Sóng ngầm ẩn dưới căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông

Minh Khôi |

Các hoạt động quân sự gần đây của Mỹ là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại đã lan sang lĩnh vực an ninh.

Washington kéo cả các đồng minh vào cuộc

Các hoạt động quân sự ở Biển Đông đang làm gia tăng bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như với Anh và Nhật Bản.

Trong động thái mới nhất, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ đã đi qua vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tuần tra suốt 10 tiếng đồng hồ trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Ga Ven và Gạc Ma.

Hải quân Mỹ cũng tố Trung Quốc đã cố tình "di chuyển thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp" khi tàu chiến nước này đi áp sát tàu Mỹ trong khoảng cách chỉ 40m và suýt gây ra va chạm.

Các quốc gia khác cũng tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Tuần trước, tàu chiến Anh HMS Argyll đã tham gia một cuộc tập trận với tàu chiến Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật ở Ấn Độ Dương trước khi tiến vào Biển Đông.

Bắc Kinh đã điều một tàu chiến và máy bay trực thăng để đối phó với sự hiện diện của tàu Anh tại khu vực.

Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết khu vực Biển Đông, nhiều lần yêu cầu các nước bên ngoài không nên can dự vào vấn đề này.

Những động thái gần đây ở Biển Đông cho thấy, các đồng minh của Mỹ cũng có xu hướng can dự nhiều hơn ở khu vực.

Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các tuyên bố về chủ quyền ở khu vực. Điều này gây áp lực lên Mỹ, và Washington đáp trả bằng cách kêu gọi các đồng minh như Nhật, Anh, Australia tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, Wu Shicun, Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông nhận định.

"Không chỉ có Mỹ, nếu bạn chú ý, các nước lớn khác cũng tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông", Collin Koh, chuyên gia về an ninh biển tại trường Đại học công nghệ Nanyang, Singapore cho hay.

Lửa lan từ chiến tranh thương mại

Hôm 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhấn mạnh chỉ trích với chính sách của Trung Quốc trên toàn cầu, đưa ra một loạt cảnh báo rằng, Mỹ sẽ không e ngại các đe dọa của Bắc Kinh.

Sóng ngầm ẩn dưới căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông - Ảnh 2.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ hôm 4/10. Ảnh: Reuters.

Phó Tổng thống Mỹ nhắc lại hành động áp sát tàu khu trục USS Decatur của tàu hải quân Trung Quốc, khiến tàu khu trục Mỹ phải nhanh chóng có động thái tránh va chạm.

"Hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tiến hành tự do hàng hải, hàng không ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia yêu cầu. Chúng tôi sẽ không bị đe dọa. Chúng tôi sẽ không thoái lui", Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ông Pence cũng chỉ trích chính sách ngoại giao "bẫy nợ" mà Trung Quốc sử dụng để mở rộng ảnh hưởng ở toàn cầu, thông qua việc đề xuất hàng tỷ USD cho vay hạ tầng với các chính phủ từ châu Á đến châu Phi, châu Âu, thậm chí cả Mỹ Latin.

Các điều kiện của các khoản vay đều mù mờ, và các lợi ích thì chảy ồ ạt về Bắc Kinh, Phó Tổng thống Mỹ nhận định.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng trong bối cảnh chiến tranh thương mại, khi cả hai nước liên tiếp áp đặt thuế trả đũa lên hàng hóa lẫn nhau. Các nhà phân tích cho rằng, các hoạt động quân sự gần đây của Mỹ là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại đã lan sang lĩnh vực an ninh.

Đông Nam Á tránh rơi vào thế "kẹp bánh mì"

Bắc Kinh đã mở rộng hiện diện tại vùng biển giàu tài nguyên, tuyến hàng hải trọng yếu của khu vực, bằng cách xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và thường xuyên điều các tàu chiến và máy bay quân sự đến khu vực.

Cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc diễn ra gần đây có sự tham gia của hàng chục máy bay chiến đấu, trong đó có ít nhất 2 máy bay ném bom J-11B, bắn đạn thật nhắm vào mục tiêu ở Biển Đông, đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin.

"Mỹ sẽ không bỏ rơi Biển Đông. Nước này sẽ tiếp tục là một thế lực lớn ở khu vực", nhà nghiên cứu Wu Shicun nói.

"Một số, nếu không muốn nói là tất cả các quốc gia Đông Nam Á hiện đang trong thế bị kẹt ở giữa", ông Collin Koh nói.

Các nước ASEAN đang cố gắng cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, tìm kiếm quan hệ kinh tế bền chặt hơn với Trung Quốc nhưng cũng muốn có cam kết an ninh từ Washington, chuyên gia này nói thêm. "Các nước ASEAN không nhất thiết phải chọn bên nào. Ý tưởng là tối đa hóa lợi ích từ các bên".

Adam Ni, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc tại trường Đại học quốc gia Australia cho rằng, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc càng lớn thì càng ảnh hướng đến sự kết nối và dòng chảy hàng hóa ở khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại