Quản lý cũ Hiền Thục: "Tình huống xấu nhất là tôi bán 2 căn nhà và tôi chấp nhận"

NGUYÊN HƯƠNG |

"Tình huống xấu nhất, tôi sẽ bán 2 căn nhà và tôi chấp nhận. Cuộc đời tôi không nợ ai bao giờ, dù chỉ 1.000 đồng", quản lý cũ của Hiền Thục - Trịnh Tú Trung nói.

Trong khi rất nhiều đồng nghiệp vì làm phim mà mất nhà mất xe, thậm chí mất trắng vài chục tỉ thì Trịnh Tú Trung lại chọn dấn thân vào con đường này chỉ vì hai chữ "yêu thích".

Trịnh Tú Trung hiện là nhà sản xuất chính của dự án web drama "Phượng Khấu" đang gây tranh cãi những ngày qua. Dự án này được quảng bá là bộ phim sát sử, sát văn hóa Việt dựa trên những nhân vật và câu chuyện lịch sử có thật ở triều Nguyễn về đề tài cung đấu.

Mặc dù ê-kíp mới chỉ tung những hình ảnh đầu tiên về tạo hình nhân vật nhưng đã vấp phải luồng ý kiến cho rằng, cách trang điểm của nhân vật vừa giống Hàn Quốc vừa lai Nhật Bản.

Xung quanh câu chuyện này, Trịnh Tú Trung đã dành cho phóng viên một cuộc phỏng vấn thẳng thắn và không né tránh những vấn đề nhạy cảm.

Quản lý cũ Hiền Thục: Tình huống xấu nhất là tôi bán 2 căn nhà và tôi chấp nhận - Ảnh 1.

Dù không thuộc top sao hot trong showbiz Việt như Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang... nhưng Trịnh Tú Trung là người rất đắt show ở vai trò giám khảo. Anh nổi tiếng từ chương trình Quý cô hoàn hảo với lập luận đanh thép về quan hệ mẹ chồng nàng dâu.

Sẽ không đi vào vết xe đổ của "Bí mật trường sanh cung"

Một bộ phim làm về đề tài lịch sử, muốn làm đúng hình ảnh, phục trang chắc chắn sẽ tốn nhiều tiền của. Với vai trò là nhà sản xuất chính, Trịnh Tú Trung đầu tư bao nhiêu cho dự án này?

Phim dự kiến 35 tập, mỗi tập 350 triệu, gấp đôi thậm chí gấp ba chi phí sản xuất một bộ phim truyền hình hiện nay. Nhẩm sơ sơ thì dự án này khoảng 10 tỉ đồng.

Chúng tôi may mắn được sự ủng hộ của nhiều người, đặc biệt là những diễn viên gạo cội như chị Hồng Vân, anh Thành Lộc, anh Quang Minh, chị Hồng Đào và rất nhiều diễn viên trẻ khác. Diễn viên làm trên tinh thần ủng hộ. Ngay cả đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cũng không lấy lương thì mới có mức chi đó, nếu không chi phí sẽ đội lên rất nhiều.

Phim chưa chính thức bấm máy nhưng tạo hình của nhân vật vừa tung ra đã nhận những ý kiến trái chiều, vừa giống Nhật vừa giống Hàn. Trịnh Tú Trung có lý giải gì không?

Đó chưa phải là tạo hình chính thức, mới chỉ là bộ hình đi kèm để quảng bá hành lang cho phim. Nhưng nếu nói tạo hình sai lịch sử thì cũng không phải.

Chúng tôi có những nghệ nhân, chuyên gia về lịch sử tư vấn. Từ nghệ nhân chuyên nghiên cứu về mũ mão đến nghệ nhân nghiên cứu về lễ nghi trong triều đình nhà Nguyễn để biết quy định hậu cung: ăn ở, đi đứng, nói năng của phi tần thời xưa.

Riêng về hóa trang, theo ghi chép của cung nữ cuối cùng, bà Nguyễn Thị Dinh - người chuyên trang điểm cho các phi tần hoàng hậu thời Nguyễn, phi tần không được lộ mặt thật cho người khác thấy, ngoài chồng mình là vua nên mỗi lần đi dự lễ hội đều phải làm mặt như nhau.

Quản lý cũ Hiền Thục: Tình huống xấu nhất là tôi bán 2 căn nhà và tôi chấp nhận - Ảnh 2.

Tạo hình nhân vật trong Phượng Khấu gây tranh cãi.

Nói về web drama, mới đây có bộ phim cũng về đề tài cung đấu "Bí mật trường sanh cung". Phim vừa ra mắt đã bị chê là bản sao của Diên hy công lược. Trịnh Tú Trung đánh giá thế nào từ góc độ là nhà sản xuất cũng làm về đề tài cung đấu và lịch sử thuần Việt?

Tôi thấy Bí mật trường sanh cung rất giống phim Trung Quốc. Từ tình huống, câu chuyện, cách xử lý, phục trang đều na ná Diên Hy công lược.

Mỗi người có cách khai thác nghệ thuật khác nhau. Nói thì bảo không ủng hộ phim Việt nhưng từ khía cạnh khán giả thì tôi thà xem Diên hy công lược còn hơn, khi mà cái gì cũng không bằng từ nội dung, tạo hình tới diễn xuất.

Tôi biết họ đầu tư tiền của, công sức nhiều nhưng tiếc là họ không làm tới nơi tới chốn hoặc làm cho dễ chấp nhận hơn thì sẽ không bị phản ứng ngược.

Khi phim bị khán giả soi về yếu tố thuần Việt, ê-kíp giải đáp thắc mắc cũng không có tư liệu lịch sử rõ ràng. Chẳng hạn, tại sao gắn móng tay dài giống phim Trung Quốc thì họ bảo "gắn là có lý do, xem rồi sẽ rõ".

Việc khán giả khen chê Bí mật trường sanh cung là bài học cho chúng tôi nhìn vào để rút kinh nghiệm, tránh vết xe đổ.

Ngay từ đầu, chúng tôi đã vấp phải tranh cãi về tạo hình nhân vật nhưng đó là do khán giả chưa xem tư liệu lịch sử. Triều Nguyễn kéo dài mấy trăm năm, tới thời vua Bảo Đại, phục trang như là hiện đại rồi nhưng vài trăm năm trước là câu chuyện khác.

Bản thân chúng tôi là những người đi đầu về dòng phim lịch sử nên việc gặp khó khăn, đương nhiên phải chấp nhận. Nhưng nếu vì sợ mọi người phản đối, xét nét, chỉ trích, cười nhạo mà sợ không làm thì ai sẽ là người tiên phong? Phải có người mạo hiểm và chúng tôi chấp nhận mạo hiểm.

Quản lý cũ Hiền Thục: Tình huống xấu nhất là tôi bán 2 căn nhà và tôi chấp nhận - Ảnh 4.

Không chỉ đóng vai trò nhà sản xuất Phượng Khấu, Trịnh Tú Trung còn là 1 trong dàn diễn viên thứ chính của phim.

Nhiều web drama đang nợ ngập đầu

Trịnh Tú Trung lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để làm phim?

Tôi tích lũy nhiều năm tháng. Tôi chưa chắc giàu nhưng tôi dám làm. Có những người giàu hơn tôi, họ chi 200, 300 triệu mua 1 cái túi xách nhưng không dám làm, không đủ tâm huyết bỏ tiền ra làm. Còn tôi yêu, tôi thích, tôi không dám bỏ vài trăm triệu để mua túi xách nhưng bỏ 10 tỉ ra làm phim thì tôi dám. Khác nhau ở cách nghĩ của mỗi người thôi.

Tôi hỏi thật, thu nhập một năm của Trịnh Tú Trung là bao nhiêu?

Tôi đặt ra mục tiêu cho mình là 5 tỉ, có sự chênh lệch trên dưới, gấp đôi cũng có. 

Năm ngoái tôi đặt mục tiêu là mua nhà, nhưng giai đoạn này, tôi thấy mua nhà cũng chả làm gì. 3, 4 cái nhà bán không được, cho thuê cũng chả được bao nhiêu, tôi không mua nhà nữa mà dành tiền chơi cổ phiếu. Cuộc sống của tôi là vậy, cái gì tôi thấy vui thì làm.

Web drama là dự án phi lợi nhuận. Làm xong up lên youtube, đào đâu ra tiền. Tôi đâu thể đợi đạt nút vàng nút bạc Youtube để nhận lại 10 tỉ đó. 

Như vậy, nghĩa là mình mất trắng nhưng chúng tôi chấp nhận rủi ro. Tôi biết nhiều web drama khác cũng đang nợ ngập đầu. 35 tập phim là câu chuyện rất dài...

Sản xuất phim nhiều rủi ro như thế. Nhiều người mất nhà, mất cửa vì làm phim, chưa kể bị mất anh em diễn viên, bị kiện tụng. Tại sao Trịnh Tú Trung lại lao vào khi bạn đã lường trước được là mình mất trắng?

Tình huống xấu nhất là tôi bán 2 căn nhà và tôi chấp nhận. Cuộc đời tôi không nợ ai bao giờ, 1.000 đồng cũng không muốn nợ. Mình sống phải có trách nhiệm. Nợ lương anh em thì phải trả chứ không để anh em chết theo phim được. Đó là mồ hôi, công sức của họ. Mất căn nhà này rồi sẽ có căn nhà khác thôi.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm hết sức, tới đâu hay tới đó. Web drama có lợi thế là làm theo dạng cuốn chiếu. Nếu khán giả đón nhận thì mọi người sẽ có đủ 35 tập để xem, còn nếu không đón nhận thì 5 tập, 10 tập thôi.

Quản lý cũ Hiền Thục: Tình huống xấu nhất là tôi bán 2 căn nhà và tôi chấp nhận - Ảnh 6.

Xác định làm phim có thể mất trắng 10 tỉ, vẫn làm...

Người ta không thích xem thì không thể ép và tôi cũng không cố đấm ăn xôi như vậy. Tôi không ngu tới mức, đã làm cho người ta xem miễn phí mà còn cố đau đớn nghe chửi. Tôi sống rất thực tế.

Nó cũng giống như mình nấu ăn vậy. Mình đã mất công nấu, cho người ta ăn miễn phí mà còn bị chửi thì mình ép mình làm tiếp làm chi. Không sử sách nào ghi danh tôi làm việc này cả. Vui thì làm, buồn thì thôi. Chính vì thế, tâm lý tôi rất thoải mái.

Cảm ơn Trịnh Tú Trung đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại