Nhân tài Việt và giấy phép con

Phạm Trung Tuyến |

Nếu những giấy phép con không được loại bỏ thì sẽ có nhiều người tài như GS Trương Nguyện Thành không muốn trở về.

AI MỚI THIỆT THÒI?

Giáo sư Trương Nguyện Thành, người được 16/18 phiếu tín nhiệm của Hội đồng quản trị trường Đại học Hoa Sen cho vị trí hiệu trưởng, nhưng đã không được Sở giáo dục đào tạo TP.HCM công nhận, do chưa đạt chuẩn về số năm quản lý tại Việt Nam. Vị giáo sư này trở về Mỹ, thay vì ở lại cống hiến cho giáo dục quê nhà.

Ông Thành được phong giáo sư cao cấp tại Mỹ - là nhân tài được xác nhận bởi một nền giáo dục uy tín bậc nhất thế giới, nhưng chỉ vì một quy định cứng nhắc mà không có cơ hội tại quê nhà.

Dù thứ quy định cứng nhắc này là Luật Giáo dục đại học, thì xét cho cùng nó cũng giống một kiểu "giấy phép con" trong lĩnh vực giáo dục. Nó cản trở người tài cống hiến hiệu quả nhất.

GS Thành nổi tiếng nên càng khiến người ta luyến tiếc và trở thành một sự kiện báo chí. Nhưng, trường hợp của ông Thành không phải là cá biệt, khi vẫn còn những giấy phép con tương tự cản trở nhân tài.

Đinh Đức Hoàng là một trong những cây bút xuất sắc nhất hiện nay trong làng báo Việt Nam. Nhưng Hoàng không có thẻ nhà báo, dù anh đã công tác tại các cơ quan báo chí cả chục năm, giữ các chuyên mục quan trọng nhất. Chỉ vì anh không có bằng đại học.

Nhân tài Việt và giấy phép con - Ảnh 2.

Khi Luật báo chí 2016 còn trong quá trình xây dựng, tại một hội nghị được tổ chức để góp ý dự thảo, Hoàng được mời bình luận về quy định tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo.

Hoàng nói: Quy định tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo phải có bằng đại học không khiến tôi cảm thấy thiệt thòi cho mình, nếu tôi không đủ điều kiện để có thẻ nhà báo thì đó là thiệt thòi cho nền báo chí.

Đó là một câu trả lời thú vị. Có người nghĩ rằng Hoàng kiêu ngạo, song tôi nghĩ anh nói đúng. Bởi, nếu những cây bút xuất sắc như Đinh Đức Hoàng không được cấp thẻ nhà báo, điều kiện tác nghiệp của anh sẽ bị cản trở, anh sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận một số thông tin để hoàn thành những tác phẩm báo chí có thể xuất sắc hơn. Đó là thiệt thòi cho toà soạn của anh, và thiệt thòi cho bạn đọc.

Giáo sư Trương Nguyện Thành không thể làm hiệu trưởng trường Hoa Sen, ông trở về Mỹ và dễ dàng có một công việc tốt hơn cho bản thân ông. Còn trường Hoa Sen mất đi một người hiệu trưởng có đẳng cấp quốc tế, mất đi cơ hội được quản trị bằng một tư duy xuất sắc. Đó là một thiệt thòi cho chính nền giáo dục.

VÌ SAO NHÂN TÀI RẤT KHÓ "CHẢY" NGƯỢC VÀO CƠ QUAN NHÀ NƯỚC?

Tôi làm việc ở một cơ quan cấp Bộ. Sếp của tôi có khát vọng tìm được những nhân tài giúp cơ quan có được những phát triển đột phá. Ông khuyến khích mọi người giới thiệu nhân tài về cơ quan.

Đó là một khát vọng chính đáng, nhưng không dễ dàng, bởi dù có tìm kiếm được nhân tài nhưng nếu họ đang ở ngoài hệ thống cơ quan nhà nước, không có cách nào để họ có thể được bổ nhiệm vào một vị trí xứng đáng với khả năng của họ vì hàng loạt tiêu chuẩn buộc phải có của hệ thống, mà không liên quan đến khả năng chuyên môn của họ.

Nhân tài, chỉ có thể dịch chuyển từ cơ quan nhà nước sang khối tư nhân, rất khó để ngược dòng do những "giấy phép con" là những tiêu chuẩn ngoài chuyên môn.

Điều đó dễ nhìn thấy ở những cơ quan chính quyền khi người ta không thể bổ nhiệm một lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân rất thành công vào một vị trí lãnh đạo chính quyền cơ sở, dù chỉ là cấp xã.

Bởi họ phải đi lên một cách tuần tự, qua những thang bậc được thể hiện trong hồ sơ công chức.

Đối với khối cơ quan nhà nước, vị trí của các nhân sự được ràng buộc bởi các "giấy phép con" mang tên tiêu chuẩn công chức có thể không khó hiểu.

Tuy nhiên, trường hợp Giáo sư Trương Nguyện Thành thì thực sự vô lý trong cuộc sống, bởi đại học Hoa Sen là một trường đại học tư thục.

Về mặt bản chất, trường đại học này tồn tại trong thị trường giáo dục và sự sống chết của nó được quyết định bởi thị trường.

Vậy nhưng vị trí đứng đầu về chuyên môn của ngôi trường này lại bị quyết định bởi những tiêu chuẩn của một cơ quan quản lý hành chính về giáo dục. Vai trò của nhà quản lý trong câu chuyện này chỉ thuần tuý mang ý nghĩa là một rào cản đối với nhân tài.

Một đất nước đang đẩy mạnh kiến tạo, khi mà hầu như mọi bộ, ngành đều đang cố gắng loại bỏ giấy phép con để các tổ chức, doanh nghiệp dễ thở hơn, song yếu tố quan trọng nhất là thu hút nhân tài lại vướng phải những giấy phép con không đáng có. 

Dòng chảy kiến tạo, vì thế, có thể bị thắt nghẽn ngay từ khâu đầu tiên, và quan trọng nhất, là yếu tố con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại