G20: Giữa vô vàn cáo buộc, Thái tử MBS phá vỡ bức tường cô lập, nổi lên như "ngôi sao"

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Chỉ trong thời gian hai ngay diễn ra hội nghị, Thái tử Salman đã gặp gỡ chính thức với 12 nhà lãnh đạo các nước, bắt tay và trò chuyện xã giao với nhiều lãnh đạo quốc gia khác.

Thách thức lớn với Thái tử Ả Rập Saudi

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman đứng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Mỹ và các nước phương Tây phản ứng gay gắt, đòi xem xét lại quan hệ và áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc chống Ả Rập Saudi.

Trong con mắt của nhiều nước, Ả Rập Saudi là một nước vi phạm các tiêu chuẩn sơ đẳng nhất về quyền con người và luật pháp quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh G20 được triệu tập tại Buenos Aires từ 30/11-1/12/2018.

Trước hội nghị này, dư luận nhiều nước, đặc biệt là Tổ chức Theo dõi Quyền Con người (HRW) đã đòi tổng công tố viên nước chủ nhà điều tra tập hợp các bằng chứng liên quan đến việc giết hại J. Khashoggi và tội ác chiến tranh tại Yemen của Thái tử M. bin Salman đến nay đã giết chết hàng trăm ngàn người và hàng triệu người bị mất nhà cửa, đẩy đất nước Yemen đứng trước nạn đói chưa từng có trong lịch sử.

Trước đó ít ngày, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiết lộ rằng, trước khi giết J. Khashoggi vài giờ, Thái tử tử M. bin Salman đã gửi 11 tin nhắn tới cố vấn thứ nhất của ông là Saud Al-Qahtani, người được giao nhiệm vụ thành lập đội mật vụ và giám sát toàn bộ kế hoạch giết nhà báo này.

CIA khẳng định đây là bằng chứng quan trọng cho thấy Thái tử M. bin Salman biết trước kế hoạch và là người chịu trách nhiệm đầu tiên về vụ sát hại J. Khashoggi.

Trong tình hình như vậy, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires được coi là một thử thách quan trọng đối với hình ảnh của M. bin Salman, bởi vì đây là lần đầu tiên ông xuất hiện tại một diễn đàn quốc tế tập hợp tất cả các nhà lãnh đạo của các nước lớn nhất trên thế giới sau vụ nhà báo J. Khashoggi bị sát hại một cách hết sức dã man trong toà lãnh sự của Ả Rập Saudi tại Istanbul cách đây hai tháng.

Nhiều nhà quan sát chính trị trên thế giới cho rằng Thái tử sẽ bị cô lập và sẽ bị các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 coi thường và từ chối bắt tay trong thời gian diễn ra hội nghị và đặc biệt trong khi tập trung để chụp ảnh tập thể. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.

Ngược lại, hãng thông tấn AFP của Pháp còn cho rằng Thái tử M. bin Salman đã nổi lên như một "ngôi sao" và thu hút sự quan tâm đặc biệt tại Hội nghị.

AFP mô tả rằng, Thái tử hoàn toàn không hề bị cô lập, các ống kính quay phim, chụp ảnh đều chĩa vào ông.

Chỉ trong thời gian hai ngay diễn ra hội nghị, M. bin Salman đã gặp gỡ chính thức với 12 nhà lãnh đạo các nước, trong đó có Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga V. Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Đặc biệt Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã gặp Thái tử M. bin Salman sau những căng thẳng ngoại giao cao độ do Canada tố cáo Ả Rập Saudi vi phạm nhân quyền.

Đáng chú ý là Tổng công tố viên nước chủ nhà Argentina đã không mở cuộc điều tra đối với Thái tử M. bin Salman theo yêu cầu của Tổ chức giám sát nhân quyền HRW về sự dính líu của ông trong vụ sát hại J. Khashoggi và tội ác chiến tranh ở Yemen.

Những màn chào xã giao đầy ẩn ý

Các nhà lãnh đạo khác vì lý do này lý do khác không gặp chính thức thì cũng bắt tay và trò chuyện xã giao với Thái tử M. bin Salman. Tổng thống Mỹ D. Trump do sức ép trong nước của Quốc hội, không chính thức gặp, nhưng cũng đến bắt tay và thậm chí còn nói đùa với M. bin Salman.

Giới truyền thông đặc biệt quan tâm đến cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Putin với Thái tử M. bin Salman khi hai người bắt tay nồng ấm theo kiểu giữa những người bạn hết sức thân thiết kèm theo những nụ cười và thỏa thuận giảm sản lượng dầu mỏ để giữ giá trên thị trường.

Tổng thống Nga "high-five" với Thái tử MBS.

Các nhà quan sát nhận xét rằng kiểu bất tay của ông Putin với Thái tử Salman là có ý chọc tức ông Trump và thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu là đi ngược lại với việc Washington đòi Ả Rập Saudi tăng sản lượng để bù đắp vào sự thiếu hụt do cấm vận Iran nhằm giữ giá dầu ổn định, tránh ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi.

Quan trọng hơn nữa là hai bên đã thỏa thuận việc Tổng thống V. Putin sẽ thăm chính thức Riyadh vào đầu năm tới.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên cũng đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ả Rập Saudi. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2017 lên tới 42 tỷ USD.

Tháng 3/2018 vừa qua, hai nước đã ký các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ với tổng trị giá 65 tỷ USD.

G20: Giữa vô vàn cáo buộc, Thái tử MBS phá vỡ bức tường cô lập, nổi lên như ngôi sao - Ảnh 3.

Trước và sau Hội nghị thượng đỉnh G20, Thái tử M. bin Salman đã thăm một loạt nước Ả rập gồm các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Tunisia, Algeria và Moritania.

Trong chuyến thăm, Thái tử đã hứa cung cấp các khoản viện trợ lớn cho các quốc gia này.

Rõ ràng, Thái tử M. bin Salman đã phá vỡ được một phần bức tường cách ly xung quanh mình và đất nước của ông sau vụ sát hại J Khashoggi.

Tuy nhiên, vụ giết hại nhà báo J. Khashoggi sẽ không dừng lại ở đây mà vẫn còn tiếp tục là chủ đề nóng trong quan hệ giữa các nước với Ả Rập Saudi. Thái tử M. bin Salman vẫn còn cần rất nhiều cố gắng để cải thiện hình ảnh của mình và Hoàng gia để có thể trở lại hội nhập vào cộng đồng quốc tế.

Vụ J. Khashoggi một lần nữa cho thấy sức mạnh của đồng tiền và lợi ích quốc gia đứng trên các giá trị về nhân quyền.

Tổng thống Mỹ nhiều lần khẳng định "trong mọi trường hợp quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi cần phải được duy trì mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ".

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại