Truyền bia giải ngộ độc rượu gây ngạc nhiên: "Chúng ta không nên nói dùng bia để điều trị"

Thanh Tú |

Theo TS.BS Huỳnh Văn Ân, chỉ khi ngộ độc methanol mới điều trị bằng ethanol có trong bia.

Cùng với việc lọc máu và điều trị tích cực, Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã quyết định dùng 15 lon bia để truyền vào đường tiêu hóa cho bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị, bị ngộ độc rượu nặng).

Dư luận xôn xao trước phương pháp "truyền bia giải rượu" này. Đây cũng là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị dùng bia truyền để cấp cứu ngộ độc rượu.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị khẳng định trên Tuổi trẻ, việc các bác sĩ dùng 15 lon bia truyền cho người bệnh chỉ là phương pháp phụ trợ và phương án điều trị chính vẫn là lọc máu.

Theo ông Tuấn, trong bia có chất etylic giúp hãm lại quá trình chuyển hóa methanol trong rượu. Gan sẽ ưu tiên lọc etylic trước nên khi đó bác sĩ có thời gian lọc máu.

"Phác đồ điều trị ngộ độc methanol là có sẵn. Cái mấu chốt là bác sĩ đã phát hiện sớm việc ngộ độc methanol và nghĩ đến việc dùng etylic trong bia để hãm sự chuyển hóa methanol", vị Giám đốc nói.

Cũng trên Tuổi trẻ, TS.BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, kiêm Phó Chủ tịch Hội Hồi sức tích cực chống độc TP.HCM phân tích, bệnh nhân Nhật bị ngộ độc methanol và các bác sĩ điều trị bằng ethanol có trong bia là đúng.

TS Ân nhấn mạnh, chỉ khi người bệnh ngộ độc methanol mới điều trị bằng ethanol, còn nếu say rượu bình thường thì tuyệt đối không được sử dụng ethanol. Nguyên tắc của phác đồ điều trị cho bệnh nhân Nhật là dùng rượu có tỉ lệ ethanol 43%, nhưng ở đây trong bia chỉ có một tỉ lệ ethanol khoảng 5 đến 8%, do đó các bác sĩ phải dùng tới 15 lon bia.

"Về một góc độ nào đó chúng ta không nên nói là dùng bia để điều trị mà là dùng lượng ethanol có trong bia để điều trị", nguồn trên dẫn lời TS.BS Huỳnh Văn Ân.

Chi sẻ với tạp chí Gia đình mới, BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trường hợp bệnh bị ngộ độc methanol, một loại rượu công nghiệp cực độc, thì người bệnh uống ethanol (tức truyền bia vào dạ dày) sẽ làm mất tác dụng của methanol. Các bác sĩ có thể dùng biện pháp khác là bồi phụ kiềm đường tĩnh mạch và lọc máu cấp cứu.

Người quyết định dùng phương pháp truyền bia giải ngộ độc rượu - Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị bày tỏ với Infonet, khi sự việc được chia sẻ nhiều, rất nhiều ý kiến gửi tới và ông cảm thấy mệt mỏi khi mọi người nói sao lại lấy bia giải ngộ độc rượu.

Bác sĩ Lâm nói, phác đồ điều trị ngộ độc rượu được phép sử dụng rượu ethanol truyền cho bệnh nhân nhằm thải methanol, thế nhưng thực tế lại không có rượu để truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân và bác sĩ đành mạo hiểm dùng bia. Khi dùng phương pháp này, các bác sĩ cũng đắn đo và phải đau đầu để cân bằng cho bệnh nhân.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại