Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến "không hồi kết" qua bộ ảnh tư liệu quý

Tất Đạt |

Mới đây, Business Insider đã tổng hợp 17 khoảnh khắc xuyên suốt 17 năm của quân đội Mỹ trong chiến dịch "dai dẳng" tại Afghanistan.

Năm 2001: Cuộc truy lùng Osama bin Laden bắt đầu

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 1.

Các binh lính Mỹ đi lên máy bay tại một địa điểm bí mật. Cùng ngày, Tướng Richard Myers xác nhận Mỹ sẽ tiến quân về Afghanistan. Ảnh: AP/DoD

Chiến dịch Tự do Bền vững do Mỹ phát động bắt đầu vào ngày 7/10/2001.

Những tiên đoán ban đầu cho rằng cuộc chiến chống khủng bố tại đây sẽ phụ thuộc phần lớn vào không kích và lực lượng đặc nhiệm. Điều này vẫn đúng cho tới ngày hôm nay - 17 năm sau cuộc chiến.

Chiến dịch bước đầu thành công với những căn cứ lớn của Taliban lần lượt sụp đổ trong vài tháng đầu tiên.

Tháng 12/2001, 20 cấp dưới của trùm khủng bố Osama bin Laden bị bắt giữ tại hệ thống hang động phức tạp Tora Bora bởi quân nổi dậy tại Afghanistan. Tuy nhiên, Bin Laden trốn thoát và Mỹ phải tốn nhiều thời gian để bắt được tên này.

Năm 2002: Chiến dịch Anaconda và đàm phán tái thiết

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 2.

Binh lính Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

Tháng 3/2002, Mỹ triển khai chiến dịch Anaconda với mục tiêu quét sạch 800 tay súng Taliban khỏi vùng thung lũng Shah-i-Kot.

Tại thời điểm này, Mỹ và cộng đồng quốc tế đã bắt đầu thảo luận về cách thức tái thiết Afghanistan trong khi Tổng thống Mỹ George W. Bush chuyển sự quan tâm sang Iraq.

Năm 2003: Mỹ tuyên bố "những trận chiến chính đã kết thúc" trong khi Taliban gây dựng lại lực lượng

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 3.

Dân làng Afghanistan theo dõi binh lính Mỹ kiểm tra căn nhà để tìm các phần tử Taliban và Al-Qaeda. Bức ảnh được chụp trong những giai đoạn cuối của chiến dịch Viper tại tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan vào ngày 24/2/2003. Ảnh: AP

Theo các quan chức Mỹ, "những trận chiến chính" đã kết thúc và việc tái thiết có thể bắt đầu.

Tại thời điểm này, khoảng 13.000 binh lính Mỹ đóng quân tại Afghanistan.

Vào tháng 8/2003, NATO đảm nhận vai trò của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) được giao nhiệm vụ bảo vệ Kabul.

Taliban bắt đầu tập hợp lại lực lượng giữa lúc Iraq trải qua nhiều biến động.

Năm 2004: Afghanistan thành lập chính phủ mới

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 4.

Quân đội Mỹ và Afghanistan tăng cường an ninh tại điểm bầu cử tổng thống tại Kandahar. Tuy nhiên, Al-Qaeda không tấn công can thiệp bầu cử như các bên lo ngại. Ảnh: AP

Tổng thống Hamid Karzai trở thành nhà lãnh đạo dân chủ đầu tiên được bầu.

Hàng nghìn người Afghanistan đã lên đường đi bỏ phiếu lần đầu tiên từ năm 1969. Cuộc bầu cử diễn ra suôn sẻ.

Vài tuần sau đó, một đoạn video về Osama bin Laden xuất hiện. Trùm khủng bố thừa nhận chịu trách nhiệm cho vụ tấn công 11/9/2001.

"Chúng tôi muốn khôi phục lại tự do cho đất nước của chúng tôi," bin Laden tuyên bố.

Sau đó, số binh lính Mỹ tại khu vực tăng lên 20.000 người.

Năm 2005: Sự ưu tiên đổ dồn sang Iraq, quân đội Mỹ tại Afghanistan cảm giác như "bị lãng quên"

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 5.

Người cha Johnny Spann thăm mộ con trai Mike Spann vào tháng 2/2005. Mike Spann là lính Mỹ đầu tiên thiệt mạng trong chiến tranh Afghanistan. Ảnh: AP

Cuộc truy tìm Osama bin Laden tiếp diễn giữa lúc Afghanistan tổ chức bầu cử quốc hội. Trong số 6 triệu người bỏ phiếu, có hơn 500.000 phụ nữ.

Năm 2006: Bạo lực tại Afghanistan ngày càng gia tăng

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 6.

Lính Mỹ đứng canh gác tại Qala Bost giữa lúc Đại sứ Mỹ tới Afghanistan. Ảnh: AP

Lực lượng an ninh của NATO mở rộng chiến dịch tại miền nam Afghanistan trong khi nội bộ NATO bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt.

Cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ 10.5 tỉ USD để giúp Afghanistan trong cuộc chiến chống ma túy, đói nghèo và cải thiện an ninh quốc gia.

Mặc dù quân số của Mỹ vẫn duy trì ở mức 20.000 người, các cuộc tấn công bạo lực vào lính Mỹ có xu hướng gia tăng.

Năm 2007: Taliban bành trướng sức mạnh, Mỹ gửi thêm quân tới Afghanistan

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 7.

Lính Mỹ hành quân trong chiến dịch tấn công Taliban tại tỉnh Paktika, Afghanistan vào tháng 11/2007. Ảnh: AP

Thủ lĩnh Taliban khét tiếng Mullah Dadullah bị tiêu diệt tại miền nam Afghanistan. Dadullah dẫn đầu một nhóm phiến quân nguy hiểm tại tỉnh Helmand - một trong những "chảo lửa" nóng nhất cuộc chiến và là một cứ điểm mạnh của Taliban.

Mặc dù Dadullah thiệt mạng, Taliban vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng trong khi quân đội của NATO cố gắng giành lại quyền kiểm soát cho quân đội của Afghanistan.

Số lượng binh lính Mỹ tại Afghanistan tăng lên 25.000.

Năm 2008: Nhiều dân thường thiệt mạng, chỉ trích gia tăng

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 8.

Quân đội Pakistan tấn công các vị trí của phiến quân tại vùng Bajur dọc theo biên giới Afghanistan. Lực lượng quân đội Mỹ và NATO giao tranh quyết liệt với khủng bố tại khu vực - nơi được cho là nơi ẩn náu của Osama bin Laden và trợ lý Ayman al-Zawahiri. Ảnh: AP

Mỹ tiếp tục đưa quân sang Afghanistan, tới cuối năm con số đã lên tới 48.000 lính.

Nạn bạo lực và số dân thường thương vong cũng liên tục tăng trong năm 2008. Một xe bom phát nổ khiến 100 người thiệt mạng bên ngoài Kandahar.

Một cuộc đánh bom liều chết khác nhằm vào đại sứ quán của Ấn Độ tại Kabul khiến 58 người thiệt mạng, 141 người bị thương.

Theo các báo cáo, những đợt không kích của Mỹ tại Herat khiến ít nhất 90 dân thường thiệt mạng, 60 trong số đó là trẻ em. Hai đợt tấn công khác của Mỹ cũng vấp phải chỉ trích do làm thiệt mạng tổng cộng 150 dân thường.

Năm 2009: Ông Obama ưu tiên giải quyết chiến tranh Afghanistan, đưa nhiều quân hơn tới khu vực để tiêu diệt Taliban

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 9.

Lính Mỹ tuần tra gần trại Leatherneck, tỉnh Helmand, Afghanistan. Ảnh: AP

Tổng thống Barack Obama cam kết gửi thêm lính Mỹ tới Afghanistan và giảm sự hiện diện tại Iraq.

Tới tháng 12, gần 100.000 lính Mỹ đã có mặt tại Afghanistan.

Theo Liên Hợp Quốc, thương vong dân sự trong giai đoạn này tăng tới 24%.

Taliban ngày càng mạnh tại cả Afghanistan lẫn Pakistan, buộc Mỹ phải tập trung lực lượng tại cả hai khu vực cùng một lúc.

Năm 2010: NATO đặt thời hạn bất thường cho quá trình chuyển giao an ninh

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 10.

Một cậu bé Afghanistan đứng cạnh lính Mỹ tại tỉnh Helmand. Ảnh: AP

Các quốc gia thành viên NATO đồng ý đưa lực lượng an ninh Afghanistan trở về quân đội Afghanistan vào cuối năm 2014.

Số lượng binh lính Mỹ tại Afghanistan giữ vững tại mốc 100.000.

Năm 2011: Cuộc săn lùng Osama bin Laden kết thúc

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 11.

Khu nhà tại Abbottabad, Pakistan, nơi đặc nhiệm Mỹ phát hiện và tiêu diệt Osama bin Laden vào tháng 5/2011. Ảnh: Reuters

Tháng 5/2011, nhóm đặc nhiệm SEAL của Mỹ phát hiện và tiêu diệt Osama bin Laden - thủ lĩnh al-Qaeda và là kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9.

Cái chết của trùm khủng bố khiến nhiều phía đặt ra câu hỏi về sự hiện diện và tầm hoạt động của Mỹ tại Afghanistan. Sự hiện diện của Bin Laden tại Pakistan cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Afghanistan và nước láng giềng phía đông.

Sau một thập kỉ tham chiến: 1.800 lính Mỹ thiệt mạng, Mỹ tiêu tốn 444 tỉ USD.

Năm 2012: Bất đồng gia tăng căng thẳng

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 12.

Một người đàn ông Afghanistan chỉ tay về lính Mỹ trong cuộc biểu tình bên ngoài căn cứ Không quân Bagram sau khi lính Mỹ bị cáo buộc đốt kinh Koran. Ảnh: AP

Vào tháng 2/2012, lính Mỹ tại căn cứ Không quân Bagram bên ngoài Kabul bị cáo buộc đốt kinh Koran và sách Hồi giáo khác. Vụ việc làm bùng nổ các cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày. Tổng thống Obama đã phải gửi lời xin lỗi chính thức tới người dân Afghanistan.

Số lính Mỹ tại đây bắt đầu giảm, nhưng vẫn có tới hơn 70.000 người tại Afghanistan.

Năm 2013: Mỹ - Taliban nối lại đàm phán

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 13.

Một binh sĩ Afghanistan nghỉ ngơi sau khi làm sạch vũ khí trong buổi huấn luyện bên ngoài Kabul. Lực lượng quân đội Afghanistan tiếp tục tấn công Taliban tại 90% khu vực trên cả nước. Ảnh: AP

NATO không còn kiểm soát lực lượng an ninh Afghanistan, bắt đầu đảm nhận vai trò cố vấn và tuyên bố kết thúc nghĩa vụ tham chiến.

Các cuộc đàm phán Mỹ - Taliban được nối lại. Tổng thống Afghanistan Karzai ngừng thỏa thuận với Mỹ. Trong khi đó, quân đội Mỹ tiếp tục rút lui và chỉ còn 34.000 lính tại Afghanistan.

Năm 2014: NATO bắt đầu sứ mệnh Hỗ trợ Kiên quyết, Mỹ cam kết rút quân

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 14.

Một cảnh sát Afghanistan chứng kiến xe tải bốc cháy tại khu vực bị Taliban tấn công ở ngoại ô Kabul. Cuộc tấn công nhằm vào 200 xe chở nhiên liệu cho lực lượng NATO tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

Tổng thống Obama cam kết sẽ rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan vào cuối năm 2016.

Cuối năm 2014, chỉ còn dưới 10.000 lính Mỹ ở lại.

NATO chính thức kết thúc nhiệm vụ giao tranh, bắt đầu sứ mệnh Hỗ trợ Kiên quyết.

Năm 2015: Tổng thống Obama hoãn rút quân Mỹ, nhưng vẫn cam kết rút hoàn toàn khỏi Afghanistan vào năm 2016.

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 15.

Lính Mỹ tại tỉnh Helmand. Ảnh: AP

Việc rút lui của quân đội Mỹ không có tiến triển trong năm 2015. Tới cuối năm, Tổng thống Obama thay đổi quyết định với lí do Taliban đang quay trở lại.

Theo đó, khoảng 10.000 lính Mỹ vẫn sẽ tiếp tục ở lại Afghanistan và con số sẽ giảm xuống 1 nửa vào năm 2016.

Năm 2016: Tổng thống Obama tiếp tục hoãn rút quân

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 16.

Lính Mỹ bắn đạn Howitzer tại tỉnh Kandahar, Afghanistan vào tháng 6/2016. Ảnh: Reuters

Tổng thống Obama tiếp tục trì hoãn việc rút quân, giữ lại khoảng 8.000 lính ở Afghanistan cho tới cuối nhiệm kì của mình.

IS lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công vào Kabul vào tháng 7 khiến 80 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương.

Năm 2017: Tổng thống mới đắc cử Donald Trump cho thả "Mẹ của Các loại bom"

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 17.

Mẹ của các loại bom, hay MOAB, được thả xuống Afghanistan nhằm vào mạng lưới đường hầm của IS vào tháng 4/2017. Ảnh: DoD/Reuters

Nước Mỹ phải đương đầu với cả Taliban và IS tại Afghanistan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thả Mẹ của Các loại bom xuống tỉnh Nangarhar tại Afghanistan. Đây là loại vũ khí phi hạt nhân lớn nhất kho vũ khí của Mỹ với mục tiêu đánh sập hệ thống đường hầm ở miền đông Afghanistan giáp với biên giới Pakistan. Khoảng 96 tên khủng bố được cho là đã bị tiêu diệt.

Sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đưa thêm bộ binh tới Afghanistan theo lời khuyên của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis.

Năm 2018: Cuộc chiến vẫn chưa dừng lại

Afghanistan: 17 năm sa lầy của Mỹ và cuộc chiến không hồi kết qua bộ ảnh tư liệu quý - Ảnh 18.

Lực lượng an ninh tìm nơi trú ẩn sau vụ tấn công liều chết tại Kabul vào ngày 30/4/2018. Vụ nổ bom giết chết 25 người và làm bị thương 45 người khác. Ảnh: AP

Tổng thống Trump cắt hàng tỉ USD trợ cấp cho Pakistan với lí do nước này đang tài trợ phiến quân Taliban.

Tới nay, cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại