Sự cố tràn 45.000m3 bùn thải: Tạm đền bù 17 triệu đồng/hộ dân

Phạm Tuyên-Nguyễn Hoài |

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai, kết quả rà soát cho thấy, vụ vỡ đập hồ chứa chất thải gyps đã ảnh hưởng đến 35 hộ dân và 3 tổ chức. Đến nay, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem đền bù, hỗ trợ tạm thời tổng cộng 17 triệu đồng/hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo Vinachem, Công đoàn của tập đoàn này đã đền bù trước mắt cho mỗi hộ bị ảnh hưởng với số tiền 5 triệu đồng/ hộ. Trước đó, ngày 7/9, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem ứng trước 2 triệu đồng đền bù cho mỗi hộ dân bị ảnh hưởng.

Tại cuộc họp ngày 8/9/2018, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem cũng ứng trước tiền đền bù với số tiền 10 triệu đồng/hộ. UBND huyện Bảo Thắng đang tổng hợp thiệt hại để đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo thông tin từ Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu Vinachem chỉ đạo, rà soát hệ thống đê, đập của bãi chứa gyps đồng thời xem xét lại thiết kế, kết cấu thân đập để đảm bảo an toàn bãi thải gyps về lâu dài.

Sau khi hoàn tất việc bổ sung Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đối với khu vực bãi thải gyps và di dời các hộ dân trong khu vực, Công ty DAP số 2 mới được đưa nhà máy trở lại hoạt động.

Liên quan sự cố của Nhà máy DAP số 2, nhằm tăng cường phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất, UBND tỉnh Lào Cai cũng ban hành công điện yêu cầu đẩy mạnh phòng ngừa, ứng phó sự cố nói trên tại Lào Cai năm 2018.

Theo công điện này, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra hàng chục sự cố hóa chất như nổ khí gas, nứt, rò rỉ bồn chứa axit, đổ xe téc chuyên dụng chở axit trên đường vận chuyển của Công ty CP hóa chất Đức Giang.

Một số sự cố về hóa chất khác cũng được ghi nhận như vụ cháy nổ lò đốt bùn phốt pho tại một số nhà máy sản xuất phốt pho vàng; sự cố trong quá trình sản xuất phốt pho, rò rỉ amoniac tại nhà máy sản xuất DAP số 2,...

Những sự cố này gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tài sản của doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị sản xuất hóa chất phải tăng cường kiểm tra, kiểm định các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

Cùng đó, định kỳ tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn cho những người tiếp xúc với hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nguy hiểm, độc hại.

Phạt 830 triệu đồng 3 doanh nghiệp vi phạm

Về những vi phạm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cho biết, mới đây đã xử phạt tổng cộng 830 triệu đồng đối với 3 công ty có vi phạm về lĩnh vực môi trường ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng.

Trong số 3 công ty bị phạt sau đợt thanh tra tháng 7/2018 vừa qua, có Công ty Cổ phần DAP số 2 (Vinachem), Công ty TNHH MTV Supe lân Apromaco Lào Cai (bị phạt 350 triệu đồng) và Công ty Cổ phần Hóa chất Phúc Lâm Cai (bị phạt 130 triệu đồng).

Công ty Cổ phần DAP số 2 bị phạt vì không vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường tại bãi gyps, có hiện tượng rò rỉ nước thải ra môi trường, gây nguy cơ vỡ đập khi mưa to hoặc kéo dài.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai, sai phạm chủ yếu của ba doanh nghiệp này tập trung vào việc không vận hành đúng quy trình công trình bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; không lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động theo quy định và không xây dựng bãi chứa chất thải độc hại đúng quy định.

Riêng đối với Công ty Cổ phần Hóa chất Phúc Lâm, ngày 8/9/2017, UBND tỉnh Lào Cai cũng có quyết định xử phạt 340 triệu đồng về hành vi “không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của nhà máy sản xuất phụ gia thức ăn gia súc theo quy định”.

Cùng với xử phạt vi phạm hành chính, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị sản xuất, nhà máy khắc phục những hạng mục còn thiếu và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.

Cần tiếp tục điều tra

Theo ông Hoàng Văn Vy, Trưởng đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Lào Cai, kết quả test mẫu đất, nước tại khu vực xảy ra sự cố cho thấy, nồng độ axit được trung hòa. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của sự cố với môi trường cần được tiếp tục điều tra.

Ông Vy cho biết, với chất thải phân bón của Công ty Cổ phần DAP2, cơ quan chức năng quan tâm nhất đến nồng độ axit. Thời điểm xảy ra sự cố, nồng độ axit vùng sự cố rất cao. Chắc chắn môi trường đất, nước, hệ sinh thái bị ảnh hưởng.

Sau khi sử dụng 500 tấn vôi bột rắc vào khu vực xảy ra sự cố, hiện nay nồng độ axit vùng sự cố đã được trung hòa, trong ngưỡng an toàn, dựa trên kết quả phân tích độ pH trong mẫu đất, nước những ngày sau sự cố.

Giải thích về việc sông Hồng chưa có cá chết sau sự cố, ông Vy cho biết, do mực nước sông dâng cao, khả năng pha loãng lớn nên dù 2 con suối xảy ra sự cố đều chảy ra sông Hồng song chưa có dấu hiệu cá chết ở đây.

Tuy nhiên, theo ông Vy, đây là kết quả phân tích ban đầu, mức độ ảnh hưởng cụ thể đến môi trường vẫn đang được điều tra.

Nguồn nước trong khu vực (để sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản) vẫn đang được đánh giá. Các chỉ tiêu phân tích khác cũng phải chờ 10 ngày nữa có kết quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại