Nhóm trộm cướp đâm 2 "hiệp sĩ" tử vong ở Sài Gòn sẽ đối diện hình phạt nào?

Phương Trang |

Theo luật sư, đối tượng Tài "mụn", Phú sẽ đối diện với mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình.

Ngày 17/5, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam Nguyễn Tấn Tài ( Tài "mụn", SN 1994, ngụ quận 12), Nguyễn Hoàng Châu Phú (SN 1994, ngụ huyện Hóc Môn) can tội "Trộm cắp tài sản" và "Giết người". 

Còn Ngô Văn Hùng (SN 1986, ngụ đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp) bị khởi tố về hành vi "Che giấu tội phạm".   

Cơ quan công an cũng đang xem xét để làm rõ vai trò và xử lý một số đối tượng khác có liên quan đến vụ án đâm 2 "hiệp sĩ" tử vong, 3 bị thương nặng trên đường CMT8, quận 3 vào tối 13/5.

Nhóm trộm cướp đâm 2 hiệp sĩ tử vong ở Sài Gòn sẽ đối diện hình phạt nào? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hành vi của Tài, Phú đủ cơ sở pháp lý để khởi về tội "Trộm cắp tài sản" và tội "Giết người" được quy định tại theo Điều 173 Điều 123 BLHS hiện hành với các tình tiết định khung giết 2 người trở lên, gây hậu quả nghiêm trọng, có tính chất côn đồ. Mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình.

Riêng đối tượng Ngô Văn Hùng giúp sức cho Tài sẽ bị khởi tố về tội "Tội che giấu tội phạm" theo Điều 389 BLHS hiện hành với khung hình phạt được quy định tại khoản 1 của điều này, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. 

Theo ông Đức, trong quá trình điều tra, căn cứ vào tình tiết diễn biến vụ việc cũng như tính chất phạm tội, hậu quả, tiền án, tiền sự… Viện KSND sẽ truy tố theo các tội danh tương xứng, kèm theo đó là các hình phạt thích đáng được quy định cụ thể tại BLHS.   

Nhóm trộm cướp đâm 2 hiệp sĩ tử vong ở Sài Gòn sẽ đối diện hình phạt nào? - Ảnh 3.

Nghi can Tài, Phú và Hùng.

Liên quan đến những bất cập pháp lý của các "hiệp sĩ" sau vụ 2 người bị đâm tử vong, luật sư Đức cho biết, hiện vẫn chưa có quy định nào trong việc ghi nhận tính chính quy của các "hiệp sĩ" khi hoạt động.

"Hành lang pháp lý hiện tại vẫn chưa có quy định nào trong việc ghi nhận tính chính quy của các "hiệp sĩ" ngoài sự trân trọng tinh thần trượng nghĩa từ người dân.

Chúng ta cần nhìn nhận các "hiệp sĩ" là người phải gánh chịu mọi sự nguy hiểm, thiệt hại về tính mạng, tài sản, tất cả mọi trách nhiệm pháp lý khác nếu lỡ gây ra thương tích hay tử vong cho đối tượng gây án, người xung quanh khi làm việc nghĩa.

Ngoài ra, họ phải chịu trách nhiệm về mặt hình sự, dân sự theo luật định hiện hành. Đây chính là một thực tế mà các "hiệp sĩ" phải tự chịu", luật sư Đức chia sẻ.

Nhóm trộm cướp đâm 2 hiệp sĩ tử vong ở Sài Gòn sẽ đối diện hình phạt nào? - Ảnh 4.

Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo ông Đức, việc thừa nhận tính pháp lý hoạt động chính thống của các đội, nhóm "hiệp sĩ" thuộc về chủ trương của cá cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

"Hiện nay vẫn chưa có chế độ chính sách theo luật định đối với các "hiệp sĩ". Tôi cho rằng cần có quy định cụ thể rõ ràng, ghi nhận và trân trọng việc làm, sự xả thân của họ vì người dân.

Bên cạnh đó nhà chức trách cần phát huy, nêu cao tinh thần của "hiệp sĩ" đối với người dân trong việc phát động "mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm" theo khoản 3 Điều 4 Bộ Luật hình sự hiện hành cũng như đã được phát động cổ vũ phong trào trong toàn dân bấy lâu nay.

Cần xây dựng một bộ quy tắc mẫu nhằm tuyên truyền, đề mọi người, các "hiệp sĩ" ứng xử, đối phó với các tình huống khi phát hiện các đối tượng gây án. Qua đó nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe tính mạng cho chính người dân cũng như các hiệp sĩ", luật sư Đức nêu ý kiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại