Việt Nam - Nhật Bản: Chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung

H.Liên |

Trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản nhân dịp dự hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản từ 8 - 10.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 6 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sớm đi vào triển khai.

Mekong - Nhật Bản cần ưu tiên 3 kết nối

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong việc thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực sông Mekong thời gian qua, “sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, trong đó có Nhật Bản, có ý nghĩa rất quan trọng”.

Điểm lại những thành tựu đã đạt được của hợp tác giữa Nhật Bản với khu vực Mekong, Thủ tướng cho rằng: “Mối quan hệ hợp tác hiệu quả, dài lâu giữa khu vực Mekong và Nhật Bản đã, đang và sẽ giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của các nền kinh tế, tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm tại khu vực”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản với các nước tiểu vùng sông Mekong trong thời gian tới còn rất lớn. Do đó, “chúng tôi mong muốn Nhật Bản tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là đối tác vì “phát triển chất lượng cao” ở khu vực Mekong, phát huy tối đa mối quan hệ tương hỗ giữa thế mạnh của Nhật Bản về công nghệ, tài chính với lợi thế của khu vực Mekong về tốc độ tăng trưởng, thị trường và lao động”.

Trong đó, Thủ tướng chỉ ra “hợp tác Mekong - Nhật Bản cần đặc biệt ưu tiên tăng cường 3 kết nối đã được thống nhất về hạ tầng giao thông, năng lượng; kết nối hạ tầng mềm về thể chế, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và kết nối con người gắn với kết nối số để tạo hiệu quả tổng hợp cao”. Ngoài ra, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và Mekong trong việc tập trung hợp tác hiện thực hóa tầm nhìn chung về một Mekong xanh.

Khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong để hội nghị cấp cao đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển của hợp tác Mekong - Nhật Bản thành công tốt đẹp.

Thủ tướng tin tưởng: “Hội nghị sẽ mở ra một chương mới và tiếp thêm động lực cho mối quan hệ đối tác tin cậy, hiệu quả, bền vững dài lâu giữa Nhật Bản và các nước Mekong; đồng thời nâng tầm quan hệ tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác của hai bên”.

Đánh giá về những điểm sáng trong mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung”.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, liên kết kinh tế ngày càng chặt chẽ, nổi bật là: Sự tin cậy về chính trị ngày càng được tăng cường; Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam; Hợp tác quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, giao lưu nhân dân không ngừng được củng cố và mở rộng. Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực...

Thủ tướng tin tưởng, trong thời gian tới, quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á” Việt Nam - Nhật Bản “sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày càng hiệu quả, ổn định và sâu rộng hơn”.

Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 6 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn CPTPP

Nói về thông điệp Việt Nam muốn gửi tới Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Nhật Bản trong đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ, đầu tư vào các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh cũng như các ngành công nghiệp đã được lựa chọn trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, trao đổi về tiến trình phê chuẩn CPTPP, Thủ tướng nhấn mạnh, việc tham gia CPTPP một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về tiếp tục đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, chủ động và tích cực tham gia định hình các khuôn khổ hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, đồng thời mở ra tiềm năng hợp tác rộng lớn về kinh tế - thương mại trong quan hệ với nhiều đối tác, trong đó có Nhật Bản.

“Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 6 thành viên đầu tiên hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định sớm đi vào triển khai. Theo đó, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sắp tới, tháng 10 - tháng 11.2018” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trao đổi về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Việt Nam hoan nghênh lập trường và chia sẻ nhận thức của Nhật Bản về tầm quan trọng của nỗ lực ngoại giao góp phần thúc đẩy việc tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp, thúc đẩy hợp tác, hiện thực hóa một Biển Đông hòa bình và ổn định”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn, Nhật Bản tiếp tục thể hiện trách nhiệm và vai trò, cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ và đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, duy trì hòa bình, ổn định mang lại thịnh vượng cho khu vực Biển Đông nói riêng và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại