Tại sao có hiện tượng dòng vốn Hàn Quốc dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam?

Hà Thu |

Việt Nam chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Hàn Quốc trong năm 2017. Con số này năm 1990 là 3,7%, theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc.

Báo cáo này cũng cho thấy doanh nghiệp chế tạo của Hàn đã chuyển trọng tâm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tỷ lệ đầu tư từ Hàn Quốc vào Trung Quốc từ mức 44,5% hồi năm 2000 xuống còn 27,6% trong năm 2017.

Trong đó, làn sóng rút vốn của các DNNN Hàn Quốc trong ngành chế biến chế tạo rõ nét hơn cả. Cụ thể, mức đầu tư của những doanh nghiệp này vào Việt Nam trong năm 2017 là 720 triệu USD. Mức này tại Trung Quốc là 430 triệu USD.

Nhưng dù suy giảm thì tổng vốn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn ở Trung Quốc vẫn lớn hơn 2,7 lần so với Việt Nam.

Dòng vốn có sự thay đổi, nguyên nhân được cho là Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhờ vào môi trường kinh doanh và chính sách tốt hơn so với nước láng giềng.

Nước này từ năm 2008 đã áp mức thuế TNDN trung bình 25%, đồng thời mở rộng danh sách sản phẩm mà các công ty có vốn đầu tư nước ngoài bị cấm hay hạn chế sản xuất. Mặt khác, giá nhân công Trung Quốc đang ngày một đắt đỏ hơn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận xét rằng Việt Nam đang hấp dẫn hơn Trung Quốc.

Chính sách mở của Việt Nam đang tạo nên thị trường xuất khẩu rất lớn, kết nối với các quốc gia khác. Việt Nam đã ký rất nhiều FTA, trong đó, phải kể đến FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể hoàn tất trong năm 2018 hay Hiệp định CPTPP.

Bên cạnh đó, nguồn lao động với chi phí thấp, chính sách khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất cũng là các yếu tố khiến doanh nghiệp Hàn cân nhắc khi quyết định chọn lựa.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, ông Lee Jae Yong trong chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 10 đã bày tỏ sự cảm ơn vì sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với hoạt động của Samsung tại Việt Nam, qua đó, đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Theo ông, Samsung đã đầu tư ở nhiều quốc gia, nhưng không có nhiều quốc gia lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp mạnh mẽ như Việt Nam. Chính điều này đã khiến cho đại diện Tập đoàn khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng và đầu tư.

Mặt khác, nền kinh tế hơn 90 triệu dân này cũng đang được xem là trọng tâm của chính sách "Làn gió phương nam mới" của Hàn Quốc. Chính sách này là việc Hàn Quốc sẽ tăng cường giao lưu, hợp tác với ASEAN, nâng tầm mối quan hệ lên tương đương 4 cường quốc là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Hàn ước đạt 100 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng bình quân hàng năm trên 18% trong 3 năm tới. Tốc độ tăng trưởng này tuy thấp hơn tốc độ bình quân hàng năm gần 24% trong giai đoạn 2009-2017, nhưng đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đi lên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại