Nhà truyền giáo Mỹ bỏ mạng vì tiếp cận bộ lạc biệt lập nhất hành tinh

Hùng Cường |

Chau, 27 tuổi, người Mỹ, bị giết hồi cuối tuần qua sau khi thuê tàu cá của ngư dân để đến đảo Bắc Sentinel thuộc quần đảo Andaman và Nicobar, Ấn Độ.

CNN ngày 22/11 dẫn nguồn tin từ các quan chức cho biết, một công dân Mỹ làm công việc truyền giáo có thể đã bị những thổ dân thuộc bộ lạc sống biệt lập nhất thế giới giết chết trên hòn đảo xa xôi ngoài khơi bờ biển Ấn Độ.

Theo ông Dependra Pathak - Giám đốc cảnh sát quần đảo Andaman và Nicobar, danh tính công dân Mỹ thiệt mạng được xác định là John Allen Chau, 27 tuổi, đến Ấn Độ bằng visa du lịch nhưng đã đến quần đảo Andaman và Nicobar vào tháng 10 vừa qua với mục đích “khai sáng”.

“Chúng tôi không công nhận việc gọi anh ấy là khách du lịch. Đúng là anh ấy mang visa du lịch nhưng anh ta có mục đích cụ thể để rao giảng, truyền giáo trên một hòn đảo bị cấm”, Pathak nói.

Các quan chức địa phương cho biết, Chau không thông báo cho cảnh sát về ý định của mình mà đã cố gắng nhờ người bản địa tiếp cận quần đảo nói trên.

Trong một dòng trạng thái đăng trên trang Instagram, những người thân của Chau cho biết: “Đối với mọi người, cậu ấy là một nhà truyền đạo Kitô, một huấn luyện viên bóng đá, một người leo núi... Cậu ấy kính Chúa, yêu cuộc sống này, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và không có gì ngoài tình yêu dành cho người Sentinelese”. Gia đình của nạn nhân cũng nói họ tha thứ cho những kẻ đã cướp đi mạng sống của Chau.

Đảo Bắc Sentinel là nơi sinh sống của người Sentinelese – bộ lạc được bảo vệ theo luật pháp Ấn Độ. Chỉ có hơn một chục người được chính thức cho là sống trên hòn đảo xa xôi thuộc quần đảo Andaman và Nicobar.

Tiếp cận bất hợp pháp

Pathak nói rằng nhà truyền giáo người Mỹ đã nhờ một người bạn địa phương, một kỹ sư điện tử, sắp xếp một chiếc thuyền và tìm một số ngư dân có thể đưa anh ta đến hòn đảo này. Người bạn của Chau sau đó đã tìm được một chiếc thuyền và ngư dân cùng với một chuyên gia thể thao dưới nước để trợ giúp cuộc thám hiểm.

Nhà truyền giáo Mỹ bỏ mạng vì tiếp cận bộ lạc biệt lập nhất hành tinh - Ảnh 1.

Vị trí của quần đảo Andaman và Nicobar trên bản đồ.

Tất cả 7 người dân địa phương giúp sức cho chuyến đi của Chau đã bị tạm giữ.

“Các ngư dân cho biết, họ đã sử dụng một chiếc thuyền gỗ có gắn động cơ để di chuyển tới đảo vào ngày 15/11”, Pathak nói.

Pathak nói thêm: “Chiếc thuyền dừng cách đảo 500-700m và nhà truyền giáo người Mỹ đã sử dụng thuyền nhỏ để tiếp cận hòn đảo. Chau sau đó trở lại trong ngày với những vết thương do bị tên bắn. Vào ngày 16, các thành viên của bộ lạc đã đánh chìm thuyền của Chau. Vì vậy, Chau phải bơi trở lại thuyền. Đến ngày 17 thì Chau không trở lại và các ngư dân sau đó thấy thổ dân của bộ lạc kéo xác anh” .

Cảnh sát không thể tiến hành xác minh độc lập rằng Chau thực sự đã chết hay chưa nhưng dựa trên lời khai của các ngư dân thì họ tin rằng Chau đã bị sát hại.

“Chúng tôi có một đội đặc công nước tiến hành trinh sát và vạch kế hoạch thu hồi thi thể của nạn nhân. Nhóm còn có sự hỗ trợ của các nhân viên bảo vệ bờ biển, các quan chức từ bộ phận phúc lợi của bộ lạc, cán bộ lâm nghiệp và nhân viên cảnh sát”, Pathak cho biết.

Cảnh báo có từ trước

Một quan chức Lãnh sự quán Mỹ tại Chennai xác nhận Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhận được thông tin liên quan đến việc “một công dân Mỹ bị mất tích ở quần đảo Andaman và Nicobar” và nhà chức trách Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong nỗ lực tìm kiếm. Tuy nhiên, vị quan chức này từ chối đưa ra bình luận cụ thể.

Chau "tử vì đạo", ông Mat Staver, người sáng lập và Chủ tịch của Covenant (tạm dịch “Hành trình giao ước”) – một tổ chức Ki tô giáo nhận xét. “John yêu mọi người và kính Chúa. Anh ấy sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để chia sẻ về Chúa Giêsu với những người trên đảo Bắc Sentinel”.

Quần đảo Andaman và Nicobar nằm cách lục địa Ấn Độ khoảng 1.370km về phía Đông. Quần đảo này gồm 572 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có chỉ có khoảng hơn 30 đảo là có người sinh sống. Theo kết quả điều tra dân số của Ấn Độ năm 2011, có 380.000 cư dân sinh sống trên quần đảo Andaman và Nicobar.

Cũng theo kết quả của quộc khảo sát này, chỉ có 15 thổ dân của bộ lạc Sentinelese sống trên hòn đảo của họ. Con số này có thể có sai số do chủ yếu dựa trên quan sát từ khoảng cách an toàn bởi sự nguy hiểm không cho phép những người thực hiện khảo sát tiếp cận hòn đảo. Trong cuộc điều tra dân số trước đó hồi năm 2001, con số này ước tính khoảng 39 người.

Ấn Độ đã xác định bộ lạc Sentinelese sống trên đảo Bắc Sentinel là nhóm người “đặc biệt dễ bị tổn thương”. Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ cũng khuyến nghị Chính quyền nên đảm bảo người ngoài không tiếp xúc với những thổ dân của bộ lạc này vì nguy cơ lây truyền bệnh tật hoặc bị nguy hiểm do người Sentinelese sẵn sàng tấn công để bảo vệ đất đai./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại