Ép các nước bỏ vũ khí hạt nhân nhưng ai kiểm soát kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Israel?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Sức mạnh hạt nhân của Israel vẫn còn là điều bí ẩn và nước này còn được Mỹ ủng hộ để giữ độc quyền, ưu thế như một lực lượng hạt nhân duy nhất ở Trung Đông.

Trong khi dư luận tập trung chỉ trích, gây sức ép đòi Iran và Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, phá hủy các dự án hạt nhân của các nước Ả rập ngay từ khi còn phôi thai, thì không một ai nói đến sức mạnh hạt nhân của Israel.

Đến nay, sức mạnh hạt nhân của Israel vẫn còn là một điều bí ẩn, không những không có ai kiểm soát mà còn được Mỹ ủng hộ để giữ độc quyền và ưu thế như là một lực lượng hạt nhân duy nhất tại khu vực Trung Đông.

Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây đưa ra các tài liệu do Cơ quan tình báo Mossad đánh cắp được về "Chương trình hạt nhân bí mật" của Iran, ông đã lảng tránh trả lời câu hỏi của phóng viên truyền hình CNN về sức mạnh hạt nhân của nước mình. Ông nói: "Israel sẽ không là nước đầu tiên thừa nhận hoặc bác bỏ có sở hữu vũ khí hạt nhân".

Về phần mình, tờ báo Haaretz của Israel cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng Israel sẽ không bao giờ giải trừ vũ khí hạt nhân của mình chừng nào tất cả các nước ở khu vực Trung Đông công nhận đầy đủ và toàn diện quyền tồn tại của họ.

Tuyên bố này thể hiện Mỹ hoàn toàn thiên vị đứng về phía Israel, đặc biệt nó được đưa ra trước cuộc họp của Ủy ban trù bị tại Geneva để sắp xếp cho một hội nghị quốc tế đặc biệt về bàn về các biện pháp thực hiện Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) dự kiến được tổ chức vào năm 2020.

Washington luôn luôn ủng hộ học thuyết về an ninh của Israel nhằm duy trì ưu thế tuyệt đối về quân sự đối với sức mạnh của tất cả các nước Ả rập cộng lại. Theo hướng này, Mỹ đã và đang hỗ trợ Israel cả về chính trị lẫn quân sự nhằm ngăn chặn các nước khác ở Trung Đông phát triển sức mạnh quốc phòng, đặc biệt là năng lực hạt nhân.

Ép các nước bỏ vũ khí hạt nhân nhưng ai kiểm soát kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Israel? - Ảnh 1.

LHQ kêu gọi Israel từ bỏ vũ khí hạt nhân, tham gia hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters

Bí ẩn sức mạnh hạt nhân Israel

Ngay sau khi lập quốc năm 1948, Israel đã có chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngoài vũ khí hoá học và sinh học, việc phát triển vũ khí hạt nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Israel. Năm 1949, Israel đã bắt đầu hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử của Pháp, trao đổi các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học trong lĩnh vực hạt nhân. Năm 1953, hai nước ký Hiệp định khai thác Uranium và sản xuất nước nặng.

Năm 1957, Paris đã chuyển giao cho Tel Aviv lò phản ứng hạt nhân Dimona và sau đó Israel tiếp tục hợp tác với Mỹ và Nam Phi. Nhiều thông tin cho rằng, Israel bắt đầu sản xuất vũ khí hạt nhân vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, điều này đã không được khẳng định công khai.

Không có bất cứ thông tin chính thức nào về kho vũ khí hạt nhân của Israel. Vào tháng 10/1986, nhà khoa học hạt nhân Israel bất đồng chính kiến Mordechai Vanunu đã cung cấp thông tin chi tiết cho báo Sunday Times kèm theo các bức ảnh về chương trình hạt nhân của Israel, trong đó có lò phản ứng hạt nhân Dimona có thể sản xuất 200 vũ khí hạt nhân trong vòng 20 năm.

Mordechai Vanunu đã làm việc tại dự án này chín năm đã tiết lộ các thiết bị sản xuất vật liệu phóng xạ và các máy móc nhiệt hạch để chế tạo vũ khí. Ông đã bị kết án 18 năm tù giam về tội tiết lộ bí mật quốc gia.

Israel không xác nhận và cũng không bác bỏ các thông tin cho rằng nước này có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), Israel hiện đang sở hữu 80 vũ khí nguyên tử và có đủ lượng plutonium để sản xuất khoảng 200 vũ khí hạt nhân. Tạp chí Foreign Policy của Mỹ mới đây cũng tiết lộ một tài liệu tình báo nói rằng, hiện nay ngoài bom Hydrogen, các loại vũ khí hoá học và sinh học, Israel đang sở hữu vài trăm đầu đạn hạt nhân.

Hiện nay có nhiều đánh giá khác nhau về kho vũ khí hạt nhân của Israel. Theo ước tính, Israel hiện đang sở hữu khoảng 200 đến 300 đầu đạn hạt nhân. Israel có khả năng phóng các đầu đạn này đến mục tiêu bằng tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa liên lục địa, máy bay và tên lửa hành trình được lắp trên tàu ngầm.

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính Israel có khoảng 80 vũ khí hạt nhân, trong đó có 50 đầu đạn có thể lắp vào tên lửa đạn đạo Jericho có tầm bắn lên tới 11,500 km và 30 quả bom nguyên tử được trang bị cho máy bay.

Theo nhiều nguồn thống tin khác nhau, Israel còn sở hữu một đội tàu ngầm 3 chiếc hạng Dolphin được trang bị các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Popeye Turbo. Ngoài ra, quân đội Israel còn có nhiều máy bay chiến đấu và 360 tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Với khoảng 200-300 đầu đạn có sức công phá tương đương 200 ngàn tấn thuốc nổ TNT, gấp 14 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima năm 1945, Israel được coi là cường quốc hạt nhân lớn thứ 6 trên thế giới sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Mặc dù là thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) từ năm 1957, nhưng Israel không tham gia Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 và không ký các nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và các nghị quyết liên quan đến việc cấm sử dụng, sản xuất và phát triển các loại vũ khí sinh học năm 1972.

Israel giữ im lặng về tất cả các thông tin liên quan đến chương trình hạt nhân của mình, nhưng nhiều thông tin rò rỉ đã nêu tên một số cơ sở hạt nhân của Israel đang hoạt động, quan trọng nhất là lò phản ứng hạt nhân Dimona ở sa mạc Nagev, Sorek Nahal ở Tây Beersheva, Kishon ở Bắc vịnh Haifa, Kfar Zakharia ở Tây Bắc Hebron và Eilboun ở Jalil.

Trong khi kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Israel đến nay vẫn chưa được công bố và nằm ngoài vòng kiểm soát của quốc tế, Israel cùng với Mỹ đã tìm mọi cách ngăn cản các nước khác trong khu vực phát triển vũ khí hạt nhân.

Để thực hiện mục tiêu này, Israel đã và đang áp dụng chính sách "đánh đòn phủ đầu" đối với các nước khu vực, tức là phá các dự án của đối phương ngay từ đầu. Đến nay, Israel vẫn là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có vũ khí hạt nhân.

Ngày 7/6/1981, trong chiến dịch với biệt danh "Opera", không quân Israel đã phá hủy nhà máy hạt nhân Osirak của Iraq ở phía Nam thủ đô Baghdad được xây dựng với sự giúp đỡ kỹ thuật của Pháp, mặc dù nhà máy này phục vụ cho mục đích hoà bình và nằm dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Trước đó, ngày 14/6/1980, tình báo Mosad của Israel cũng đã phả hủy lò phản ứng Osirak 2 ngay tại cảng Marseil của ở Pháp trước khi đưa lên tàu vận chuyển đến Iraq sau khi Mossad ám sát nhà khoa học người Ai Cập Yahya Al-Meshad ở Paris làm việc cho dự án hạt nhân Iraq.

Năm 2004, Mỹ và Israel đã buộc nhà lãnh đạo Libya Muammar Al-Qaddafi phải giao nộp toàn bộ chương trình hạt nhân của mình.

Israel cũng thừa nhận đã phá hủy lò phản ứng hạt nhân Al-Kibar của Syria ở Deir Ezzor tháng 9/2007 trong chiến dịch "Operation Orchard".

Dự án hạt nhân của Iran được khởi động vào năm 1950 dưới thời cai trị của vua Shah Reza Pahlavi với sự giúp đỡ của Mỹ và sau này của cả Pháp và Đức. Nhưng sau thành cuộc Cáchmạng Hồi giáo lật đổ chế độ Pahlavi, dự án này lại trở thành một mối đe dọa lớn đối với Israel.

Mặc dù Iran đã mở cửa các cơ sở hạt nhân của mình để Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế giám sát, gia nhập Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 và ký thỏa thuận hạt nhân JCPOA với các nước P5+1 năm 2015, Tel Aviv vẫn khẳng định rằng Tehran có một chương trình bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân, một trong những lý do để chính quyền Mỹ của Tổng thống D. Trump rút khỏi thỏa thuận này và áo đặt lệnh trừng phạt đối với Iran.

Ép các nước bỏ vũ khí hạt nhân nhưng ai kiểm soát kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Israel? - Ảnh 3.

Cơ quan tình báo Mossad của Israel luôn luôn theo dõi và tìm cách phá hủy các chương trình hạt nhân của các nước thuộc khu vực Trung Đông, kể cả các chương trình hạt nhân phục vụ cho mục đích hoà bình.

Để tiến tới một Trung Đông hoà bình và ổn định, bên cạnh các cố gắng nhằm phải giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra hiện nay, đặc biệt là cuộc xung đột Ả rập-Israel mà cốt lõi của nó là vấn đề Palestine, việc xây dựng khu vực Trung Đông không có vũ khí hạt nhân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Trước mắt, các bên cần thỏa thuận các biện pháp thực hiện ba mục tiêu chính của Hiệp ước phi hạt nhân hoá khu vực Trung Đông năm 1995 là giải trừ hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hoà bình.

Mặt khác, Israel với tư cách là nước duy nhất tại Trung Đông sở hữu vực khí hạt nhân cần thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đặt các cơ sở hạt nhân của minh dưới sự giám sát của IAEA và sớm gia nhập Hiệp ước này.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại