Tại sao lại mong Việt Nam ít hiệp sĩ hơn?

Phan Đăng |

Khi hai "hiệp sĩ" Sài Gòn ngã xuống sau những nhát đâm oan nghiệt của một băng cướp liều lĩnh thì chúng ta vừa xót xa, đau đớn, vừa chợt giật mình nhận ra cái gọi là "tinh thần hiệp sĩ" trong xã hội bây giờ.

Hiệp sĩ của người ta và "hiệp sĩ" của mình

Hiệp sĩ (có thể viết như thế, mà không phải đưa vào ngoặc kép) là một khái niệm xuất hiện trong xã hội trung cổ phương Tây.

Hiệp sĩ thời ấy được tước phong, được trang bị ngựa tốt, áo giáp tốt, vũ khí tốt... nghĩa là được trao cho một cơ chế nhất định để có thể xông pha nơi đường tên ngọn giáo quân thù.

Khi xã hội trung cổ chấm dứt, xã hội hiện đại hình thành thì mẫu hình hiệp sĩ theo nghĩa đó không tồn tại.

Hiệp sĩ thời hiện đại, ở những xã hội vẫn còn giới hoàng gia, quý tộc chỉ còn mang ý nghĩa danh dự, dành cho những con người có cống hiến đặc biệt.

Nhưng dù chỉ là ý nghĩa danh dự thì nó vẫn phải được tước phong bởi hoàng tộc, mà ở Anh là bởi nữ hoàng Elizabeth.

Ca sĩ huyền thoại Elton John được phong hiệp sĩ vì đã có những cống hiến vĩ đại cho âm nhạc và những chiến dịch bảo vệ bệnh nhân HIV.

HLV huyền thoại Alex Ferguson được phong hiệp sĩ vì đã giúp CLB Manchester United đạt được những chiến tích vô tiền khoáng hậu.

Nhưng ở Việt Nam thì "hiệp sĩ" không và chưa bao giờ được ghi nhận một cách chính thức như thế.

Khái niệm "hiệp sĩ Sài Gòn" xét cho cùng chỉ là khái niệm mà người dân vì yêu quý, ngưỡng mộ những con người "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", những con người "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha". Nghĩa là tự đặt ra và tự gọi mà thôi.

Những "hiệp sĩ" này cũng từng nhận được những tấm bằng khen của chính quyền, nhưng những tấm bằng khen và cái danh hiệu mà người dân tự phong ấy không thể giúp họ một cơ chế hoạt động đặc thù nào cả.

Thế cho nên, nếu vì tự vệ mà họ chẳng may làm chết một tên trộm cướp thì họ vẫn sẽ bị pháp luật xử lý, như một công dân bình thường, chứ không phải như một "hiệp sĩ".

Họ biết điều này không? Chắc chắn là biết!

Bố mẹ, vợ con, người thân, họ hàng của họ biết điều này không? Chắc chắn cũng biết.

Bằng chứng là mẹ của một "hiệp sĩ" vừa nằm xuống đã chia sẻ rất thẳng rằng nếu biết con mình tham gia nhóm "hiệp sĩ Sài Gòn" thì bà đã ngăn lại, vì đấy là nhiệm vụ của cơ quan công an, chứ không phải là nhiệm vụ của những "hiệp sĩ".

Điều này đúng trong sự phân công hành chính của một xã hội, một guồng máy.

Nhiệm vụ của đạo đức và lương tâm

Nhưng ngoài những phân công mang tính hành chính thì con người còn chịu một sự phân công khác: sự phân công của đạo đức và lương tâm.

Chính từ sự phân công thứ hai này mà một thiểu số người mới chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận rủi ro sắm vai "hiệp sĩ". Cái tinh thần "hiệp sĩ" vì thế là điều rất đáng ngưỡng mộ.

Tại sao lại mong Việt Nam ít hiệp sĩ hơn? - Ảnh 1.

Tại sao có người lại mong Việt Nam ngày càng ít hiệp sĩ?

Một tinh thần "hiệp sĩ" như thế không chỉ cần ở trên đường phố, mà còn cần ở rất nhiều mặt trận khác, từ giáo dục đến y tế, từ công cuộc chiến đấu với tham ô tham nhũng, đến hành trình bảo vệ những lý tưởng mang tính bản thể của con người như tự do, dân chủ, dân quyền, dân sinh...

Với những xã hội chậm phát triển, đang phát triển hoặc "không chịu phát triển" (từ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan) thì cái tinh thần "hiệp sĩ" càng cần được phát huy, càng là điều mà người ta chờ đợi và mong ngóng.

Hôm qua, chúng ta xót xa chứng kiến hai "hiệp sĩ Sài Gòn" nằm xuống.

Chúng ta kêu gọi những thay đổi tích cực trong cách nhìn, cách nghĩ của xã hội, và những vận động của bộ máy để làm sao từ nay trở đi xác suất rủi ro trong các hành động của các "hiệp sĩ" được giảm thiểu, ít nhất là ở góc độ dư luận, khi những nhận xét có phần cay nghiệt, thiếu nhân văn về họ vẫn xuất hiện đâu đó.

Sau cái chết của hai đồng đội, tuyệt vời thay, một "hiệp sĩ" ở Bình Dương vẫn khẳng định: "Sẵn sàng cống hiến cho người dân đến hơi thở cuối cùng".

Và chúng ta cũng mong rằng, không vì sự nằm xuống của hai "hiệp sĩ" mà cái tinh thần hiệp sĩ vốn rất cần ở mọi lĩnh vực vì thế mà giảm sút.

Ở một thời đại mà gần như ai cũng dạy con cháu mình một câu cửa miệng: "Đấu tranh - tránh đâu!" mà lại thiếu đi tinh thần hiệp sĩ - một tinh thần hiệp sĩ đích thực, chứ không nguỵ tạo, trá hình, thì còn biết hy vọng vào đâu nữa?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại