TP.HCM nhất trí đề án Sữa học đường và xây Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng

Nguyễn Cường |

Kết thúc kỳ họp sáng nay, HĐND TP.HCM đã thông qua đề án Sữa học đường với sự đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu. Kinh phí cho Đề án lên đến gần 1.135 tỷ đồng.

Sáng 8/10, HĐND TP.HCM đã tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua một số nội dung, trong đó đặc biệt quan trọng là hai đề án xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch” và “Sữa học đường”.

Kết thúc kỳ họp, HĐND TP.HCM đã thông qua đề án Sữa học đường với sự đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu.

Theo đó, trong năm học 2018 – 2019, thành phố sẽ triển khai đối với trẻ em mẫu giáo và thí điểm với học sinh tiểu học lớp 1 tại 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh – những nơi có tỷ lệ trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng cao hơn những quận huyện khác.

Tới năm 2019 – 2020 sẽ tiếp tục triển khai đối với trẻ mẫu giáo và sơ kết rút kinh nghiệm để mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học.

Kinh phí cho đề án lên đến gần 1.135 tỷ đổng, được phân bố theo tỷ lệ ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, cha mẹ học sinh đóng góp 50% (Tương ứng với 348 tỷ, 239 tỷ và 547 tỷ đồng).

Riêng học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo hay sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội được ngân sách và doanh nghiệp hỗ trợ 100%.

Về phương án đấu thầu, thành phố cho biết sẽ “Tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp sữa theo quy định của pháp luật”.

Đối với việc xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch”, theo đề án được trình, Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng, trong đó khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ.

Địa điểm xây dựng dự kiến tại Thủ Thiêm, quận 2 với kinh phí 1.508 tỷ đồng.

Trình bày tại đây, ông Trần Vương Thạch - Giám đốc nhà hát kịch giao hưởng liệt kê ba nhà hát hiện nay của thành phố là Hòa Bình, Bến Thành và Nhà hát thành phố.

Ông cho rằng những nhà hát này đều thiếu điều kiện để tổ chức các buổi biểu diễn lớn, thậm chí nhà hát Bến Thành chỉ nên coi là một “rạp biểu diễn”.

Ông khẳng định thành phố đang thiếu nhà hát ở tất cả các cấp, trong khi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng môi trường văn hóa cho người dân thành phố.

Về vai trò của Nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch trong những năm qua, ông Thạch cho biết, nơi này được thành lập từ 1993 và đến nay đã xây dựng được dàn nhạc giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch.

Ngoài ra nhà hát còn phối hợp với nhà hát Trần Hữu Trang, nhà hát Bông Sen, hay Giàn nhạc giao hưởng quốc gia để dựng các vở ca cổ, cải lương.

“Nhà hát đã song song xây dựng những tác phẩm nhạc giao hưởng vũ kịch quốc tế và Việt Nam. Đó không chỉ là xây dựng bộ môn nghệ thuật của người nước ngoài, mà từ đó còn phát triển nghệ thuật Việt Nam” – ông Thạch nhấn mạnh.

TP.HCM nhất trí đề án Sữa học đường và xây Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng nhà hát Thành phố quá nhỏ.

Tại đây ông Thạch cũng thông tin, nhiều đoàn nghệ thuật lớn của thế giới đã không tới Việt Nam biểu diễn vì nhà hát không đủ chuẩn.

"Họ đến Singapore, Úc rồi đi thẳng lên các nước Hàn Quốc, Nhật Bản mà không ghé qua Việt Nam bởi chúng ta chưa có nhà hát đủ tiêu chuẩn và diện tích để những giàn giao hưởng lớn biểu diễn” – ông Thạch cho hay.

Nói thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huỳnh Thanh Nhân đồng tình việc cần xây mới nhà hát.

Theo ông, sau khi xây dựng, các nhà hát cũ vẫn là điểm biểu diễn nghệ thuật nhưng sẽ dành tổ chức các chương trình nhỏ, ưu tiên cho loại hình truyền thống.

Ông cho biết, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đã được đào tạo ở nước ngoài, và thành phố mời cả chuyên gia nước ngoài về tập huấn, nhưng nơi biểu diễn “rõ ràng là thiếu” vì chỉ có những nơi vừa và nhỏ.

Trong khi đó đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho biết, bà đã đến xem nhiều buổi biểu diễn và ý thức được nỗi khổ của các nghệ sĩ tại đây, từ đó bà thấy rằng "cần thiết phải xây nhà hát này”.

“Nghệ sĩ Bùi Công Duy cao to với cây đàn lớn và đứng biểu diễn rất khó vì không xoay trở được trên sân khấu.

Tôi hoàn toàn đồng tình về tính cấp bách của nhà hát này” – bà Nhung cho hay, và đề nghị khi xây dựng thành phố cần kết nối nhà hát với không gian bên ngoài.

Không nói rằng mình không đồng tình với việc xây nhà hát, nhưng đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nhận định: “Bất kỳ loại hình nào cũng cần thị trường”, và nhạc giao hưởng, nhạc kịch “là loại hình kén chọn khán giả, yêu cầu người nghe phải có trình độ”.

Do vậy ông đề nghị ngành văn hóa phải có kế hoạch “đảm bảo nhà hát sáng đèn” từ bây giờ, đồng thời xem xét chương trình phổ biến loại hình này cho giới trẻ để “tạo nền tảng sau này cho nhà hát”.

Sau khi thảo luận, HĐND quyết định thông qua dự án xây nhà hát bằng hình thức biểu quyết. Khi được hỏi ý kiến, tất cả đại biểu có mặt tại hội trường đều nhất trí xây dựng nhà hát này, không có ai không đồng ý hay có ý kiến khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại