnh 1.

Kiến trúc nhà vườn tại Kashan.

Nasir-ol-molk nằm ở Shiraz, cố đô của triều đại Ba Tư nghìn năm trước. Người Iran tự hào gọi Shiraz là thành phố của rượu và hoa; là biểu trưng của âm nhạc và thi ca với các công trình nghệ thuật như vườn hoa xanh đẹp tuyệt mỹ Eram Garden, lăng mộ cẩm thạch của đại thi hào Hafez và Saadi...

Thánh đường Nasir-ol-molk được xây dựng từ năm 1876 và hoàn thành vào năm 1888 theo lệnh của Mirza Hasan Ali Nasir al Molk, một lãnh chúa của triều đại Qajar với những mái vòm cao lồng lộng được điêu khắc tỉ mỉ, chạm trổ tinh tế đến từng chi tiết.

Theo kinh nghiệm của nhiều người, khoảnh khắc đẹp nhất ở đây thường vào lúc 7 - 9 giờ sáng, khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua những ô cửa kính rồi chiếu xuống cả hành lang và trên những tấm thảm Ba Tư tạo nên cảnh tượng mê hoặc lòng người.

Cách Shiraz hơn 70km về phía Đông Bắc là phế tích nghìn năm tuổi ở kinh đô nghi lễ cổ Persepolis. Sách sử Iran chép lại những chương huy hoàng về thời đại Achaemenes trên mảnh đất này từ thế kỷ VI trước Công nguyên.

Dấu thời gian vẫn còn khắc trên những cột đá cao trước Cổng chào Vạn quốc (Gate of All Nations). Khi đế quốc Ba Tư suy vong và bị chinh phạt bởi Alexandros đại đế - vua xứ Macedonia, người Hy Lạp đã đốt trụi hoàn toàn Persepolis.

Đâu đó trong khu phế tích rộng lớn này vẫn còn vết tích cung điện đền đài cùng tượng nhân sư Lamassu hay điểu sư Griffin; những bức phù điêu trên tường đá kể câu chuyện các sứ thần đem sản vật đến cống nạp thời Achaemenes còn thịnh trị.

Cách thủ đô Tehran của Iran 270km về phía Nam là thành phố cổ Kashan, thành phố có niên đại lâu đời trên thế giới với lịch sử hình thành từ thời kỳ đồ đá muộn (khoảng năm 7.000 trước Công nguyên).

Những hiện vật được khảo cổ cũng như kiến trúc của rất nhiều tòa nhà có niên đại lên đến 9.000 năm vẫn được tìm thấy trong thành phố.

Kashan được coi là một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất của Iran giữa thế kỷ thứ 12 và 14. Tuy có nhiều biến cố, thăng trầm và bị tàn phá do động đất vào cuối thế kỷ 18, nhưng cho đến nay, Kashan vẫn được biết đến như một cái nôi tinh hoa của đất nước Iran.

Người ta đến Kashan để chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Ba Tư truyền thống, để ngắm nhìn những tấm thảm Ba Tư và đắm mình trong mùi thơm ngát của loại hoa hồng đặc biệt, loại hoa hồng nhỏ xíu được đặt tên là Mohammadi

(hàng năm, nước hoa hồng này được gửi sang Arab Saudia phục vụ cho việc thanh tẩy Mecca - thánh địa của các tín đồ Islam trên toàn thế giới).

Kiến trúc truyền thống của Iran còn được lưu giữ tại các ngôi nhà cổ rất nổi tiếng của Kashan như: Khane Tabatabai, Khane Amiri, Khane Abbasi... Những ngôi nhà giống như những tòa lâu đài với kiến trúc nhà vườn đặc trưng, sử dụng các kỹ thuật trang trí truyền thống của Iran như nghệ thuật ghép mảnh gương, đắp thạch cao, ghép sứ…

Và còn nhiều nữa những đền đài, những tòa tháp, những cây cầu, những khu vườn tại Isfasan, Tehran, Masouleh… đủ khiến cho Ba Tư xưa hay Iran ngày nay luôn lọt vào danh sách những điểm đến lý tưởng, đáng mơ ước cho những người muốn được một lần đắm chìm trong những câu chuyện vàng son về xứ Tây Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại