Vừa đặt chân qua biên giới đã gặp thảm kịch chết chóc, bỏ mạng trước "giấc mơ Mỹ"

Thi Anh |

Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ ghi nhận 294 trường hợp tử vong trong năm 2017. Có những người chết mất xác.

Cuộc gọi lúc nửa đêm

Trạm Tucson thuộc lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ nhận được 1 cuộc gọi 911 vào khoảng giữa đêm.

Đầu dây bên kia là giọng nói đứt quãng của Joselino Gomez Esteban ở nơi nào đó trong sa mạc Sonoran của Arizona, chặng cuối cùng trên hành trình di cư dài 3.218km từ Guatemala tới Mỹ.

Gomez nói anh bị lạc. Anh cần sự giúp đỡ. Cháu trai của anh bị ngất giữa đường.

Mỗi năm, có hàng trăm người di cư bỏ mạng khi đang tìm cách vượt qua Mexico để tới Mỹ. Hàng nghìn người cần được giải cứu. Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ ghi nhận 294 trường hợp tử vong trong năm tài khóa 2017. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng, con số thực tế còn lớn hơn nhiều. Có những người chết mất xác.

25% trong số trường hợp tử vong được ghi nhận - khoảng 72 người - đã tới khu vực biên giới Tucson, nơi nhiệt độ mùa hè thường tăng cao. Từ 10/2017 cho tới 10/2018, trạm Tucson đã thực hiện 923 chiến dịch giải cứu, tăng 22% so với 1 năm trước đó.

Vừa đặt chân qua biên giới đã gặp thảm kịch chết chóc, bỏ mạng trước giấc mơ Mỹ  - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Đó là một trong những khu vực biên giới đông đúc nhất với rất nhiều nhiệm vụ, từ giải cứu người nhập cư bất hợp pháp cho tới thu giữ cần sa. Trung bình ngày 2 lần, các đặc vụ phải thực hiện các chiến dịch giải cứu như vậy.

Tìm kiếm Gomez (43 tuổi) và người cháu trai Misael Paiz (25 tuổi) là một nhiệm vụ khó khăn. Chiếc điện thoại di động cũ kỹ mà Gomez sử dụng không cung cấp dữ liệu GPS. Sử dụng trạm điện thoại truyền tín hiệu của cuộc gọi 911, tín hiệu nhảy ra cách đó 161km.

Trạm Tucson chịu trách nhiệm cho khu vực sa mạc, hẻm núi và các ngọn đồi đầy xương rồng trong khoảng cách 422km. Gomez và Paiz có thể ở bất cứ nơi đâu trong khu vực này. Các đặc vụ thậm chí còn không chắc chắn họ ở phía lãnh thổ Mỹ.

Có những thời điểm, việc cứu hộ trở thành nỗ lực khắc phục thảm họa. Nguyên nhân tử vong phần lớn là do sốc nhiệt vào mùa hè, hạ thân nhiệt vào mùa đông. Người chết được đưa tới văn phòng kiểm tra y tế quận Pima.

Đôi khi chỉ thu thập được xương cốt, đôi khi còn không thể nhận dạng được. Khi họ có thể, văn phòng tìm cách chuyển những gì còn lại của người xấu số về cho thân nhân ở quê nhà.

Vừa đặt chân qua biên giới đã gặp thảm kịch chết chóc, bỏ mạng trước giấc mơ Mỹ  - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

"Rồi sẽ sớm tới lượt con thôi"

Trước đó 2 tuần, Gomez và Paiz khởi hành từ Aguacate, một thị trấn nông nghiệp chật vật ở Guatemala gồm 1.500 người gần biên giới Mexico.

Paiz, một đầu bếp nhà hàng làm việc ở Mexico, hy vọng tìm được việc làm ở Mỹ và gửi tiền về quê nhà. Chú của Paiz, Gomez, thì muốn đoàn tụ với vợ và 3 người con ở South Carolina. Gomez bị trục xuất từ 2 năm trước và đã tìm cách quay trở lại 3 lần nhưng thất bại. Đây là lần nỗ lực thứ tư của Gomez.

"Gia đình phải chia ly bởi ở đây chúng tôi không có việc làm", cha của Paiz, Miguel Domingo Paiz cho biết.

Domingo biết rằng rời khỏi quê nhà để tìm kiếm tương lai tốt đẹp hơn là một ván bài sinh tử. Người con trai cả của ông, Ovidio, bị bắn chết ở Mexico hồi năm ngoái sau khi chuyển tới đó kiếm việc làm.

Trong những năm gần đây, số lượng người Guatemala bị bắt khi vượt biên trái phép vào Mỹ đã tăng từ khoảng 57.000 (2015) lên tới gần 117.000 (2018) và chỉ thấp hơn số lượng người Mexico bị bắt giữ.

Theo các chuyên gia, số liệu phản ánh nguyện vọng lớn lao của người Guatemala khi họ bất chấp hiểm nguy để tìm cách thoát khỏi tình trạng bạo lực, nghèo đói và khủng hoảng chính trị.

Paiz nói với người anh sinh đôi Gaspar rằng cậu đã trả một khoản 500 USD chi phí ban đầu cho người trung gian - được gọi là "coyote" - người đã hứa hẹn đưa cậu qua biên giới. Nếu tới được nơi, cậu sẽ phải trả thêm 5.500 USD.

Sau khi tới được thị trấn Sasabe (Mexico) ở biên giới với Arizona, Paiz và Gomez phải đợi 12 ngày để tới lượt mình di chuyển với một hướng dẫn viên. Trong một cuộc điện thoại, Paiz nói với cha rằng: "Rồi sẽ sớm tới lượt con thôi".

Xin hãy nguyện cầu

Sau khi băng qua biên giới và đi bộ khoảng 6 giờ đồng hồ, Paiz kêu đau đầu dữ dội. Cậu bị ngất ngay cạnh một con đường đất gọi là đường Cemetery.

Hướng dẫn viên của họ đã đổ nước vào mặt Paiz. Khi thấy việc này không có tác dụng gì, anh ta lên đường với 3 người di cư khác trong nhóm. Gomez ở lại với người cháu trai.

Không thể làm người cháu trai tỉnh lại nên Gomez gọi về cho người thân ở Aguacate và bảo mẹ của Paiz hãy cầu nguyện. Sau đó, khi biết rằng mình sẽ không thể đoàn tụ cùng gia đình ở Mỹ, Gomez gọi 911.

Khi ánh nắng đầu tiên le lói vào sáng 10/9, những chiếc trực thăng của cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ bắt đầu dò tìm đường đi của những người di cư trong khu vực. Một đơn vị y tế được thiếp lập ở sa mạc.

Làm theo hướng dẫn của 911, Gomez đốt một đống lửa với hy vọng nó sẽ dẫn đường cho những người cứu hộ. Nhưng nó cháy rụi, không tỏa ra mấy khói.

Cho tới tận 1h30 chiều hôm đó, các đặc vụ Mỹ mới nghe tin, có người đi ngang qua chỗ 2 người đàn ông gặp nạn. Một lát sau, các đặc vụ biên giới đã tới được địa điểm và đưa Gomez tới nơi chăm sóc. Còn Paiz được đưa đi trong một chiếc túi đựng thi thể màu đen.

Vừa đặt chân qua biên giới đã gặp thảm kịch chết chóc, bỏ mạng trước giấc mơ Mỹ  - Ảnh 4.

Ảnh: Reuters

Nấm mồ ở Guatemala

Trung tâm Kiểm tra Y tế quận Pima sau đó xác định, Paiz tử vong vì sốc nhiệt. Bảy tuần sau cái chết của Paiz, thi thể của cậu được đưa về thành phố Guatemala, hành trình này do chính phủ Guatemala chi trả. Quan tài của Paiz được đưa về cùng gần 10 người khác, tất cả đều là thi thể của người di cư Guatemala.

Xe cứu thương của Hội Chữ thập Đỏ di chuyển suốt 12 giờ đồng hồ để đưa thi thể của Paiz về Aguacate. Gia đình cậu đi theo sau.

"Lúc nào chúng tôi cũng chơi cùng nhau. Chúng tôi cùng leo núi để lấy gỗ", Gaspar chia sẻ, "Chúng tôi đã bàn nhau xem ai trong 2 chúng tôi sẽ đi tới Mỹ và quyết định chọn Misael".

Ở Aguacate, khoảng 250 người đợi chiếc xe cứu thương đưa thi thể của Paiz về. Họ đứng trên con đường đất, bùn ngập tới mắt cá chân và mưa như trút khi 8 người đàn ông nâng chiếc quan tài của Paiz xuống và đưa vào trong nhà.

Sáng hôm sau, một ban nhạc chơi marimba bên cạnh quan tài ở nhà Paiz. Một người phụ nữ nấu món hầm trên chiếc bếp củi. Paiz được chôn cất vào buổi chiều hôm đó, trong một nấm mồ bê tông bên sườn đồi, bên cạnh người anh trai Ovidio.

Vừa đặt chân qua biên giới đã gặp thảm kịch chết chóc, bỏ mạng trước giấc mơ Mỹ  - Ảnh 5.

Ảnh: Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại