TIN TỐT LÀNH 18.4: 24 giờ rung chuyển và lời cáo phó cho những "chuyến tàu vét"

Bùi Hải |

Nhờ có "cái lò nóng", chúng ta mới có thể thấy rõ: Dưới bề mặt của một thành phố đáng sống nhất Việt Nam, hóa ra vẫn có quá nhiều luật chơi ngầm gây tổn hại cho đất nước.

Chưa khi nào, trong một ngày, chúng ta nhận được nhiều thông tin rung chuyển đến như vậy: Khởi tố 2 cựu Chủ tịch TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến; Khởi tố một cựu trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Phan Hữu Tuấn, kỷ luật một nhân vật trẻ tuổi ai cũng biết về xuất thân, Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch quận 12, TP.HCM.

Phía sau 3 nhân vật đầu, đều có bóng dáng của nhân vật từng chạy trốn nhưng không thoát "lưới trời lồng lộng": Vũ Nhôm.

Ông Chiến, ông Tuấn đều đã nghỉ hưu được 3 năm. Ông Minh nghỉ hưu 2 năm. Hành trình vui thú điền viên thật ngắn ngủi. Ngược lại hạt giống trẻ Lê Trương Hải Hiếu có tới 23 năm nữa mới đến tuổi nghỉ chế độ.

Trong 24 giờ ngày hôm qua, một lần nữa, thông điệp rất tốt lành được phát ra: Không có bất kỳ ai, dù đã hạ cánh hay quan lộ sáng láng, có thể tìm nơi "trú ẩn an toàn" trước những "tên lửa hành trình công lý", nếu họ gây hại cho đất nước.

Dù chỉ mới bắt đầu những bước đầu tiên trong hành trình tố tụng phức tạp, nhưng người dân đã có thể đặt nhiều câu hỏi:

Tại sao dưới thời ông Minh nắm quyền, Vũ Nhôm lại có thể làm được điều khó ai dám mơ tới: Mua được tận 19 công sản lớn mà không qua đấu giá? (đọc tin chính)

Ông Chiến đã làm chủ tịch thành phố như thế nào mà Phan Văn Anh Vũ lại hốt được 5 căn nhà không qua đấu giá? (đọc tin chính)

Một cựu trung tướng, Phó tổng cục tình báo đã hoạt động nghiệp vụ thế nào mà để chính mình dính tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" trong vụ Vũ Nhôm? (đọc tin chính)

Một chủ tịch quận trẻ nhất của thành phố năng động nhất đất nước, một cán bộ đoàn năng nổ, tại sao lại chậm trễ đến khó hiểu trong việc chậm báo cáo với tổ chức những vấn đề về đạo đức, lối sống? Đằng sau việc đó là cái gì? (đọc tin chính)

Trong khi cơn bão tố tụng tràn qua Đà Nẵng, thì Bí thư Trương Quang Nghĩa, đã có những phát biểu rất đáng chú ý về "con ông cháu cha".

Ông Nghĩa đã chỉ thẳng: Hòa Vang đứng số 1, Cẩm Lệ số 2 trong câu chuyện người nhà, sau khi đặt câu hỏi: "Có khi nào các đồng chí thử kiểm tra trong hệ thống của chúng ta có bao nhiêu người nhà của Bí thư, bao nhiêu người nhà của Chủ tịch, bao nhiêu người nhà của Thường trực?" (đọc tin chính)

Một chi tiết khiến tôi chú ý đặc biệt là Bí thư Nghĩa lý giải nguyên nhân chính của tình trạng con ông cháu cha: "1 ông ngồi ở một chỗ lâu quá, ngồi ở vị trí mà không ai kiểm soát được vì mình tự quyết cả".

TIN TỐT LÀNH 18.4: 24 giờ rung chuyển và lời cáo phó cho những chuyến tàu vét - Ảnh 1.

Rõ ràng, câu nói ấy, chắc không chỉ đúng với Hòa Vang, Cẩm Lệ. Khi trách nhiệm của những người còn sống được cơ quan pháp luật vạch rõ, thì chắc chắn sẽ làm lộ sáng nhiều góc khuất của cả những người đã không còn nữa.

Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định: Trong chiến dịch Giải phóng hoàn toàn miền Nam những ngày tháng 4/1975, "lịch sử đất nước đi với tốc độ một ngày bằng 20 năm".

Có thể nói Chiến dịch chống "nội xâm" hôm nay, cũng đang đi với tốc độ thần tốc như vậy, nhưng vẫn bài bản, vững chắc.

Tốc độ diệt trừ tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ tỉ lệ thuận tuyệt vời với tốc độ phát triển đất nước.

Cách đây hơn một năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người". (đọc tin chính)

Đến hôm nay, tôi tin là rất nhiều người đang được cứu. Người dân và công bộc liêm chính thì được cứu chuộc niềm tin, cứu chuộc động lực.

Những công bộc còn lại phải chùn chân ga trong những "chuyến tàu vét" khi không còn tìm thấy bến đỗ nào tuyệt đối an toàn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại