Điểm Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2018 thấp giật mình: Tại thầy, tại trò hay tại...đề?

BÍCH HÀ |

Nếu kết quả thi tốt nghiệp phản ánh đúng tình hình dạy - học trong nhà trường thì những con số giật mình về điểm thi môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương đang nói lên điều gì?

Thấp đến giật mình

Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã hoàn tất công tác chấm thi, thống kê phổ điểm và gửi báo cáo kết quả về Bộ. Điểm thi sẽ được chính thức công bố vào ngày 11.7.

Những ngày qua, nhiều địa phương đã tiết lộ về tình hình điểm thi của thí sinh. Mặt bằng chung, điểm thi năm nay khá thấp, xuất hiện ít điểm 10.

Điều này không lạ khi đề thi năm nay được nhiều chuyên gia đánh giá là có độ phân hóa cao, tăng độ khó lên rất nhiều so với năm 2017.

Tại TPHCM, gần 81% thí sinh có điểm dưới 5 môn Lịch sử . Trong số 28.000 thí sinh dự thi, có 19,1% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên; số thí sinh từ 8 điểm trở lên là 0,36%. Môn này cũng không có điểm 10, chỉ có thí sinh đạt điểm 9,75.

Lịch sử đang là môn thi trắc nghiệm có điểm thấp nhất trong 4 bài thi Toán, tiếng Anh, tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Tại Đồng Nai, theo thông tin từ Sở GDĐT tỉnh, điểm thi môn Lịch sử kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cũng có kết quả rất thấp. Thấp đến giật mình.

Trong kỳ thi THPT 2018, tỉnh Đồng Nai có 28.833 thí sinh dự thi. Môn Lịch sử có tỉ lệ bài thi từ 5 điểm trở lên chỉ đạt 12,76% (tức là có tới 88,24% thí sinh không vượt qua điểm trung bình). Đặc biệt, Đồng Nai có tới 180 em bị điểm liệt môn Lịch sử.

Hiện chưa có địa phương nào xuất hiện điểm 10 môn này.

Nếu coi kết quả thi cử phản ánh quá trình dạy và học trong trường phổ thông, thì những con số thống kê về môn Lịch sử trong mùa thi năm nay phản ánh điều gì? Mục tiêu dạy, học môn Lịch sử trong nhà trường đã thất bại, hay đang có vấn đề?

Đề thi khó và dài

Năm 2011 từng xuất hiện nhiều tranh cãi liên quan đến việc môn Lịch sử có hàng nghìn điểm 0 trong kỳ thi đại học-cao đẳng. Khi đó, tư lệnh ngành giáo dục trao đổi lại rằng: Hàng ngàn điểm 0 là bình thường.

Bởi đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém. Vì vậy, qua quá trình thi lộ ra những học sinh kém là bình thường.

Năm 2017, lần đầu tiên môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm ở kỳ thi cấp quốc gia. Cũng tại kỳ thi này, toàn quốc có 107 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử - một hiện tượng chưa bao giờ xảy ra.

Đến năm nay, khi đọc những dòng tin về điểm thi môn Lịch sử thấp, một giáo viên dạy môn học này buồn rầu nói: Thực tế không có nhiều học sinh thích Sử. Nhiều em chọn thi ban Khoa học xã hội là vì không đủ sức thi các khối khác.

Lượng thí sinh đăng ký càng tăng, nhưng không có nghĩa học sinh ngày càng quan tâm đến môn Lịch sử. Vì đơn giản, thi trắc nghiệm có cơ hội cầu may để chống điểm liệt, nhiều em chỉ cần đủ điều kiện để xét tốt nghiệp.

Còn theo cô Hoàng Thị Lan Hương - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), đề thi môn Lịch sử năm nay khó hơn so với năm ngoái rất nhiều. Phạm vi kiến thức khá rộng, bao gồm cả chương trình lớp 11 và 12.

Có nhiều câu hỏi mang tính tư duy, học sinh phải nắm bắt các sự kiện trong mối tương quan, liên hệ với nhau, phải có kỹ năng so sánh, tổng hợp, phân tích, khái quát thì mới làm được.

Nhiều giáo viên khác cũng cho rằng điểm thấp nằm ở đề thi, có sự phân hóa rõ rệt. Có điều, điểm Lịch sử thấp, sẽ là một tai họa cho tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại