3 doanh nghiệp lớn của Việt Nam bị thiệt hại đến đâu trong vụ vỡ đập ở Lào?

Tu Anh |

Công ty CMVietnam và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Việt Nam Viettel là ba trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ sự cố vỡ đập thủy điện Lào.

Tối ngày 23.7, đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, Nam Lào, bị vỡ làm cho năm bản của huyện Sanamxay ngập hoàn toàn, gồm bản May, bản Hinlath, bản Nhaythe Sanong Tay, bản Thaxengchan, bản Thahin, trên 1.300 hộ gia đình với 6.600 người bị ảnh hưởng.

Trong số các nhà thầu quốc tế tham gia vào dự án thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy có một doanh nghiệp Việt Nam là Công ty cổ phần Xây dựng và nhân lực Việt Nam (CMVietnam) với vai trò thầu phụ.

Theo ông Phạm Minh Phúc - Chủ tịch HĐQT Công ty CMVietnam, sự cố vỡ đập phụ của cụm đầu mối không liên quan tới hạng mục mà công ty nhận thi công. Hiện doanh nghiệp này thi công 2 gói thầu (gói số 9 và 3) tại dự án thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy, và là nhà thầu phụ của SK Engineering & Construction (Hàn Quốc).

Trả lời báo chí, đại diện Công ty CMVietnam cho biết, sự cố xảy ra tại một hạng mục đập thuộc cụm đầu mối của dự án, cách xa từ vị trí CMVietnam đang thi công và không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến công việc, nhân sự và thiết bị của CMVietnam.

3 doanh nghiệp lớn của Việt Nam bị thiệt hại đến đâu trong vụ vỡ đập ở Lào? - Ảnh 1.

26 công nhân được đưa đến Nông trường Hoàng Anh Attapeu. Ảnh: HAGL

Về Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, vào thời điểm vỡ đập thủy điện phía Công ty HAGL có 26 công bị mắc kẹt lại do nước chia cắt, thậm chí muốn cứu người nhanh bắt buộc phải dùng trực thăng đưa ra.

Hoàng Anh Gia Lai là một trong những doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn tại tỉnh Attapeu. Tập đoàn này đã trồng 17.000 ha cao su tại đây; có một dự án thủy điện nằm ở phía Tây Trường Sơn, cách đập thủy điện bị vỡ khoảng 200 km; một nông trại cây giống quy mô nhỏ của Công ty Đại Thắng.

Chiều 25.7, toàn bộ 26 công nhân bị mắc kẹt đã được trực thăng đưa đến nơi an toàn. Trong sự cố lần này, ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL) đã đến trực tiếp Attapeu để cứu hộ công nhân.

Ngoài Công ty CMVietnam và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Việt Nam Viettel cũng là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ sự cố vỡ đập thủy điện.

Thông tin về những thiệt hại ban đầu, ông Đặng Quang Hiếu - Phó giám đốc kinh doanh tại Attapeu trả lời báo chí: “Theo thống kê sơ bộ có 4 trạm trên địa bàn của Sanamsay đã hoàn toàn bị tê liệt. Các thiết bị trong 4 trạm này đều không thể hoạt động. Còn 2 trạm nữa đang nằm trọn vẹn trong vùng bị chia cắt”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại