Ra đòn hiểm, Thổ Nhĩ Kỳ khiến Ả rập Xê út điêu đứng sau vụ nhà báo Khoshaggi bị sát hại

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Tổng thống Erdogan đặt ra những câu hỏi mà phía Ả rập Xê út không dám trả lời trong khi phía Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể trả lời.

Bài phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 23.10 vừa qua thuộc diện những diễn văn được trông đợi nhiều nhất ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, thậm chí cả trên thế giới nữa trong năm nay.

Thiên hạ bị cuốn hút bởi chiêu PR của ông Erdogan trước đó khi ông này hùng hồn tuyên cáo: "Chúng tôi sẽ khui ra tất cả, toàn bộ sự thật trần trụi" và "Trong bài phát biểu của tôi, tôi sẽ kể lại chi tiết tất cả khác". Ông Erdogan ám chỉ ở đây là sẽ khác với những thông tin chính thức của chính quyền Ả rập Xê út.

Bài phát biểu ấy được ông Erdogan trình bày trước quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan đã giữ đúng lời hứa khi cho thấy vụ việc xảy ra với nhà báo Jamal Khoshaggi diễn biến khác hẳn với những gì mà phía chính quyền Ả rập Xê út công bố, nhưng lại đã không làm như đã tuyên bố là bóc trần "toàn bộ sự thật trần trụi".

Những gì được ông Erdogan trình bày đều không mới mà đã được phía Thổ Nhĩ Kỳ công bố nhỏ giọt trước đó. Có thể thấy được ngay từ đấy dụng ý của ông Erdogan là chủ động lôi kéo, cuốn hút sự quan tâm chú ý của thế giới và nuôi sự quan tâm chú ý ấy cũng như làm cho Ả rập Xê út bẽ bàng.

Ra đòn hiểm, Thổ Nhĩ Kỳ khiến Ả rập Xê út điêu đứng sau vụ nhà báo Khoshaggi bị sát hại - Ảnh 1.

Hoàng gia Ả rập Xê út đối diện khó khăn sau cái chết của nhà báo Khoshaggi. Ảnh: Reuters

 Ả rập Xê út bị Thổ Nhĩ Kỳ "nắm thóp"

Ngay từ đầu vụ việc, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy Ả rập Xê út vào tình thế bị động đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ và chống trả dư luận.

Ông Erdogan làm cho cả thế giới tin rằng không phải Mỹ hay EU mà chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ nắm trong tay toàn bộ sự thật và bằng chứng cần thiết để có thể xác nhận hay bác bỏ mọi biện luận của chính quyền Ả rập Xê út.

Bằng cách ấy, ông Erdogan đã biến Ả rập Xê út trên danh nghĩa thành con tin và trên thực tế đã có cơ hội khống chế Ả rập Xê út.

Bởi thế, điều đáng chú ý nhất và đáng kể hơn cả trong trình bày nói trên của ông Erdogan không phải những chi tiết tỷ mỉ về diễn biến vụ việc mà ở ba thông điệp vừa lộ vừa ngầm của ông Erdogan.

Thứ nhất là việc ông Erdogan khẳng định nhà báo Jamal Khoshaggi không phải bị thiệt mạng do ẩu đả với nhân viên an ninh, tình báo của Ả rập Xê út mà bị chủ ý sát hại, bị mưu tính giết hại. Ông Erdogan không nói ra cụ thể hơn nhưng ai cũng hiểu từ đó là thủ phạm không thể là ai khác ngoài chính quyền Ả rập Xê út.

Thứ hai là ông Erdogan đặt ra những câu hỏi mà phía Ả rập Xê út không dám trả lời trong khi phía Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể trả lời, chẳng hạn như: Ai ra lệnh? và những ai là tòng phạm ? Ở đây có thể nhận thấy được là ông Erdogan đâu có tin vào lời giải thích chính thức của chính quyền Ả rập Xê út là thuộc hạ manh động thôi chứ cấp trên không biết gì, lại càng không chủ ý.

Ý tại ngôn ngoại ở đây là ông Erdogan nhằm trực diện vào hai nhân vật quyền lực nhất ở xứ vương triều sa mạc kia là vua Salman và thái tử Mohammed bin Salman. Ông Erdogan phải chắc tin như thế nào thì mới để lộ ẩn ý ấy và đấy mới là điều có thể gây nguy hiểm nhất, rủi ro lớn nhất và cũng nhạy cảm nhất về đối nội cũng như đối ngoại đối với cặp cha con kia.

Thứ ba là ông Erdogan đẩy hoàng gia Ả rập Xê út vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đưa ra yêu cầu: vụ việc xảy ra trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nên phải được xử lý ở Thổ Nhĩ Kỳ, tức là tất cả các nghi phạm đều phải hầu toà ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ra đòn hiểm, Thổ Nhĩ Kỳ khiến Ả rập Xê út điêu đứng sau vụ nhà báo Khoshaggi bị sát hại - Ảnh 2.

Chính quyền Ả rập Xê út không đáp ứng yêu cầu này thì bị coi là tự bộc lộ có khuất tất phải che đậy, nhưng nếu đáp ứng thì lại càng bị lệ thuộc thêm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan còn chủ ý đề cập đến "cuộc trao đổi điện thoại dài" với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22.10. mà kết quả là sự nhất trí "coi trọng vụ việc và phải làm rõ vụ việc".

Thông điệp của ông Erdogan về phía Ả rập Xê út và cá nhân thái tử Mohammed bin Salman - người được ông Trump hiện rất sủng ái - là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cá nhân tổng thống hai nước hiện rất đồng thuận và nhất trí, Thổ Nhĩ Kỳ lại đã được Mỹ coi trọng và sẽ cùng quyết định tương lai của mối quan hệ giữa Ả rập Xê út và Mỹ.

Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập Xê út trong thời gian vừa qua không được hài hoà và êm thấm. Ông Trump đã công khai thiên lệch về phía Ả rập Xê út chứ không dành ưu tiên cao nhất của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ như những người tiền nhiệm.

Thổ Nhĩ Kỳ và Ả rập Xê út lại cạnh tranh chiến lược quyết liệt ở khu vực, cọ sát và xung khắc lợi ích ở nhiều nơi và trong nhiều chuyện. Trong tình hình khó khăn về kinh tế, tài chính và tiền tệ hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ rất cần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Ả rập Xê út.

Cho nên cuộc khủng hoảng hiện tại của Ả rập Xê út đã tạo cơ hội hiếm có được cho Thổ Nhĩ Kỳ xoay chuyển tình thế. Ông Erdogan đã khôn khéo, thức thời và kịp thời tân dụng cơ hội ấy để buộc Ả rập Xê út nhượng bộ.

Chỉ cần đáp ứng mọi yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ thì cả nhà vua lẫn thái tử Ả rập Xê út lần này sẽ thoát hiểm thoát nạn an toàn. Cuộc điện đàm sau đó giữa ông Erdogan và vị thái tử kia cho thấy những thông điệp của ông Erdogan đã được phía Ả rập Xê út tiếp nhận và hiểu.

Nhưng hệ luỵ sẽ là sự thật về vụ việc cái chết của nhà báo kia sẽ không bao giờ bị lột trần như ông Erdogan đã tuyên bố.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại