Bộ trưởng Tô Lâm: Có dấu hiệu vi phạm của cơ quan công an trong kỳ thi THPT 2018

Hoàng Đan |

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, có những dấu hiệu cho thấy vi phạm của cơ quan công an, cá nhân tham gia trong việc can thiệp kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

17h: Phiên chất vấn kết thúc

LÀM RÕ THỦ ĐOẠN GIẢ BỆNH ÁN TÂM THẦN

16h20: ĐB tỉnh Bắc Kạn hỏi về việc CA Hà Nội phát hiện đường dây làm giả bệnh án tâm thần cho các đối tượng phạm tội và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp xử lý.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: Về tội phạm mà đối tượng tâm thần, "ngáo đá", vừa qua có gây ra vụ án giết người, hành vi dã man, phía Bộ sẽ tăng cường phối hợp quản lý các đối tượng này. Nếu đưa vào trung tâm cơ sở chữa bệnh sẽ quản lý chặt, không để đối tượng gây vụ án man rợ như vừa qua. 

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đánh giá, Bộ trưởng Lâm đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn, nhận trách nhiệm về những hạn chế...

Ông Tỵ cho biết, chiều nay có 34 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó 26 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tham gia tranh luận. 8 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được chất vấn do hết giờ, ông Tỵ đề nghị gửi văn bản hỏi đến Bộ trưởng Công an.

Còn hành vi làm giả hồ sơ đối tượng tâm thần để trốn tránh hành vi phạm tội thì chúng tôi thấy có hiện tượng này. Vừa qua, có những vụ án, trinh sát phối hợp với cơ quan y tế để làm rõ thủ đoạn hoạt động này và xử lý. 

Cụ thể, khi gây án thì bình thường, nhưng khi truy tố, xét xử lại đưa ra giả hồ sơ người tâm thần, nhất là tâm thần phân liệt, rất khó đánh giá để trốn tránh hành vi phạm tội. Nhân viên y tế tiếp tay thì phải xử lý trước pháp luật. 

Đối với những đối tượng tìm cách gian lận, không bị bệnh tâm thần nhưng giả hồ sơ, tiêu cực chắc chắn sẽ bị xử lý, không chấp nhận hồ sơ đó. Bộ sẽ phối hợp với ngành y tế, bệnh viện, trung tâm giám định tâm thần để làm tốt, không để kẽ hở.

KHÔNG CHO XUẤT CẢNH ĐỐI TƯỢNG CÓ DẤU HIỆU LIÊN QUAN VỤ ÁN

16h10: ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và biện pháp  với trường hợp một số đối tượng phạm tội trốn ra nước ngoài trót lọt.

Theo ông Tô Lâm, các đối tượng phạm tội sẽ không trốn được qua đường xuất nhập cảnh mà phần lớn trốn theo con đường bất hợp pháp, đường tiểu ngạch, không đi qua các cửa khẩu chịu sự quản lý của cơ quan xuất, nhập cảnh. 

Để khắc phục tình trạng này, người đứng đầu ngành công an cho biết, đã đề xuất không cho xuất cảnh với những đối tượng trong phạm vi đang có dấu hiệu liên quan đến các vụ án. Đề xuất trên được chấp nhận. 

Đối với một số cán bộ, Đảng viên, nếu có những dấu hiệu trên sẽ báo cáo tổ chức Đảng đồng ý với biện pháp chưa cho xuất cảnh. Với những cán bộ đang trong quá trình điều tra, xử lý ban đầu nếu áp dụng như vậy sẽ ngăn chặn được việc trốn ra nước ngoài. 

Với số đã trốn ra nước ngoài sẽ tăng cường phối hợp với các nước, tổ chức cảnh sát quốc tế bằng các Hiệp định về pháp lý, tư pháp, dẫn độ để đưa các đối tượng này về nước.

VỤ ÁN ĐƯỜNG DÂY ĐÁNH BẠC NGHÌN TỶ LÀ 'BÀI HỌC XƯƠNG MÁU'

15h40: Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) hỏi: Tội phạm sử dụng công nghệ cao được phát hiện ngày càng nhiều. Một số vụ việc lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ cấp cao ngành công an gây bất bình trong nhân dân. Cụ thể là đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ vừa qua. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Tô Lâm: Có dấu hiệu vi phạm của cơ quan công an trong kỳ thi THPT 2018 - Ảnh 2.

ĐB Quách Thế Tản. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, việc đấu tranh với vụ án cờ bạc trên mạng được Bộ tập trung đấu tranh trong thời gian dài. Sau đó, Công an Phú Thọ phát hiện một mảng của vụ án này và Bộ giao Công an Phú Thọ điều tra, phá án sau khi các lực lượng nghiệp vụ đã làm rõ các đường dây. 

"Trong vụ án có liên quan đến nội bộ và đây là bài học xương máu của chúng tôi. 

Nguyên nhân là cán bộ không chịu rèn luyện thường xuyên và bị đồng tiền cám dỗ, lợi dụng các phương tiện kỹ thuật. Mảng công nghệ cao không phải lực lượng nào cũng nắm rõ nên có sự lợi dụng để bảo kê, liên quan. Vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Cùng với các vi phạm khác trong lực lượng công an, chúng tôi cũng đã có biện pháp chấn chỉnh, không để tội phạm này tiếp tục xảy ra.

Sau vụ án trên, chúng tôi còn phát hiện một số vụ án sử dụng công nghệ cao và không có sự liên quan đến lực lượng công an, lực lượng tham gia phá án. Khi phá án thu về số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhất là trong mùa World Cup vừa qua", ông Lâm nói.

CÓ CẢ ĐỐI TƯỢNG NHIỄM HIV ĐƯỢC THUÊ MƯỚN THAM GIA BIỂU TÌNH

15h35: Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) hỏi: Vừa qua thế lực thù địch lợi dụng một số sự kiện như sự cố môi trường Formosa, dự án luật về đặc khu để kích động, lôi kéo biểu tình, bạo loạn chiếm trụ sở cơ quan công quyền, gây thiệt hại lớn về tài sản và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh. Nhân dân rất bất bình và lên án hành vi trên. 

Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp ngăn chặn, trừng trị để không để xảy ra vụ việc tương tự? 

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời: "Trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ tụ tập, biểu tình, gây rối ở một số địa phương. 

Chúng tôi có phân tích trong một số vụ biểu tình này phát hiện nhiều đối tượng hình sự, ma túy, trong đó, có cả đối tượng nhiễm HIV được thuê mướn tham gia biểu tình với giá từ 200.000 – 400.000 đồng/lượt tham gia, với hành vi rất liều lĩnh, manh động, cốt cán trong hoạt động gây rối, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, thực hiện hành vi khủng bố, phá hoại. 

Ngoài âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lưu vong, hành động bộc phát của người dân, những tâm lý, kiến nghị chưa được xử lý thì tội phạm hình sự tham gia cũng là một con số đáng kể. 

Rõ ràng, việc này đã để xảy ra những hình ảnh không tốt và gây ra bức xúc trong một bộ phận quần chúng nhân dân". 

Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Tô Lâm, các cấp có thẩm quyền đã có chỉ đạo và thực hiện giải pháp tổng thể để giải quyết, không để xảy ra các sự việc này. 

Lực lượng công an tiếp tục nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại âm mưu của thế lực thù địch; triển khai hiệu quả các phương án bảo đảm an ninh, an toàn; tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng, không để bị kích động. Cùng với đó là tấn công truy quét đối tượng hình sự ngay ở địa bàn để các đối tượng không thể lợi dụng tham gia gây rối.

CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM CỦA CƠ QUAN CÔNG AN TRONG KỲ THI THPT 2018

15h32: Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) chất vấn: Vi phạm trong kỳ thi THPT làm mất niềm tin của người dân, làm băng hoại đạo đức xã hội. Lực lượng công an ngoài điều tra, còn tham gia vào các khâu đảm bảo an ninh trật tự của kỳ thi. 

Việc xảy ở địa phương cho thấy việc tham gia của công an không giúp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Đâu là trách nhiệm của công an địa phương và trước những sai phạm trong kỳ thi vừa qua, Bộ sẽ xử lý lực lượng công an tham gia quy trình này? 

Bộ trưởng Tô Lâm: Có dấu hiệu vi phạm của cơ quan công an trong kỳ thi THPT 2018 - Ảnh 3.

ĐB Cương

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, làm mất đến công bằng xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nhân lực. Lực lượng công an tham gia rất nhiều các khâu, từ Bộ đến các địa phương, điểm trường. 

"Quá trình tham gia, chúng tôi đã có những quy chế để hạn chế vi phạm. Cũng đã có những dấu hiệu cho thấy vi phạm của cơ quan công an, cá nhân tham gia trong việc can thiệp này. Cũng móc nối với người có trách nhiệm trong hội đồng thi, quản lý đề thi, có những gian lận trong việc đó hoặc cũng có tác động nhờ người này, người khác. 

Còn tiêu cực, vi phạm khác chúng tôi đang tiếp tục điều tra. Nếu có vi phạm về luật pháp thì cũng bị xem xét xử lý. Quan điểm chung của Bộ Công an là những vi phạm đó, bất kể lực lượng nào, kể cả trong nội bộ đều phải được xử lý thích đáng", người đứng đầu ngành công an khẳng định.

THỜI GIAN ĐIỀU TRA GIAN LẬN THI CỬ CÓ THỂ TRONG 4 THÁNG

Giơ biển tranh luận nội dung liên quan đến tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia sau đó, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện cho hay, cử tri rất quan tâm kết quả điều tra các sai phạm.

"Kết quả điều tra sẽ có trong thời gian bao lâu, phạm vi điều tra có mở rộng ra ngoài các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn không và thậm chí có mở rộng ra các năm trước không?", bà Hải nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, lực lượng chức năng rất muốn tập trung điều tra để kết thúc nhanh, nhưng phải bảo đảm là nêu được các vi phạm và đối tượng vi phạm; khi nào hoàn thành yêu cầu đó thì mới có câu trả lời về thời gian kết thúc điều tra.

"Thời gian điều tra có thể trong phạm vi 4 tháng, nếu chưa xong thì tiếp tục, không thể vì áp lực vào năm học mới mà có thời gian điều tra kết thúc sớm", Bộ trưởng Tô Lâm trả lời.

Về phạm vi điều tra, người đứng đầu ngành Công an khẳng định, nếu phát hiện ra các trường hợp ở địa phương khác vi phạm thì "tiếp tục điều tra chứ không chỉ ở các địa phương trên".

Ông nhấn mạnh, còn về những năm trước, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GD-ĐT kiểm tra, đánh giá lại kết quả của các trường, nếu phát hiện ra có dấu hiệu vi phạm thì sẽ điều tra. Tóm lại là không có gì giới hạn trong việc xử lý các hành vi gian lận thi cử, không bỏ lọt đối tượng nào liên quan đến vi phạm này.

CHƯA THU HỒI ĐƯỢC TÀI SẢN CỦA ĐỐI TƯỢNG TRỐN RA NƯỚC NGOÀI

15h30: Đại biểu Bình (đoàn Quảng Nam) chất vấn: Tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân; tỷ lệ thu hồi tài sản có chuyển biến tích cực nhưng chưa cao. Xin Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân dẫn đến khó thu hồi tài sản và giải pháp giải quyết triệt để. 

Theo ông Lâm, đấu tranh chống tham nhũng từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018 có sự chuyển biến rất tích cực, nhưng chủ yếu ở Trung ương như cơ quan điều tra cấp Bộ, cơ quan thanh tra, kiểm sát, kiểm tra…

Còn ở địa phương cũng đã bắt đầu chuyển biến, số lượng các tỉnh phát hiện, xử lý án tham nhũng có nhiều hơn trước và chỉ còn có 5 tỉnh không có án tham nhũng. Một số tỉnh vụ án tham nhũng mới ở cấp phường, xã chứ chưa ở cấp cao hơn. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, tăng cường hoạt động điều tra ở các cấp để giải quyết tốt vấn đề này.

Về thu hồi tài sản trong tham nhũng so với các năm trước có tiến bộ rất nhiều, có vụ án thu được gần 50% số tài sản cần thu hồi. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn như vụ án xảy ra lâu, đối tượng rất tinh vi, tham nhũng có chức, có quyền, có sự chuyển hoá về tài sản, chuyển ra nước ngoài, trốn ra nước ngoài...

Chúng ta chưa tham gia được những Hiệp định Quản lý, dẫn độ tài sản, xử lý tài sản chuyển ra nước ngoài và có đối tượng trốn ra nước ngoài mang theo tài sản lớn nhưng chưa thu hồi được.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để tháo gỡ để nâng cao hiệu quả đấu tranh", ông nói.

TỘI PHẠM TÍN DỤNG ĐEN ĐI ĐÒI NỢ NHƯ 'CƯỚP NGÀY'

15h15: Về câu hỏi liên quan tới giải pháp ngăn chặn tín dụng đen của ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Bộ trưởng Lâm cho rằng, Bộ xác định hoạt động của tín dụng đen là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm vi phạm pháp luật, hình sự tăng cao.

Đây vừa là loại tội phạm hình sự, nhưng cũng là một công ty, nhóm có hoạt động liên quan kinh tế, ranh giới giữa hoạt động kinh tế và hình sự rất khó phân biệt để xử lý.

Tội phạm tín dụng đen còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn, nhu cầu của người dân cần tiền để sử dụng trong việc kinh doanh, sản xuất cũng lớn, trong khi tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến kẽ hở, giúp tín dụng đen có đất phát triển.

Tín dụng đen là tội phạm bởi phần lớn đối tượng cầm đầu đều là đối tượng cộm cán, lập băng nhóm tiến hành hoạt động. Từ chỗ có tiền lớn, cho vay lãi cao đến chỗ có băng ổ nhóm siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích.

Nhiều nơi đòi nợ ngang nhiên như đi cướp ngày, gây bức xúc trong nhân dân... Nhiều tổ chức lợi dụng, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật…

Bộ xác định với tổ chức cho vay tín dụng đen, đây là loại hoạt động tội phạm mà xác định được đối tượng hình sự cầm đầu, tổ chức thành băng nhóm thì cần tập trung đấu tranh.

Bộ nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, với cơ quan ngân hàng tháo gỡ khó khăn huy động tiền nhàn rỗi trong dân, giải quyết tiếp cận vốn của người dân. Từ giải quyết được việc này thì tín dụng đen sẽ không còn đất.

Thống đốc Lê Minh Hưng: Tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng chính thức mở chi nhánh

Trả lời thêm về vấn đề tín dụng đen, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, bản chất tín dụng đen có đặc điểm không có đăng ký kinh doanh, khoản vay thường phục vụ vay vốn nhanh, điều kiện cho vay nhanh gọn, lãi suất cao theo thoả thuận mà không cần cam kết. Hoạt động này chủ yếu cho vay dân sự ngoài tổ chức cho vay theo quy định của luật.

Chính phủ chỉ đạo xử lý quyết liệt, đặc biệt khu vực nông thôn.

"Chúng tôi đưa ra quy định lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng chính thức mở chi nhánh ở địa bàn, thông qua các kênh cho vay... phần nào giải quyết nhu cầu tiếp cận vốn. Tuy nhiên, một bộ phận vay vốn gấp mà với tổ chức tín dụng cần thẩm định và phòng ngừa rủi ro.

Chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân mở chi nhánh, áp dụng công nghệ mới để tiếp cận vốn thanh toán, tạo điều kiện cho quỹ tín dụng nâng cao chất lượng hoạt động, đơn giản hoá thủ tục cho vay và thanh toán để tiếp cận vốn dễ hơn...

Trách nhiệm quản lý cần có sự phối hợp và NHNN sẽ tiếp tục có sự chỉ đạo để người dân dễ tiếp cận vốn hơn", ông Hưng nói.

15h: Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nói chưa thoả mãn về phần giải thích của Bộ trưởng liên quan tình trạng xâm hại trẻ em. Ông hỏi, nguyên nhân nào dẫn đến gia tăng đột biến về xâm hại trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2018? 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời: Đây là số lượng phát hiện, còn thực tế ở địa phương thì cần đánh giá. Số tăng lên một phần do tập trung chỉ đạo quyết liệt, khám phá, điều tra ngăn chặn, đó là sự hợp tác chung của quần chúng nhân dân. 

Về cơ quan điều tra chuyên trách, chúng tôi nhiều lần đề nghị nên có trình tự thủ tục đặc biệt để điều tra vụ việc này. Toà có hình thức toà gia đình, phòng xử án thân thiện, nhưng thủ tục điều tra thì cần tuân thủ trình tự đặc biệt, khi đó tháo gỡ được khó khăn sớm vạch trần tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. 

Lực lượng đã và đang tham gia trong nước và cả hợp tác quốc tế liên quan vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. 

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp) tiếp lời: Tình trạng tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Có vụ đối tượng hành động dã man như vụ các hiệp sỹ bị sát hại. Xin hỏi Bộ trưởng, mô hình hiệp sỹ có nên khuyến khích và nhân rộng hay không? Quan điểm chính thức của Bộ Công an về vấn đề này? 

Ông Lâm thông tin, tội phạm cướp và cướp giật xảy ra nhiều hơn ở thành phố lớn và điều này có tính quy luật. 

Theo thống kê tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương chiếm 25% số lượng phạm pháp toàn quốc, riêng HN và TP.HCM chiếm khoảng 20% tất cả vụ hình sự xảy ra trong phạm vi toàn quốc. Qua theo dõi, TP.HCM số vụ phạm pháp hàng năm đứng đầu toàn quốc... Qua thống kê, 6 tháng đầu năm, số vụ phạm pháp ở TP.HCM xảy ra 2.005 vụ, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2017…

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, nhất là ở TP.HCM. 

"Chúng tôi khẳng định lực lượng đủ và biện pháp để đấu tranh với loại tội phạm này. Tỷ lệ triệt phá ở TP.HCM được nâng cao, làm cho công tác phòng chống tội phạm này đạt một số kết quả tốt", ông Lâm quả quyết. 

Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh việc phát động các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự, quản lý chặt các đối tượng cộm cán, Bộ sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục, xác lập các chuyên án để đấu tranh với các đối tượng, băng nhóm phạm tội...

CÓ THỂ NĂM TRƯỚC ĐÃ CÓ GIAN LẬN TRONG THI CỬ

14h50: Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn: Kỳ thi THPT 2018 đã xảy ra gian lận nghiêm trọng. Theo ông đây là loại tội phạm gì, có mới không, năm trước có không, Bộ Công an có bất ngờ không và cần làm gì để đấu tranh phòng chống loại tội phạm này trong kỳ thi tới?

Bộ trưởng Tô Lâm: Có dấu hiệu vi phạm của cơ quan công an trong kỳ thi THPT 2018 - Ảnh 7.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí

Theo ông Lâm, Bộ phối hợp công an địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. 

Đây là những người thi hành công vụ, tham gia chấm thi, quản lý bài thi và có vi phạm trong hoạt động thi cử nên đây là hoạt động lợi dụng chức vụ quyền hạn. Đây là thủ đoạn, hoạt động mới, rất tinh vi đã được phát hiện năm 2018. Đối với kỳ thi trước cũng có gian lận và Bộ Công an cùng Bộ GD-ĐT tìm, đưa phương án tránh gian lận trong kỳ thi. 

"Với chúng tôi, loại tội phạm này không phải mới nhưng gian lận thì nhiều thủ đoạn. Việc này không phải bắt đầu mới có từ năm 2018 mà có thể năm trước đã có tình trạng gian lận trong thi cử. 

Điển hình khi khảo sát các cháu đỗ đại học rất điểm cao, nhưng khi vào các trường đại học, học với yêu cầu cao thì nhiều cháu không theo được. Nhưng vì điểm chấm, bài chấm là quy định nên việc thay đổi kết quả đó cần có kiểm tra, đánh giá", Bộ trưởng Lâm trả lời.. 

Để phòng, chống, theo Bộ trưởng Tô Lâm, cần quy trình quản lý từ khâu ra đề, tổ chức, chấm thi, tuyển sinh phải khép kín, tránh sơ hở bị lợi dụng. Bộ sẽ có kiểm tra, giám sát những tổ chức tội phạm liên quan đến việc thi cử, kể cả sử dụng biện pháp kỹ thuật.

KHÔNG ĐỂ VỤ TƯƠNG TỰ VŨ 'NHÔM' XẢY RA TRONG NGÀNH CÔNG AN

14h40: Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Thường trực UB về các vấn đề xã hội) hỏi: Cử tri bức xúc trước nhiều vụ việc phạm tội có tổ chức liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của một số sỹ quan công an thời gian qua. Vụ Vũ "nhôm" là vụ điển hình thể hiện sự lợi dụng chức vụ để phạm tội, trục lợi. 

Sau vụ việc này, Bộ có rà soát và còn kiểu Vũ "nhôm" hay không và Bộ đã có giải pháp nào để tránh tình trạng kiểu Vũ "nhôm" thời gian tới?

Bộ trưởng Lâm thông tin, vụ Vũ "nhôm" liên quan tới 5 vụ án đã khởi tố điều tra và đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; đã xử liên quan một số tướng lĩnh công an, cụ thể là 2 tướng công an đã xử lý trước pháp luật và xử lý một số người nguyên lãnh đạo Bộ Công an có vi phạm việc này. 

Đây là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ, xử lý nghiệp vụ có liên quan để lợi dụng hình thành tổ chức bình phong, tạo điều kiện thuận lợi để có những hoạt động vi phạm pháp luật. 

"Đây là bài học rất đắt giá của lực lượng công an và chắc chắn sẽ không còn tình trạng đối tượng, tổ chức, người lợi dụng tổ chức để có hoạt động tội phạm như vậy. Giải pháp chính là không để xảy ra vụ việc tương tự Vũ "nhôm" xảy ra trong nội bộ ngành công an. Chúng tôi đã rà soát, chấn chỉnh việc này", tư lệnh ngành công an khẳng định.

Bộ trưởng Tô Lâm: Có dấu hiệu vi phạm của cơ quan công an trong kỳ thi THPT 2018 - Ảnh 8.

ĐB Nhưỡng.

CÓ KHÓ KHĂN LIÊN QUAN TÌNH TIẾT MỘT SỐ VỤ XÂM HẠI TRẺ EM

14h30: Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) chất vấn: Đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá về mức độ tình trạng nghiêm trọng của xâm hại, nhất là xâm hại tình dục trẻ em hiện nay như thế nào? Có vụ có ý kiến của lãnh đạo cấp cao và báo chí thì việc xử lý mới rốt ráo và hiệu quả?

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, tình hình xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em diễn ra rất phức tạp. 

Năm 2017, phát hiện 1.592 vụ, giảm 3% so với năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện hơn 700 vụ, xâm hại tình dục trẻ em chiếm hơn 80% số vụ việc. Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là cháu gái, chiếm 80%.

Số đối tượng xâm hại đa phần chưa có tiền án, tiền sự, quen thân với các em và vừa qua xảy ra một số vụ xâm hại tình dục gây bức xúc cho dư luận xã hội. 

Nguyên nhân chung chủ yếu do tuyên truyền đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, sự phối hợp trong quản lý, chăm sóc các em chưa chặt chẽ, nhiều gia đình thiếu kỹ năng, bảo vệ con cái… Việc tiếp nhận, phân loại và xử lý tố giác tội phạm về xâm hại trẻ em chưa kịp thời, còn hạn chế.

Việc tố cáo, trình báo về xâm hại trẻ em còn chậm nên việc khám nghiệm hiện trường, củng cố chứng cứ gặp khó khăn ảnh hưởng đến điều tra xử lý loại tội phạm này. 

Bộ trưởng Tô Lâm: Có dấu hiệu vi phạm của cơ quan công an trong kỳ thi THPT 2018 - Ảnh 10.

Bộ trưởng Tô Lâm

Nạn nhân và người thân thường giấu kín, không tố giác, có trường hợp, đối tượng thực hiện hành vi nhiều lần mới bị phát hiện hay có trường hợp nạn nhân và gia đình thiếu hợp tác với cơ quan điều tra trong việc cung cấp chứng cứ, tội phạm.

Nhiều vụ việc không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân còn nhỏ nên việc khai báo chưa chính xác, không thống nhất... Việc đánh giá tài liệu, chứng cứ của các cơ quan chưa thống nhất dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài, chưa thể xử lý.

Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Bộ trưởng nêu rõ, sẽ đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng chống, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.

Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, đối với các vụ việc xâm hại trẻ em, không phải khi có lãnh đạo ý kiến mới được xử lý, mà tất cả các vụ đều được xem xét xử lý. Nhưng trong quá trình xử lý, có sự khó khăn cả về khách quan và chủ quan liên quan tình tiết vụ án nên có sự kéo dài một số vụ án. "Nói chung tinh thần quyết liệt để xử lý việc này", Bộ trưởng nêu rõ.

THU HỒI GẦN NHƯ TOÀN BỘ 500 BIỂN SỐ XE ĐƯỢC CẤP

14h20: ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi: Dư luận rất bức xúc về việc Bộ Công an cấp hơn 500 biển số xe 80 cho doanh nghiệp và tổ chức tôn giáo, đề nghị Bộ trưởng cho biết, vì sao lại có việc làm này? Đến nay, đã thu hồi hết chưa và xử lý trường hợp nào chưa?

Trả lời câu hỏi này Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Bộ có Thông tư quy định đăng ký quản lý phương tiện giao thông phân cấp quản lý biển số xe các phương tiện giao thông. Bộ đã chủ động phát hiện một số biển số xe cấp sai quy định. Qua kiểm tra khoảng 500 biển số thấy đa số thực hiện theo đúng quy định theo Thông tư, đúng thẩm quyền của Bộ Công an cho phép.

Nhưng đối chiếu thực tế cũng là sự vận dụng nên Bộ đã thu hồi gần như toàn bộ số biển số xe, còn khoảng 20 biển chưa thu hồi được vì đơn vị giải tán hoặc xe đó hết thời hạn lưu hành, tiếp tục truy tìm để thu hồi biển số xe này.

Chúng tôi có tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc này. Hiện nay việc đăng ký cấp, sử dụng biển số đi vào nền nếp theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Chưa đồng thuận với trả lời của Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tranh luận lại và cho rằng, nếu việc vận dụng cấp biển số xe đúng Thông tư của Bộ Công an thì tại sao lại thu hồi?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải, việc cấp biển số xe cho các đơn vị này không đúng (với thực tế) nhưng vẫn phù hợp với quy định (của Thông tư) là Bộ trưởng Công an có thẩm quyền cấp biển cho một số trường hợp. Và hầu hết các xe được cấp biển đều có sự đồng ý của lãnh đạo Bộ. 

Vậy nên Bộ Công an đã chủ động sửa Thông tư khi thấy quy định chưa phù hợp.

14h15: Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, có 32 vị ĐBQH đăng ký chất vấn. Ông đề nghị các ĐBQH chất vấn đi thẳng vào vấn đề và Bộ trưởng trả lời ngắn gọn.

XỬ NGHIÊM SAI PHẠM TRONG NỘI BỘ, KỂ CẢ TƯỚNG LĨNH CẤP CAO

14h09: Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng 2018 đã có 7 cán bộ chiến sỹ công an hy sinh, 90 cán bộ chiến sỹ bị thương, 37 cán bộ chiến sỹ công an bị phơi nhiễm HIV.Theo Bộ trưởng Lâm, Bộ Công an đã kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong nội bộ, kể cả tướng lĩnh cấp cao với tinh thần không có vùng cấm, nghiêm khắc nhưng rất nhân văn.

Người đứng đầu ngành công an nêu rõ, nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn, cấp bách. Tình hình hiện nay diễn biến hết sức mau lẹ, phức tạp, không cho phép lực lượng công an ngừng nghỉ, gián đoạn trong công việc. 

Thượng tướng Tô Lâm nêu rõ, việc triển khai mô hình tổ chức mới trước mắt đặt ra khối lượng công việc cần phải giải quyết rất lớn, bộ máy tinh gọn hơn, chức năng không thay đổi nhưng nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi lực lượng công an phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa mới hoàn thành nhiệm vụ được giao.

TRIỆT PHÁ NHIỀU BĂNG NHÓM HÌNH SỰ NGUY HIỂM

14h: Trước khi bước vào chất vấn, trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được chủ tọa dành cho 5 phút để báo cáo khái quát về các vấn đề liên quan. 

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian vừa qua, bên cạnh thuận lợi, công tác đảm bảo an ninh Quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, hoạt động cộng khai manh động.

Tình hình an ninh xã hội, khiếu kiện đất đai, tập trung đông người, biểu tình, gây rối an ninh trật tự diễn biến phức tạp, tội phạm có tổ chức, giết người, sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng.... 

Bộ trưởng Tô Lâm: Có dấu hiệu vi phạm của cơ quan công an trong kỳ thi THPT 2018 - Ảnh 11.

Đồ họa: Mạnh Quân

Lực lượng công an đã đảm bảo vững chắc an ninh Quốc gia, gương mẫu đi đầu trong sắp xếp bộ máy, quyết liệt triển khai thực hiện nghị quyết về đảm bảo an ninh trật tự đạt kết quả toàn diện trên các mặt công tác. 

Mặc dù vừa qua xảy ra vụ việc phức tạp, gây mất an ninh trật tự ở địa phương nhưng nhìn chung an ninh chính trị được giữ vững, hầu hết trọng án đều được điều tra làm rõ, triệt phá nhiều băng nhóm hình sự nguy hiểm... 

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tăng cao, đấu tranh với tội phạm ma tuý đạt kết quả nổi bật, đánh trúng, đúng nhiều đường dây, đối tượng cộm cán, phức tạp như vụ ở Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La)…

Theo chương trình, từ 14h hôm nay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham gia "chia lửa" với Thượng tướng Tô Lâm còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và nhiều trưởng ngành, Bộ trưởng.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ có hơn 2 giờ (14 giờ đến 16 giờ 35 phút) để trả lời chất vấn.

Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn trong một ngày và vẫn áp dụng hình thức đổi mới từ kỳ chất vấn tại phiên họp lần thứ 22. Theo đó, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút mỗi lần. Sau đó, người được chất vấn sẽ trả lời ngay câu hỏi của ĐBQH.

Trong trường hợp ĐBQH chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận như tại phiên chất vấn ở QH, thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai này.

Trước đó, trong báo cáo gửi Ủy ban TVQH, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, tình hình vi phạm, tội phạm về kinh tế, tội phạm về chức vụ vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Phương thức, thủ đoạn của tội phạm kinh tế, tham nhũng được phản ánh là rất đa dạng và tinh vi.

"Trong đó, nổi lên tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các đối tượng thoái hoá, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư dưới các hình thức như thành lập các công ty "sân sau", "công ty gia đình", dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công, cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của Nhà nước...

Sự móc nối giữa hai khu vực đã tạo thành chu trình khép kín cho loại tội phạm này hoạt động, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn", báo cáo nêu.

Để đưa ra ánh sáng, thời gian qua Bộ Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ, tăng cường nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tội phạm về chức vụ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Qua điều tra các vụ án, Bộ đã kiến nghị các ngành khắc phục nhiều sơ hở thiếu sót không để tội phạm hoạt động.

Người đứng đầu ngành Công an cũng nêu ra thực tế, 6 tháng đầu năm 2018 phát hiện 3.110 đối tượng tội phạm là trẻ vị thành niên, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2017.

Điều này cho thấy tội phạm ngày càng có xu hướng trẻ hóa, trong đó có nhiều vụ phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hầu hết các đối tượng phạm tội có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái, dẫn đến bị dụ dỗ, lôi kéo, sa ngã, bỏ nhà sống lang thang…

Ngoài ra, ở nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, theo Bộ trưởng Bộ Công an, từ năm 2016 đến nay, trung bình 1 năm xảy ra gần 100 vụ giết người cướp tài sản; 1.000 vụ giết người do nguyên nhân tâm lý, xã hội...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại