Người dân đang giữ bản đồ gốc 1/5.000 quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm?

Viết Dũng |

Một người dân ở TP.HCM khẳng định đang nắm giữ bản đồ gốc 1/5.000. Họ cho rằng, đây là mấu chốt trong việc khiếu kiện của cả trăm hộ dân Thủ Thiêm kéo dài hàng chục năm qua.

Thông tin bản đồ 1/5.000 quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm năm 1996 bị thất lạc khiến nhiều người dân băn khoăn, thắc mắc liệu TP.HCM dựa vào cơ sở nào để giao đất, cấp phép cho các dự án xây dựng ở đây?

Bản đồ thất lạc là điều không tưởng

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Lung (đường Trần Não, quận 2, đại diện cho 71 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án) cho biết, nhiều lần người dân Thủ Thiêm đã yêu cầu UBND TP.HCM cho xem bản đồ 1/5.000 để xác định ranh giới giải tỏa mặt bằng nhưng đều bị từ chối.

"Chúng tôi yêu cầu TP phải trưng ra bản đồ quy hoạch 1/5.000 để xác định ranh giới, nhưng họ bảo thất lạc. Việc này đẩy người dân vào vòng tranh chấp khiếu kiện kéo dài từ  năm 1996 đến nay", ông Lung nói.

Về vấn đề, tấm bản đồ gốc bản đồ gốc 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm có hay không?, ông Lung khẳng định là có và cho biết đang giữ một tấm bản đồ có đầy đủ dấu mộc và ký xác nhận của cơ quan chức năng.

Để chứng minh điều này, ông đã trưng một bản đồ màu ghi cụ thể "Quy hoạch xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm – Tổng quy hoạch", phía dưới ghi rõ các cơ quan chức năng đóng dấu xác nhận gồm: Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị với ký hiệu bản vẽ KT-06, ngày 12/6/1995, tỷ lệ 1:5.000.

Ông Lung đặt vấn đề: "TP trả lời bản đồ thất lạc là một điều không tưởng, vì quản lý đất đai trong đó có bản đồ này là nhiều đơn vị từ cấp cơ sở đến chính quyền mà cao nhất là TP. Liệu có khuất tất gì liên quan đến tấm bản đồ này trong việc giải quyết tranh chấp ranh giới ở khu đô mới Thủ Thiêm hay không?"

Người dân đang giữ bản đồ gốc 1/5.000 quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm? - Ảnh 2.

Toàn cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh Chí Hữu.

Liên quan đến việc nhà chức trách giải thích, quy hoạch chung năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch năm 2005, ông Lung cho rằng trả lời của cơ quan chức năng là không chính xác.

"Việc triển khai dự án thu hồi mặt bằng theo bản đồ Quy hoạch điều chỉnh năm 2005 này là chưa đúng. Vì quyết định thu hồi đất chúng tôi từ ngày 10/2/2002 theo Quy hoạch 367 của Thủ tướng Chính phủ kèm bản đồ 1/5.000", ông Lung nói dứt khoát.

Theo người đàn ông này, các cơ quan có thẩm quyền cần phải sử dụng tấm bản đồ 1/5.000 trong Quyết định 367 của Thủ tướng ngày 4/6/1996 để căn cứ ranh giới được phê duyệt xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

"Tấm bản đồ này là mấu chốt chính trong việc khiếu kiện của cả trăm hộ dân Thủ Thiêm kéo dài hàng chục năm qua. Tôi cho rằng đất của mình và hàng trăm hộ dân không nằm trong khu vực quy hoạch nhưng lại bị giải tỏa. Chính quyền TP.HCM phải đưa ra bản đồ 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm để xác định", ông nói.

Người dân đang giữ bản đồ gốc 1/5.000 quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm? - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Lung chia sẻ với PV.

"Tính pháp lý của bản đồ 1/5.000 đã được thay thế"

Trước đó, chiều 3/5, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã có cuộc trao đổi với báo giới về thông tin Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỉ lệ 1/5.000, kèm theo Quyết định số 367/1996 của Thủ tướng (văn bản pháp lý về quy hoạch dự án này) - đến nay tìm chưa thấy.

Về việc có hay không có bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm? ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM nói: "Hiện nay tôi đang đi lễ, mong thông cảm. Có vấn đề gì thì các hãy hỏi những người đương chức".

Theo thứ trưởng Hùng, khu đô thị Thủ Thiêm được triển khai quy hoạch theo các bước: quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Quy hoạch chung xuất bản bản đồ với tỉ lệ 1/5.000, còn quy hoạch chi tiết xuất bản bản đồ theo tỉ lệ 1/2.000.

Sau quy hoạch sẽ cụ thể hóa và phân giới, cắm mốc trên thực địa, đồng thời. Quy hoạch sau chính xác hóa quy hoạch trước - ông Hùng thông tin.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay khu đô thị Thủ Thiêm từng 2 lần được phê duyệt quy hoạch (phê duyệt quy hoạch chung năm 1996 và lần điều chỉnh vào năm 2005). Như vậy Thủ Thiêm có rất nhiều bản đồ.

Theo ông Hùng, quá trình triển khai dự án, xác định gianh giới, thu hồi mặt bằng được thực hiện trên quy hoạch chung được phê duyệt năm 2005. 

"TP.HCM trả lời tất cả bản đồ thực hiện quy hoạch chung, chi tiết năm 2005 đều có đầy đủ và đang triển khai dự án thu hồi dựa trên cơ sở này. Bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung năm 1996, tuy nhiên, về pháp lý đã được thay thế bằng quy hoạch năm 2005", ông Hùng khẳng định.  

Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc thất lạc bản đồ năm 1996 của Thủ Thiêm cũng như trách nhiệm, hệ lụy... chủ yếu liên quan đến triển khai quy hoạch chi tiết trước đó. Ông cho rằng đương nhiên việc triển khai quy hoạch phải có bản đồ.

Người dân đang giữ bản đồ gốc 1/5.000 quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm? - Ảnh 5.

Ông Lê Quang Hùng. Ảnh Hoàng Đan.

"Việc thất lạc là trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và đang xem xét, làm rõ việc lưu trữ như thế nào. Phải khẳng định, tất cả đều được triển khai trên quy hoạch chung đã được phê duyệt từ năm 2005 đến giờ", ông Hùng nói.

Trước đó, ngày 2/5, UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh tháng 4/2018 và 4 tháng đầu năm 2018.

Tại cuộc họp, nhiều phóng viên đặt câu hỏi TP.HCM không tìm thấy bản đồ gốc đi kèm với Quyết định 367 về quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Chính phủ ban hành vào năm 1996.

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, cho biết bản đồ Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến giờ này vẫn chưa tìm ra.

"Từ năm 1995 đến nay đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm, họ cho biết không lưu trữ bản đồ này. Đến giờ này, UBND TP đã có chỉ đạo các ngành rà soát lại từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và có văn bản hỏi các bộ ngành Trung ương", ông Nhã nói.

Ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết thêm, bản đồ khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/5.000 chưa tìm thấy trong bộ hồ sơ lưu, chứ không phải không có. Các Bộ, ngành vẫn đang cố gắng tìm.

"Trong thủ tục trình Chính phủ có đầy đủ tất cả theo quy định thì mới được phê duyệt. Rất tiếc 20 năm rồi, công tác lưu trữ chưa thấy bản đồ quy hoạch bản gốc đó. Hiện thành thành phố chỉ đạo phải truy bằng được.

Tôi mới nghe thông tin hình như đã tìm thấy được bản sao, nhưng chưa có bản gốc. Vì vậy chúng ta không nói là không có, mà là tìm chưa ra, cơ quan chức năng vẫn đang tìm", ông Hoan khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại