Chuyên gia Mỹ cảnh báo về "bẫy hiểm" Chiến tranh Lạnh khi Mỹ - Trung đối đầu

Thi Anh |

Trong cuộc phỏng vấn với Hoàn Cầu, chuyên gia người Mỹ đã trả lời câu hỏi: Mục đích của Tổng thống Trump là gì khi leo thang đối đầu với Trung Quốc?

Quan hệ Mỹ - Trung đã dần trở nên băng giá trong vài tháng trở lại đây. Vì sao hai nước này lại bị kéo vào một cuộc đối đầu leo thang? Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai bên, liệu có sự lạc quan nào còn lại cho khả năng cải thiện mối quan hệ song phương này?

Phóng viên của Hoàn Cầu Li Aixin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Mỹ Stephen Orlins, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung Quốc, liên quan tới những vấn đề này trong cuộc phỏng vấn độc quyền ở Bắc Kinh. Dưới đây là phần lược dịch bài viết.

Hoàn Cầu: Rất nhiều người lo ngại cho quan hệ Mỹ - Trung, ông thì sao?

Stephen Orlins: Chỉ có ai mơ ngủ mới không lo ngại. Kể từ tháng 12/2017, chúng tôi đã nhận thấy một sự đi xuống rõ rệt trong quan hệ Mỹ - Trung.

Quá trình này bắt đầu với bản Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược của Mỹ. Ngoài ra, tài liệu này còn cho rằng Trung Quốc là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại cùng với Nga.

Kế tiếp là Chiến lược Quốc phòng Quốc gia, trong đó Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra các bước họ sẽ thực hiện để đối phó với Trung Quốc. Sau đó là báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), trình bày rất nhiều vấn đề như chuyển giao công nghệ, rào cản thuế... Thế rồi chiến tranh thương mại bùng phát, cả hai bên áp thuế lẫn nhau và căng thẳng gia tăng.

Ta cũng thấy Trung Quốc bị loại khỏi tập trận RIMPAC. Đây là một điều đáng lo ngại bởi trong vài năm gần đây dưới thời của Tổng thống Obama, ta chứng kiến quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cải thiện, không kể tới quan hệ chính trị. Nhiều vấn đề nảy sinh nhưng quan hệ quân sự giữa hai bên vẫn ổn định.

Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi khi Trung Quốc bị loại khỏi RIMPAC, động thái được đưa ra nhằm phản ứng trước hành động quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông, mâu thuẫn với những cam kết mà giới lãnh đạo của Trung Quốc đưa ra trước đó.

Chuyên gia Mỹ cảnh báo về bẫy hiểm Chiến tranh Lạnh khi Mỹ - Trung đối đầu - Ảnh 1.

Tập trận RIMPAC. Ảnh: USN

Vấn đề thị thực cũng trục trặc. Nếu bạn là một sinh viên Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học, bạn sẽ không còn được cấp visa 5 năm ở Mỹ nữa, mà chỉ nhận được visa 1 năm.

Chúng ta có thể thấy luật pháp Mỹ nhiều khi gây rắc rối cho quan hệ Mỹ - Trung. Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia với một số điều khoản đáng lo ngại.

Hoàn Cầu: Một số nhà phân tích cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nguy hiểm. Ông nghĩ khả năng một cuộc chiến như vậy bùng phát là ở mức nào?

Stephen Orlins: Trung Quốc không phải là Liên Xô và tôi nghĩ sẽ rất khủng khiếp cho chính quyền hai nước nếu chúng ta rơi vào cái bẫy của Chiến tranh Lạnh. Có thể ở bên lề, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc là khác nhau. Nhưng về cơ bản thì không.

Tôi nghĩ tới một người mẹ ở Thượng Hải và một người mẹ ở New York. Những nỗi lo ngại của họ có thực sự khác nhau không? Tôi nghĩ câu trả lời là không.

Người mẹ ở New York trải qua sự kiện 11/9, vì thế bà ấy sợ khủng bố. Người mẹ ở Thượng Hải cũng lo ngại về khủng bố. Bà ấy cũng lo lắng về khủng hoảng kinh tế bởi cuộc khủng hoảng năm 2008 sẽ mang lại ít cơ hội cho con cái bà ấy hơn. Người mẹ ở New York cũng vậy.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là biến đổi khí hậu. Tôi nghĩ người mẹ ở Thượng Hải lo lắng về tình trạng nước biển dâng cao và ngập lụt. Người mẹ ở New York thì từng trải qua siêu bão, thảm họa thiên nhiên đã phá hủy đường tàu điện ngầm và đường phố New York.

Đó là những lo lắng mà con người đều có. Và những lo lắng ấy không hề mâu thuẫn. Chúng bổ sung cho nhau. Trung Quốc cũng thế mà Mỹ cũng vậy.

Có những khác biệt bên lề không? Có chứ. Nhưng tôi nghĩ người dân sẽ quyết định xem chính phủ đi theo chính sách nào.

Và theo quan điểm của tôi, người Mỹ và người Trung Quốc không muốn rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh, không muốn chi hàng trăm tỉ USD cho chi phí quân sự, thay vì dùng số tiền ấy để giúp người ta thoát khỏi đói nghèo, sửa chữa hạ tầng và cung cấp một nền giáo dục tốt hơn cho con cái.

Về ngắn hạn, ta có một số khó khăn nhưng về dài hạn thì quan điểm của người dân sẽ thắng thế và mối quan hệ sẽ được coi là tương hỗ, chứ không phải mâu thuẫn.

Hoàn Cầu: Mục đích của Tổng thống Trump là gì khi leo thang đối đầu với Trung Quốc?

Stephen Orlins:

Tổng thống Trump tin rằng về cơ bản Trung Quốc đã lấy mất việc làm của người Mỹ và mang về Trung Quốc thông qua trợ cấp nhà nước, các rào cản thuế quan, phi thuế quan và một sân chơi không công bằng. Nước Mỹ đã mất đi hàng triệu việc làm. Người khác thế nào thì không biết nhưng ông Trump thì tin như vậy.

Chuyên gia Mỹ cảnh báo về bẫy hiểm Chiến tranh Lạnh khi Mỹ - Trung đối đầu - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rấtTổng thống Trump tin rằng về cơ bản Trung Quốc đã lấy mất việc làm của người Mỹ. Ảnh: Reuters

Điều ông ấy muốn thấy là phần nào việc làm quay trở về Mỹ. Ông ấy muốn thấy sự công bằng trên sân chơi. Ông ấy muốn thấy tình trạng trợ cấp nhà nước chấm dứt, tình trạng thiếu bảo đảm đối với tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ kết thúc, hàng rào thuế quan được hạ thấp, và những quy định công bằng và minh bạch ở Trung Quốc.

Báo cáo của USTR chỉ ra nhiều điểm mà ông ấy muốn đạt được. Theo quan điểm của Trump, do Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc vào nhiều hơn số hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ nên Washington có thể chống đỡ tình trạng căng thẳng thương mại tốt hơn Trung Quốc. Tôi không đồng ý với những quan điểm ấy nhưng đó là quan điểm của ông ấy.

Hoàn Cầu: Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là về quyền lực hay tư tưởng?

Stephen Orlins: Về rất nhiều thứ. Anh không thể nói là về quyền lực hay tư tưởng.

Mỹ cũng có những căng thẳng tương tự với Nhật Bản vào những năm 1980. Tuy nhiên, có 2 điểm khác biệt cơ bản. Nhật Bản là đồng minh. Nhật Bản dân chủ. Vì thế, căng thẳng với Nhật Bản có thể được giải quyết khi các doanh nghiệp Nhật, Mitsubishi, Toyota, Nissan mở các nhà máy ở Mỹ, thuê người Mỹ, hạn chế xuất khẩu sang Mỹ.

Với Trung Quốc, điều tôi lo ngại là dù chúng ta giải quyết được căng thẳng thương mại, chúng ta sẽ vẫn còn căng thẳng an ninh, chúng ta sẽ tiếp tục không thể hợp tác về công nghệ thế kỷ 21. Giờ chúng ta có thể thấy người Mỹ lo ngại về trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc.

Điều chúng ta nên làm là tìm cách hợp tác về công nghệ AI. Điều chúng ta đang làm là đi theo hướng thiết lập 2 hệ thống riêng biệt cho AI - một của Trung Quốc và một của Mỹ. Điều đó có nghĩa là 2 hệ thống sẽ không tốt bằng trường hợp Mỹ - Trung hợp tác. Vì thế tôi thấy đường hướng chính sách này rất đáng lo.

Tôi tin rằng cùng nhau chúng ta sẽ có cơ hội giải quyết các vấn đề của thế giới. Ta không thể làm điều đó một cách riêng rẽ.

Hoàn Cầu: Ông đã chứng kiến Mỹ và Trung Quốc từ bình thường hóa cho tới thắt chặt quan hệ. Ông có thấy hy vọng nào cho khả năng cải thiện quan hệ không?

Stephen Orlins: Chắc chắn rồi. Có rất nhiều thứ kéo hai nước lại gần nhau. Đã có nhiều chuyển biến tích cực trong quan hệ Mỹ - Trung.

Tôi thường trao đổi với sinh viên Trung Quốc ở Mỹ, anh biết đấy, hiện nay có hơn 350.000 sinh viên Trung Quốc ở Mỹ. Hãy nghĩ về tầm ảnh hưởng của họ. Một số sẽ ở lại Mỹ và một số sẽ về nước. Nếu ở lại Mỹ, họ sẽ giáo dục cho người Mỹ về Trung Quốc. Nếu quay về, họ sẽ giáo dục cho người Trung Quốc về Mỹ. Đó sẽ là sợi dây kết nối hai đất nước và đó là tương lai.

Không có nhiều sinh viên Mỹ ở Trung Quốc, chỉ khoảng 20.000-25.000 nhưng họ cũng sẽ làm điều tương tự.

Tôi nghĩ dòng đầu tư đang chảy. Dù cả Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ lẫn tình trạng kiểm soát vốn của Trung Quốc đều mang lại nhiều hạn chế nhưng đây vẫn là một lĩnh vực quan trọng vì đầu tư cũng là sợi dây kết nối hai nước.

Công việc đầu tiên của tôi khi tới Trung Quốc là làm việc cho các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc. Những người mà tôi làm việc cùng có tầm hiểu biết về nước Mỹ hơn một người Trung Quốc thông thường. Đầu tư không giống thương mại. Nó giống như hôn nhân. Bạn phải nỗ lực thì mới đầu tư thành công. Kết quả là những mối quan hệ ấy đưa Mỹ và Trung Quốc lại gần nhau.

Thế nên, tôi nghĩ rằng quan hệ đầu tư, quan hệ giáo dục và các lợi ích mang tính tương hỗ cuối cùng sẽ kéo hai xã hội lại với nhau. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ không gặp khó khăn về ngắn hạn. Nó cũng cho những ai quan tâm biết rằng họ không thể nghỉ ngơi. Họ phải nỗ lực để bồi đắp cho quan hệ Mỹ - Trung.

Nếu bạn chỉ ngồi đó và nói, à, thôi cứ để người khác làm thì chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra cả. Tất cả những ai được lợi đều cần nỗ lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại