Cựu chiến binh Trung Quốc biểu tình: "Cơn đau đầu" dai dẳng của ông Tập Cận Bình

Thủy Thu |

Con số khổng lồ 57 triệu cựu chiến binh sẽ là mối đe dọa tới hình ảnh, tham vọng xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh số 1 thế giới của ông Tập nếu TQ không xử lý ổn thỏa vấn đề.

Hiện tượng kéo dài nhiều thập kỷ

Sau 11 năm phục vụ trong quân đội, năm 1987, Đằng Hưng Cầu chuyển ngạch về công tác tại hợp tác xã thành phố Ích Dương, Hồ Nam, Trung Quốc. Đến năm 1992, doanh nghiệp cải cách, Đằng về hưu.

Vào năm 1997, không thể chịu đựng được cảnh nghèo khổ, người vợ của ông này đưa theo cô con gái đi xứ khác. Cũng trong năm này, Đằng Hưng Cầu buộc xuôi xuống Quảng Đông tìm kiếm cơ hội mới nhưng do không thạo bất cứ ngành nghề nào, Đằng không thể tìm được công việc thích hợp.

Đáng buồn hơn, có thời gian, cựu binh Trung Quốc này buộc phải đi xin ăn dọc các con phố miền Nam.

Cựu chiến binh Trung Quốc biểu tình: Cơn đau đầu dai dẳng của ông Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Hiện trạng biểu tình của các cựu binh Trung Quốc kéo dài hàng thập kỷ qua. Ảnh: Reuters

Không thể trụ nổi ở phương Nam, Đằng Hưng Cầu đành quay trở lại quê nhà. "Khát thì có thể uống nước máy nhưng không có tiền mua vé nên [tôi] đành đi dọc theo đường tàu", Đằng nói, ông đã phải đi bộ hơn 500km để trở về đến Hồ Nam.

Thời gian về quê sau đó cũng chẳng thể xán lạn hơn, trong khi các chính sách đối với cựu chiến binh do trung ương ban hành không được thi hành triệt để ở địa phương. Đến tháng 6/2005, Đằng liên lạc với các chiến hữu cũ lên Bắc Kinh gửi đơn thư kiến nghị.

Sáng 10/5/2006, mặc bộ quân phục cũ đã được giặt sạch, mang thêm tập tài liệu khiếu nại, Đằng hồ hởi bước lên chuyến tàu tới Bắc Kinh cùng vài trăm chiến hữu ở Hồ Nam.

Đằng kể lại, khi đó ông rất lạc quan, ông và các chiến hữu vừa cười đùa vừa hy vọng, sau khi chính sách được thực hiện, họ có thể quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, vừa bước ra khỏi nhà ga, họ "chết lặng", bởi cơ quan chức năng đã đợi họ từ sớm. Chưa kịp gặp các chiến hữu trên cả nước, nhóm của Đằng đã bị đưa về một căn nhà ở ngoại ô. Ba ngày sau, họ được đưa về Ích Dương.

Đó là câu chuyện của 1 cựu chiến binh Trung Quốc được The New York Times ghi nhận cách đây 4 năm.

Thực tế, các cuộc biểu tình của giới cựu binh Trung Quốc đã diễn ra trong nhiều thập kỷ nhưng nay mới được biết đến nhiều hơn nhờ truyền thông và mạng xã hội.

Năm 2016, khoảng 1.000 cựu binh mặc quân phục, hát và vẫy quốc kỳ biểu tình ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh để phản đối việc họ bị mất việc làm.

Hay mới đây, những ngày cuối tháng 6 tại Giang Tô, cũng hơn 1.000 cựu chiến binh tại nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã tập trung ở phía Đông thành phố, ca hát và hô khẩu hiệu trong suốt 4 ngày.

Cuộc biểu tình chỉ được giải tán khi lực lượng cảnh sát bán quân sự và xe bọc thép xuất hiện.

Theo một số nhân chứng tại hiện trường, đã có trường hợp đổ máu trong cuộc biểu tình trên do sự xô xát giữa các cựu binh và cơ quan chức năng.

Khâu quản lý yếu kém

Cựu chiến binh Trung Quốc biểu tình: Cơn đau đầu dai dẳng của ông Tập Cận Bình - Ảnh 2.

Các cựu binh biểu tình tại tỉnh Tây An năm 2014. Ảnh weibo

Theo giới quan sát, yêu cầu của các cựu chiến binh chủ yếu nhằm vào vấn đề kinh tế như đãi ngộ và vị trí công tác sau khi rời quân ngũ.

Tuy nhiên, các chính quyền địa phương còn gặp nhiều thiếu sót trong các khâu quản lý. Bên cạnh đó, điều khó tránh khỏi khi thực thi các chính sách từ trung ương sẽ xuất hiện tình trạng bòn rút, tham nhũng.

Nhà phân tích chính trị Chương Lập Phàm cho rằng, cuộc biểu tình của các cựu binh Trung Quốc gần đây, điển hình là vụ việc ở Trấn Giang, Giang Tô hồi cuối tháng 6 vừa qua diễn ra trong thời điểm tương đối nhạy cảm - cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang leo thang căng thẳng và nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ suy thoái lớn nhất trong ngắn hạn.

Ông Chương cho rằng, sự kiện cựu chiến binh Trung Quốc biểu tình có những đặc điểm sau: Thứ nhất, vai trò tổ chức tương đối chặt chẽ, vụ biểu tình ở Giang Tô còn nhận được sự ủng hộ, tham gia từ các cựu binh ở nhiều vùng miền tại Trung Quốc.

Thứ hai, khác với năm ngoái và năm kia, năm nay Bộ Các vấn đề cựu chiến binh đã được thành lập sau kỳ Lưỡng hội, chính phủ đã có đơn vị chuyên môn quản lý nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Thứ ba, phương thức trấn áp của chính phủ Trung Quốc cũng không giống như trước đây. Những năm trước, cơ quan chức năng đơn giản chỉ cử lực lượng ngăn chặn nhưng năm này họ đã xử lý khác.

Ví dụ, các cựu binh từ tỉnh Tứ Xuyên tới Trấn Giang đã bị hủy vé tàu khi đoàn biểu tình mới tới Trịnh Châu, Hà Nam. Thậm chí, vũ khí quân sự như xe quân sự, bọc thép cũng được điều động tới hiện trường để giải tán đám đông.

Thứ tư, xung đột đổ máu. Có bộ phận người biểu tình đổ máu do xô xát với lực lượng chức năng. Những cuộc biểu tình ở Bắc Kinh trước, hai bên đều sử dụng phương pháp hòa bình, chính phủ cũng không đưa ra hình thức trấn áp nghiêm khắc.

Chương Lập Phàm nhận định, chính quyền các địa phương Trung Quốc đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan khi e ngại nếu tiến hành trấn áp mạnh mẽ sẽ gây nên vụ xô xát đẫm máu, điều này sẽ ảnh hưởng đến hình tượng, tham vọng quân sự và tiến trình cải cách quân đội đang diễn ra.

Chương còn dự đoán, vụ việc này có thể liên quan đến từ sự đối đầu trong nội bộ quân đội Trung Quốc, khi nhóm đối lập muốn lợi dụng vụ việc để gây áp lực lên nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trung Nam Hải xoa dịu dư luận

Cựu chiến binh Trung Quốc biểu tình: Cơn đau đầu dai dẳng của ông Tập Cận Bình - Ảnh 3.

Bộ Các vấn đề cựu chiến binh Trung Quốc được thành lập vào tháng 4 năm nay nhưng chưa có nhiều bước đi thiết thực. Ảnh: Tân Hoa Xã

Là một trong số những lực lượng quân sự lớn nhất thế giới nhưng trước đây Trung Quốc không có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến cựu chiến binh. Phải đến tháng 3 vừa qua, Bộ Các vấn đề cựu chiến binh mới được thành lập.

Trước khi chính phủ Trung Quốc chỉ định cơ quan chuyên trách, các vấn đề liên quan đến cựu binh sẽ do từng địa phương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, do kinh phí địa phương có hạn nên gây nhiều khó khăn trong công tác trợ cấp.

Mới đây, Bộ Các vấn đề cựu chiến binh kết hợp với Bộ Tài chính vừa ban hành một thông tư liên quan đến việc cải thiện lương hưu và trợ cấp sinh hoạt cho các cựu chiến binh. Thông báo này được công bố vào ngày 27/7, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8, theo đó lương cơ bản áp dụng với đối tượng hưu trí khuyết tật tăng 10% so với cơ sở hiện hành.

Cụ thể, đối với các quân nhân phục viên, mức trợ cấp sinh hoạt tăng 1,200 NDT/người/năm (1NDT=0.15 USD). Nguồn kinh phí trên sẽ do Bộ tài chính chi trả.

Đợt tăng lương hưu đối với các cựu binh trùng dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, sau khi các cựu binh trên toàn quốc tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình đòi quyền lợi.

Ngày 31/7, trả lời báo chí, Bộ trưởng Tôn Thiệu Sính cho biết, vấn đề khó khăn chủ yếu của Bộ Các vấn đề cựu chiến binh chính là trong quá khứ không có cơ quan chuyên môn quản lý các cựu binh, thông tin giấy tờ không đầy đủ nên trong tương lai, bộ này sẽ cố gắng thu thập kiện toàn thông tin của các cựu binh.

Giới phân tích quân sự cho rằng, với con số khổng lồ 57 triệu cựu chiến binh, đây thực sự là "cơn đau đầu" dai dẳng của các cơ quan chức năng Trung Quốc.

Thực tế, hàng loạt cuộc biểu tình vừa qua của các cựu binh Trung Quốc được cho tác động không nhỏ tới hình ảnh quân đội Trung Quốc cũng như kỳ vọng đưa quân đội nước này trở thành lực lượng hùng hậu số 1 thế giới vào năm 2050 như Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sau kỳ Đại hội ĐCSTQ khóa 19 vào tháng 10/2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại