Vietjet Air tăng lợi nhuận nhờ phí hành lý ký gửi, bán thức ăn trên máy bay

Trần Anh |

Doanh thu ngoài tiền vé máy bay đạt bình quân gần 16 USD/khách trong quý 2 vừa qua là mức cao nhất từ trước đến nay của Vietjet Air.

Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air) mới đây công bố kết quả kinh doanh quý II năm 2018 với doanh thu tăng trưởng 52% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo đó, doanh thu trong quý 2 của doanh nghiệp này đạt 8.588 tỷ đồng. Lợi nhuận từ mảng kinh doanh lõi là vận tải hàng không cũng tăng trưởng tốt, đạt 950 tỷ đồng, tăng trưởng 43,7%.

Từ đầu năm 2018 đến nay, giá xăng máy bay đã tăng hơn 50% và điều tác động tiêu cực tới ngành vận tải hàng không. Tuy nhiên, theo Vietjet Air, việc lợi nhuận của hãng hàng không vẫn mạnh so với cùng kỳ nhờ phục vụ được nhiều hành khách hơn.

Riêng quý II, Vietjet đã vận chuyển hơn 5,8 triệu hành khách, tăng 28% so với cùng kỳ. Trong đó, các đường bay quốc tế cho tín hiệu khả quan khi đón tiếp hơn 1,6 khách, tăng 96%.

Đại diện Vietjet Air cho biết, đơn vị này vẫn đang theo đuổi chiến lược dài hơi đó là duy trì mức tăng trưởng tốc độ cao, giảm chi phí khai thác, tăng dần các đường bay quốc tế và đặc biệt là đẩy mạnh mảng doanh thu ngoài tiền vé, bao gồm các mảng dịch vụ như đồ ăn trên máy bay, phí hành lý ký gửi, bảo hiểm hay bán quà lưu niệm.

Trong quý II vừa qua, doanh thu ngoài vé máy bay đạt bình quân gần 16 USD/khách, mức cao nhất từ trước đến nay của Vietjet Air.

"Trong năm 2019, Vietjet Air dự kiến mở thêm 21 đường bay mới. Trong đó có 15 đường bay quốc tế, 6 đường bay nội địa, bao gồm đường bay mới đến sân bay Vân Đồn", bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air cho biết.

Có thể thấy, chiến lược của Viejet Air những năm tới bắt đầu bớt tập trung vào các "đường bay vàng" (ám chỉ những đường bay có tỉ lệ lấp đầy hành khách cao như tuyến Hà Nội – TPHCM) do cạnh tranh tại các tuyến bay này ngày càng khốc liệt.

Thay vào đó, hãng hàng không tìm kiếm cơ hội tại những đường bay mới, đường bay quốc tế ở thị trường Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc) , Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ.

Theo kế hoạch, Vietjet Air sẽ phục vụ khoảng 30 triệu hành khách trong năm 2019. Để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao này, hãng hàng không đang đẩy nhanh tiến độ nhận máy bay mới.

Từ đầu năm đến nay, Vietjet Air đã nhận thêm 4 tàu bay Airbus A321 mới. 6 tháng cuối năm, Vietjet dự kiến nhận thêm 13 tàu bay, nâng số tàu bay lên 66. Tới cuối năm 2019, con số này sẽ là 78 tàu bay.

Mới đây nhất, ngày 18/7, Vietjet Air đã tuyên bố thêm một hợp đồng ghi nhớ (MOU) đặt hàng 80 phi cơ 737 MAX 10 và 20 phi cơ 737 MAX 8 của Boeing. Giá trị hợp đồng là 12,7 tỷ USD theo giá niêm yết.

Đây là bản hợp đồng thứ 4 của Vietjet Air với 2 hãng sản xuất máy bay là Boeing và Airbus. Ước tính khi các hợp đồng với Airbus và Boeing đều được hoàn tất, đến năm 2025, đội bay của Vietjet sẽ gồm hơn 300 chiếc, qua mặt tất cả các hãng hàng không trong nước về số lượng.

Thông qua nghiệp vụ ‘sale and leashing back’ - bán và cho thuê lại máy bay, Vietjet Air dự kiến thu về một khoản doanh thu lớn từ hoạt động này, thậm chí còn cao hơn cả nguồn thu từ hoạt động kinh doanh lõi là vận tải hàng không.

Thêm vào đó, không chỉ Vietjet Air, các hãng hàng không trong nước, như Vietnam Airlines hay Bamboo Airways cũng đang hướng tầm nhìn sang các đường bay quốc tế vào Việt Nam.

Cuối tháng 6 vừa qua, Bamboo Airways đã ký một bản hợp đồng ghi nhớ trị giá 5,6 tỷ USD với Boeing để mua 20 máy bay thuộc dòng 787-9 Dreamliner. Bamboo hướng việc sử dụng những máy bay này vào khai thác các tuyến bay quốc tế chặng ngắn tới Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại